Khi khán giả trở lại với sân chơi V-League!

20:22 Thứ hai 09/04/2018

TinTheThao.com.vnMùa giải V-League năm nay đánh dấu sự “đột biến” về lượng khán giả đến sân xem các trận đấu. Đây là một tín hiệu tích cực sau một thời gian rất dài các khán đài trên cả nước chịu cảnh đìu hiu, vắng vẻ do cổ động viên thờ ơ với các trận cầu V-League. Chính hiệu ứng U23 đã tạo nên cơn sốt V-League từ khi giải khởi tranh đến nay. Nhưng liệu cơn sốt này sẽ kéo dài bao lâu nếu như chất lượng giải không đi vào quỹ đạo như mong muốn?

Khán giả trở lại sân là hiệu ứng tích cực

Ở các mùa giải trước, quang cảnh trống vắng, thưa thớt trên các khán đài V-League đã trở thành “chuyện thường ngày” của bóng đá Việt Nam. Điều đó thật dễ hiểu với một giải đấu tuy mang danh chuyên nghiệp nhưng còn quá thiếu chuyên nghiệp. Những trận đấu với chất chuyên môn tầm tầm cùng nhiều vấn nạn tồn tại hết năm này qua năm khác đã khiến khán giả không mặn mà đến sân.

Tuy nhiên, sang mùa giải năm nay, sức hút từ các cầu thủ U23 sau thành công vang dội trên đất Trung Quốc hồi đầu năm đã kéo khán giả trở lại sân xem V-League. Không khí đã rất sôi động ngay từ khi giải chưa khởi tranh, một điều hiếm thấy ở giải đấu hạng cao nhất Việt Nam kể từ khi bước lên sân chơi chuyên nghiệp.

 - Bóng Đá

  Các khán đài chật kín trong trận đấu giữa Hà Nội và Hoàng Anh Gia Lai. Ảnh: Giang Nguyễn.

Những khán đài chật khán giả, hầu như không còn chỗ trống. Đó cũng là điều mà những năm trước luôn là mong ước của ban tổ chức giải (nay đã mang cái tên mỹ miều hơn: Ban điều hành giải) và cũng là điều xa xỉ ở V-League. Giải đấu cao nhất của bóng đa Việt Nam như bừng tỉnh sau “giấc ngủ” dài.

Khán giả quay trở lại sân chứng tỏ rằng V-League nói riêng, bóng đá Việt Nam nói chung luôn có chỗ đứng trong lòng khán giả hâm mộ cả nước. Người hâm mộ chưa bao giờ thôi quan tâm tới bóng đá nước nhà.

Những ngày này V-League vẫn đang sôi động, đang thu hút các cổ động viên hơn bao giờ hết. Không khí sôi động ấy gợi nhớ đến không khí giải vô địch quốc gia sau SEA Game 18 năm 1995 và những năm tiếp sau đó. Cũng là nhiệt tình của các cổ động viên, cũng là sự nhộn nhịp trên các khán đài, cũng là sự theo dõi sát sao của giới truyền thông. Đây thực sự là những tín hiệu đáng mừng cho bóng đá Việt Nam. Bóng đá chỉ tồn tại và phát triển khi cổ động viên đến sân, giới hâm mộ và toàn xã hội luôn quan tâm theo dõi.

Một câu hỏi đặt ra là sự cuồng nhiệt với giải V-League năm nay có kéo dài được hay chỉ mang tính nhất thời? Đó là một câu hỏi chưa thể trả lời trong thời điểm hiện tại.

Khán giả đông không có nghĩa giải đấu đã thực sự hấp dẫn

Có thể nói, động lực để khán giả trở lại các khán đài V-League năm nay không xuất phát từ chất lượng chuyên môn của các trận đấu. Thành tích vang dội và đầy ấn tượng của đội U23 ở giải châu Á vừa qua đã kéo khán giả đến sân.

Khán giả muốn được tận mắt xem các tuyển thủ U23, những thần tượng mới của bóng đá Việt Nam thi đấu trong màu áo câu lạc bộ. Các cổ động viên kỳ vọng được xem màn trình diễn của các tuyển thủ trên sân bóng V-League, chứng kiến tận mắt những pha xử lý kỹ thuật, những pha phối hợp ngoạn mục, những bàn thắng đẹp mắt như đã từng thể hiện tại giải U23 châu Á.

 - Bóng Đá

 Sức hút từ các cầu thủ U23 đã khiến sân cỏ cả nước nhộn nhịp hẳn lên. Ảnh: Giang Nguyễn.

Rõ ràng, V-League đã cần phải có yếu tố “ngoại lực” để kéo khán giả đến sân. Thử hỏi nếu không có “hiệu ứng U23" thì giải V-League năm nay có “đắt khách” ít nhất là đến thời điểm này? Chắc chắn là không bởi thực tế ở các mùa giải qua cho thấy, chất lượng các trận đấu ở V-League vẫn chỉ ở mức trung bình, sức hấp dẫn của giải đấu chưa cao, ít khi thấy sự cống hiến hết mình giữa các đội.

Mỗi mùa giải diễn ra vẫn là tình trạng “thi xong tất cả lại về”. Diễn biến giai đoạn cuối mùa giải 2016 chỉ là một điển hình, một điểm lóe lên của toàn bộ “bức tranh V-League” những năm qua. Còn đó những vấn đề nóng đang tồn tại ở V-League. Đó là nạn bạo lực sân cỏ đã và đang hoành hành không chỉ ở V-League mà còn ở các hạng đấu khác của bóng đá Việt Nam với mức độ ngày càng nghiêm trọng.

Đó là tình trạng nhũng nhiễu của khán giả khi đến sân mà điển hình nhất là nạn đốt pháo sáng, đe dọa đến sự an toàn của những khán giả chân chính và an ninh các trận đấu. Đó là tình trạng những tiếng còi gây tranh cãi của cáctrọng tài gây ra không ít sự rắc rối, thậm chí không khí náo loạn trong các trận đấu… Đây là những tồn tại rất nhức nhối của bóng đá Việt Nam bao năm qua và chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Mùa giải V-League 2018 này, bên cạnh sự sôi động, cuồng nhiệt trong nhiều trận đấu vẫn còn tiềm ẩn những vấn đề nóng của của V-League cũng như của cả nền bóng đá Việt Nam như đã kể trên. Điển hình nhất là nạn đốt pháo sáng trên khán đài vẫn xảy ra trong một số trận đấu vừa qua. Chặng đường V-League năm nay còn rất dài. Ai có thể chắc rằng những vấn nạn trên không tái diễn và bùng phát?

"Hiệu ứng U23" là rất tích cực, đem lại luồng sinh khí mới cho bóng đá Việt Nam. Hiệu ứng ấy cũng được cho là tạo ra "cú hích" mới cho bóng đá nước nhà. Như thế cũng không có nghĩa là giải V-League đã được nâng tầm về chất lượng, về sự hấp dẫn. Điều quan trọng là từ sự kỳ vọng, cần phải biến tiềm lực hiện tại để có được thành tựu trong tương lai. Nhìn vào bối cảnh bóng đá Việt hiện nay, thiết nghĩ, nhận định ấy không phải không có cơ sở.

V-League cần phát triển hơn để thu hút khán giả

Mùa giải V-League dù mới qua vài vòng đấu nhưng đã "được mùa" về số lượng khán giả. Có thể nói đó là "sự đột biến" của bóng đá nước nhà trong nhiều năm trở lại đây. Có điều chẳng lẽ một giải vô địch quốc gia muốn được dư luận trong nước quan tâm theo dõi, muốn được khán giả đến sân cổ vũ cho các câu lạc bộ lại nhất thiết phải cần tới một "cú hích", một yếu tố "ngoại lực"? Vì sao giải đấu ấy không cuốn hút cổ động viên bằng chính cái hồn cốt, cái chất, cái bản sắc riêng của giải đấu?

 - Bóng Đá

 Một giải đấu có hấp dẫn hay không phải đến từ chính chất lượng chuyên môn qua các trận đấu. Ảnh: Giang Nguyễn.

Thời điểm nửa sau thập niên 90 thế kỷ trước, bóng đá Việt Nam đã có động lực của SEA Games 18 để kéo khán giả quay trở lại sân xem bóng đá. Mấy năm trước thì phải có tác động từ thành công của lứa U19 để cổ động viên tới sân. Mùa giải năm nay lại cần tới "hiệu ứng U23". Không lẽ bóng đá Việt Nam chỉ tồn tại và hướng phát triển nhờ vào những động lực hay hiệu ứng?

Giải V-League nói riêng cần có những biến chuyển tích cực về chất lượng chuyên môn, về tính cạnh tranh lành mạnh trong mỗi trận đấu. Cũng cần có sự chấn chỉnh về phong cách, thái độ thi đấu của các câu lạc bộ cũng như các cầu thủ. Những vấn nạn của bóng đá cũng cần được giải quyết, xử ý thấu đáo càng nhanh càng tốt. Tất nhiên, giải quyết được các vấn đề này không thể chỉ trong một mùa giải mà phải có thời gian nhất định, được thực hiện tới nơi tới chốn.

Một nền bóng đá đẹp và sạch là điều mà những người yêu bóng đá Việt Nam luôn luôn mong mỏi. Người hâm mộ chỉ muốn xem những trận cầu hay và chân thực. Một giải đấu có thực lực sẽ kéo khán giả đến sân mà không nhất thiết phải từ một hiệu ứng như lúc này.

(Bạn đọc: Huy Điệp)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

TinTheThao.com.vn - TTVN | 19:20 09/04/2018
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục