Học người Nhật

21:53 Thứ sáu 27/07/2012

“Sự mầu nhiệm Glasgow” là đề tài nóng bỏng được báo chí Nhật đề cập sau chiến thắng ấn tượng 1-0 của bóng đá nam nước này trước nền bóng đá Tây Ban Nha đương kim vô địch thế giới, vô địch châu Âu ở lượt trận đầu tiên Olympic 2012

Chủ đề này bắt nguồn từ sự liên tưởng chiến thắng của Nhật Bản trước Brazil năm 1996 ở Giải Bóng đá Olympic trên đất Mỹ, nơi báo chí Nhật cũng tự hào gọi tên “Sự mầu nhiệm Miami”. 16 năm, giành chiến thắng lần lượt trước 2 đối thủ lớn ở đấu trường thế vận hội, người Nhật xứng đáng được thế giới bóng đá ngưỡng mộ.
Đừng ngạc nhiên khi báo Sankei Sports chạy dòng tít “Đội Nhật làm chấn động thế giới”. Không hề ngổ ngáo kiêu căng, công chúng bóng đá nước Nhật có đủ cơ sở để tiếp thêm sức mạnh tinh thần qua một thắng lợi đầy ý nghĩa trên thao trường sau những mất mát tang thương vì thảm họa sóng thần năm ngoái bởi lẽ, chiến thắng của họ quá thuyết phục.

Các cầu thủ Nhật Bản cảm ơn CĐV sau chiến thắng trước Tây Ban Nha đêm 26-7. Ảnh: REUTERS

Ngay cả kẻ chiến bại là Tây Ban Nha cũng nhìn thấy điều này. Trang web của CLB Barcelona thừa nhận: “Một đội Nhật đầy khát vọng đã kiểm soát thế trận, đẩy chúng ta vào thế vất vả chống đỡ. May mà chúng ta không thua thêm bàn nào nhờ có một De Gea xuất sắc trong khung thành...”. Đừng quên Barcelona góp cho Olympic Tây Ban Nha 2 thành viên gạo cội là Jorge Alba - nhà vô địch Euro 2012 - cùng Martin Montoya và người Tây Ban Nha hiếm khi ca ngợi đối thủ.

Chiến thắng ở thế trên cơ nhưng bản thân những người làm nên kỳ tích thì dè dặt kiệm lời. “Không, đừng gọi đó là kỳ tích, chẳng qua đó là kết quả của quá trình chuẩn bị kỹ càng và sự lao động chăm chỉ!” - Otsu, người ghi bàn duy nhất quyết định trận thắng cho đội Nhật, nói.

Trong sâu xa, các cầu thủ nam Nhật Bản ngụ ý rằng họ phải chiến đấu cật lực để theo kịp các đồng nghiệp nữ vốn đã lên ngôi quán quân thế giới vào năm 2011 và vừa giành được trận thắng đầu tay trước đối thủ Canada ở Olympic London.

Vậy là, ngoài khát vọng chơi bóng để giành chiến thắng, các cầu thủ Nhật còn khiêm tốn và biết mình biết người. Trong hành trình rèn luyện cống hiến cái đẹp cho sân cỏ, phải chăng đây là nền tảng văn hóa cần thiết đối với các thế hệ cầu thủ đương đại?

Hiện tại, bóng đá Việt Nam chọn Nhật Bản làm một trong những tấm gương để theo học. Nhiều chuyên gia, cán bộ quản lý bóng đá đã tìm đến nước này trong năm nay để thu thập kinh nghiệm, chắt lọc sáng kiến nhằm vực dậy nền bóng đá nước nhà, nhất là Giải V-League.

Câu chuyện về chiếc giày nhỏ - quà tặng của bóng đá Nhật dành cho Việt Nam mấy chục năm trước như một bày tỏ lòng ngưỡng mộ - cũng thường được nhiều người gợi lại như một nhắc nhở rằng người Nhật đã âm thầm, lặng lẽ tiến quá xa, trong khi bóng đá mình thì tụt lại quá lâu trong thế giới bóng đá ngày càng mới mẻ, hiện đại này.

Nhưng học người Nhật những gì trong cách làm bóng đá của họ có lẽ là câu hỏi bức thiết. Từ kinh nghiệm quản lý, điều hành, từ phong thái, phẩm chất cầu thủ, có lẽ điều chúng ta cần học trước hết chính là khát vọng và sự khiêm tốn.
Vâng, khát vọng và tính khiêm tốn, nghe có vẻ chẳng hề to tát nhưng với bóng đá Việt Nam quả là một chặng đường dài để vượt qua bao lề thói, mặc cảm vốn ăn sâu trong nhiều thế hệ.

Brazil thắng vất vả, Anh bị chia điểm

Đội chủ nhà Liên hiệp Anh tự gây khó khi bị Senegal cầm chân 1-1 ở bảng A, nơi ứng viên Uruguay có khởi đầu tốt sau chiến thắng 2-1 trước UAE. Ở bảng C, Brazil dẫn trước Ai Cập 3-0 nhưng thở phào nhẹ nhõm sau khi bị đối thủ ghi 2 bàn trong 14 phút cuối.
Hôm nay, 28-7, môn bóng đá tiếp diễn với lượt trận thứ hai của nữ với trận được truyền hình trực tiếp: Nhật Bản - Thụy Điển (18 giờ, HTV4); New Zealand - Brazil (20 giờ 30 phút, HTV4); Mỹ - Colombia (22 giờ 50 phút, VTV2/HTV9); Anh - Cameroon (23 giờ 15 phút, VTV6/HTV4).

Đình Xê | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục