Hướng tới SEA Games 27: Thách thức vàng

11:37 Thứ bảy 23/02/2013

Myanmar đang tăng tốc để chuẩn bị cho sự kiện thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á trong tháng 12 tới. 44 năm trước, Myanmar đã từng đăng cai SEAP Games, đại hội tiền thân của SEA Games. TTHN xin trích giới thiệu bài viết về nước chủ nhà SEA Games 27 trên Bangkokpost (Thái Lan)...

Năm 1969 là lần thứ hai và cũng là lần cuối Myanmar tổ chức SEAP Games bởi sau đó vào năm 1977, đại hội này được đổi thành SEA Games với việc Brunei, Việt Nam và Indonesia gia nhập Hội đồng thể thao Đông Nam Á. Myanmar đã dẫn đầu bảng huy chương với 57 HCV, trên Thái Lan 32 và Singapore 31.

Hơn bốn thập kỷ sau, Myanmar đang cố gắng để lặp lại thành tích này. SEA Games 27 đã được ấn định tổ chức tại Nay Pyi Taw vào tháng 12 tới và Myanmar đã đặt mục tiêu khoảng 100 HCV, nghĩa là nhiều hơn tới 84 HCV so với thành tích tại SEA Games 26 ở Indonesia hai năm trước. “Nguồn thu” HCV năm 2011 đến từ các cuộc đua thuyền rồng, bắn cung, cầu mây và nhóm môn võ thuật. Myanmar xếp hạng 7 chung cuộc.

Tại SEA Games 27, con số 460 HCV đã được ấn định cho 33 môn thể thao. Myanmar đã có một động tác gây bất ngờ cho những quốc gia khác khi loại nhiều môn thể thao Olympic ra khỏi chương trình thi đấu như quần vợt và thể dục dụng cụ để đưa vào đó những môn thể thao vốn chưa phổ biến. Tướng Jaruek Ar-riratchakarun, Phó Chủ tịch và TTK Ủy ban Olympic Thái Lan cho biết, Thái Lan đã không thành công trong việc thuyết phục Myanmar về việc đưa 2 môn Olympic này vào chương trình SEA Games 27. “Vấn đề này đã được đưa ra nhưng nước chủ nhà đã cho biết không chuẩn bị được về công tác tổ chức 2 môn này. Myanmar đã chọn một số môn không mang tính quốc tế. Điều này sẽ làm mất đi sức quyến rũ của SEA Games”. Ông Jaruek cũng cho biết thêm, Myanmar đã đề nghị Thái Lan gửi 32 HLV tới nước này để hỗ trợ việc huấn luyện các môn bóng chuyền, futsal và boxing.

Ông Myat Thu Ya Soe, một quan chức của Ủy ban Olympic chủ nhà phủ nhận việc chọn các môn chỉ để ủng hộ cho Myanmar bởi không nước chủ nhà nào có thể quyết định đơn phương mà không có sự ủng hộ của các nước khác. “Chúng tôi cũng cần tạo cơ hội cho nhiều quốc gia khác những môn thi mà họ mong muốn, ví dụ như Kempo cho Campuchia và Lào mặc dù chúng tôi còn chẳng có các VĐV cho môn này”. Nhưng ông cũng thừa nhận rằng quyết định loại trừ quần vợt và TDDC gây tranh cãi. “Chúng tôi loại hai môn này vì không có đủ thời gian xây dựng sân quần vợt và không đủ ngân sách cho TDDC”. Nhưng Myanmar không phải là quốc gia đầu tiên phải đối mặt với những lời chỉ trích khi đưa vào chương trình thi đấu những môn có lợi cho nước chủ nhà. Thậm chí năm 2007, chủ nhà Thái Lan cũng phải hứng chịu điều này.

Tuy chưa tiết lộ toàn bộ ngân sách cho SEA Games nhưng ông Myat Thu Ya Soe cho biết, 90% phần xây dựng ngoài trời và 60% việc xây dựng trong nhà đã hoàn thành. “Chúng tôi hy vọng sẽ hoàn thiện tất cả vào tháng 5”. Ông nói thêm, khu LHTTQG mới được xây dựng tại Nay Pyi Taw sẽ có lợi ích lâu dài cho sự phát triển của thể thao Myanmar.

Anh Hoàng | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục