ĐT Việt Nam & AFF Cup 2014: Vỗ tay ở “ao làng”

15:55 Thứ năm 07/08/2014

Ở lễ bốc thăm, khi lá thăm đưa các đội Indonesia, Philippines vào bảng cùng chủ nhà bảng A Việt Nam thì nhận được rất nhiều cái vỗ tay và tiếng reo mừng về sự may mắn.

Lần đầu Việt Nam tham dự AFF Cup năm 1996 (khi ấy mang tên Tiger Cup), HLV Karl Heinz Weigang nhận xét bảng đấu của Việt Nam (cùng bảng với Indonesia, Myanmar, Lào và Campuchia) rằng: “Thú thật là ở khu vực Đông Nam Á tôi thích gặp đối thủ mạnh như Thái Lan, Malaysia ngay từ vòng bảng hơn là gặp họ ở bán kết, hay chung kết. Còn nếu vì sợ họ ngay từ vòng loại thì thà đừng tham dự giải còn hơn…”.

Nhận xét trên của ông Weigang rõ ràng khác xa so với những tiếng vỗ tay trong buổi lễ bốc thăm.

Còn như HLV Calisto thường hay phát biểu với câu nói: “Ở Đông Nam Á trình độ các đội đều ngang nhau và gặp đối thủ nào cũng được cả. Với tôi không có khái niệm mạnh hay yếu bởi trình độ các đội hàng đầu Đông Nam Á không có nhiều khác biệt”.

Dẫn dắt nhận xét của hai HLV lão làng từng có nhiều thành tích với bóng đá Việt Nam để thấy họ rất hiểu về “ao làng” Đông Nam Á. Với họ, chuyện không vào bán kết là điều không thể chấp nhận được.

Việt Nam may mắn rơi vào bảng đấu dễ thở

Với bóng đá Việt Nam hiện nay, dưới con mắt của những nhà điều hành lại mong mỏi chuyện vào bán kết bởi đấy sẽ là tiền đề cho một đội tuyển thành công và sẽ thoát được búa rìu dư luận.

Cứ nhìn lại cảnh các quan chức Việt Nam mừng chiến thắng của đội tuyển Việt Nam sau trận cầu sống mái thắng Singapore 1-0 và vào bán kết AFF Cup 2010 sẽ hiểu được “giá trị” của chiếc vé vào bán kết to như thế nào. Những thước phim tư liệu còn ghi lại cảnh các quan chức với bộ complet lao cả ra sân nhảy lên người các cầu thủ ăn mừng; hoặc có người ôm cầu thủ dàn dụa nước mắt sẽ cảm nhận được sự mong mỏi vào bán kết đấy lớn như thế nào.

Với vị thế của bóng đá Việt Nam ở khu vực và với tầm vóc của chủ nhà AFF 2014, vào bán kết là mục tiêu bắt buộc, bởi ở Đông Nam Á mà không vào top 4 là quá tệ. Chính vì vậy mà cũng đừng nên lệ thuộc quá nhiều vào lá thăm hay quá cầu kỳ vào chuyện phải tránh đội này, gặp đội kia.

Có thể nhiều người vẫn còn chịu nỗi ám ảnh khi bóng đá Việt Nam làm chủ nhà AFF Cup 2004 và bị loại trên sân nhà sau những trận thua tệ hại. Vì thế mà lần này khi lá thăm kéo Philippines với Indonesia vào cùng bảng thay cho Thái Lan và Malaysia, rất nhiều người vỗ tay, mừng rỡ.

Cái vỗ tay mừng rỡ đấy cho thấy trong tư tưởng nhiều người vẫn còn rất ngại Thái Lan và mới đây là nỗi sợ mỗi khi đụng phải Malaysia được xem là thế lực mới của bóng đá Đông Nam Á. Tuy nhiên cá nhân tôi lại không nghĩ như thế bởi lịch sử cho thấy những giải đấu rơi vào bảng nhẹ lại là những giải mà cầu thủ ta có thái độ chủ quan nhất và hay bị thua sảng nhất. Chẳng hạn ở AFF Cup đầu tiên năm 1996, đối thủ lấy điểm của ta lại là Lào chứ không phải những đội mạnh.

Hy vọng Công Vinh cùng các cầu thủ sẽ có một giải đấu thành công

Hay ở AFF Cup 2004, đội làm bóng đá Việt Nam đau nhất là Indonesia “giã” chúng ta đến 3-0 ngay trong hiệp 1. Đến AFF Cup 2010, đội làm thầy trò ông Calisto sốc nhất lại chính là Philippines dưới tay HLV người Anh chỉ với một bài phòng ngự phản công và ghi đến 2 bàn trắng vào lưới chủ nhà.

Những cái vỗ tay ở “ao làng” cho thấy bóng đá Việt Nam đang đương đầu với nhiều thứ và mong có một vòng bảng dễ dàng để cải tổ một gương mặt nhợt nhạt từng thể hiện qua SEA Games 2011, 2013 và AFF Cup 2012. Lần này, bóng đá Việt Nam có một thầy Nhật Bản tuổi đời rất trẻ và một ban chấp hành mới đang cần khẳng định vào một bản thành tích mới.

Sẽ là quá sớm khi phân tích ngay sau lễ bốc thăm về Indonesia dưới quyền HLV Alfred Riedl đang tập huấn ở châu Âu, hay Philippines đang làm mạnh lên nhờ kế hoạch kêu gọi cầu thủ châu Âu, châu Mỹ có gốc Philippines. Tuy nhiên cũng nên xem lại vị thế của chủ nhà và của bóng đá Việt Nam ở sân chơi mà chúng ta đã một lần leo lên ngôi cao nhất và có tiếng nói nhất định ở khu vực.

Diện mạo mới của đội tuyển sẽ ra sao và sức sống của đội tuyển sau cơn bão tiêu cực mới là điều người hâm mộ quan tâm nhiều hơn là tiếng vỗ tay ở “ao làng” do ta gặp đối thủ “yếu” được xem là dễ chơi.

Nguyễn Nguyên | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục