Đầu tư nuôi dưỡng tài năng

10:42 Chủ nhật 18/11/2012

Đúng một năm trước, khi biết tin Phan Thị Hà Thanh đoạt HCĐ giải vô địch thế giới, ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao đã gọi đấy là một “kỳ tích vô tiền khoáng hậu” bởi Hà Thanh không đủ tố chất để thành công ở môn thể thao đòi hỏi hết sức khắc nghiệt về thể hình và độ tuổi. Đấy là chưa nói, điều kiện tập luyện vô cùng hà khắc mà một VĐV thể dục dụng cụ (TDDC) phải là người có nhiều ý chí mới theo đuổi được. Nói cách khác, để thành công ở đẳng cấp thế giới trong môn thể thao này, VĐV đó phải là dạng “hơn cả một tài năng”.

Như nhiều lĩnh vực khác trong xã hội, trong thể thao có nhiều nội dung mà tài năng không thể đến bất chợt. Nó là kết quả của cả một chu trình dài đằng đẳng từ việc phát hiện năng khiếu, đến tuyển chọn và đào tạo, rồi đầu tư dài hạn đúng tầm vóc mới có thể vươn đến một đẳng cấp thế giới.

Ví dụ như môn TDDC. Dù thể hình nhỏ nhắn của người Việt Nam phù hợp nhưng phải trải qua ít nhất 5-7 năm được tập luyện một cách hà khắc mới mong gạn lọc ra được một VĐV có trình độ. Có nhiều VĐV TDDC phải đi tập huấn nước ngoài đằng đẳng một mình, tập luyện trong môi trường hơn cả trong quân đội mà vẫn chưa thể bảo đảm thành công.

Phan Thị Hà Thanh xuất sắc giành HCV nhảy ngựa tại giải VĐ TDDC châu Á

Hoặc như môn cầu lông, dù khá phổ biến tại Việt Nam nhưng như đã biết, trải qua gần 20 năm phát triển cũng chỉ mới có một Nguyễn Tiến Minh. Đừng nói đến những môn đặc thù về thể lực và tố chất như bơi lội mà chúng ta hiện đang có 2 tài năng là Quý Phước, Ánh Viên; hay như môn quần vợt với các tên tuổi Lý Hoàng Nam, Nguyễn Hoàng Thiên.

Nói cách khác, có năng khiếu là một chuyện còn để trở thành một tài năng ở đẳng cấp thế giới là chuyện hoàn toàn khác. Vì lẽ đó, cũng như bao lĩnh vực mang tính đặc thù khác, các tài năng thể thao cần nhận được sự ứng xử đặc biệt.

Rất tiếc, tại Việt Nam, gần như không có những chương trình huấn luyện tài năng đặc biệt. Nguyên nhân khá đơn giản: suốt một quá trình dài lên đến 2 thập kỷ, ngành thể thao chạy theo thành tích, đầu tư cào bằng và dàn trải, tập trung mô hình “nuôi gà chọi” ở một số môn dễ đào tạo, ít phổ biến hòng tìm kiếm huy chương theo số lượng.

Trong khi đó, các môn thể thao cơ bản bao giờ cũng yêu cầu nhiều thời gian, tiền của nên ít được quan tâm. Ngay cả các quy định phân bổ tiền thưởng hay xét khen thưởng cũng được cào bằng chứ không có sự tập trung đặc biệt nào. Việc phân nhóm ưu tiên đầu tư những môn thể thao mục tiêu cũng chỉ mới được tiến hành có 2 năm trở lại đây mà thôi. Thế nên mới có trường hợp dù đạt kỳ tích như Phan Thị Hà Thanh thì lương vẫn chỉ 3,5 triệu đồng/tháng, thậm chí chưa được đưa vào biên chế ngành thể thao để hướng đến tương lai cho công tác đào tạo VĐV sau này.

Hoặc như việc lâu lâu, chúng ta lại nghe tin có VĐV của các môn đua thuyền, vật, võ đi nước ngoài tập huấn rồi bỏ trốn trong khi những tài năng môn bơi lội, điền kinh, thể dục, bóng bàn… chỉ đến khi chuẩn bị thi đấu giải mới được cho đi tập huấn nước ngoài ngắn hạn. Có những tài năng đẳng cấp châu Á như Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng ở môn điền kinh, cả năm ra nước ngoài thi đấu chưa quá 2 lần dù không thiếu các giải đấu đẳng cấp được tổ chức từng tháng.

Không phải môn thể thao nào cũng trông đợi nguồn ngân sách. Các tài năng như Tiến Minh (cầu lông), Quang Liêm (cờ vua), Hoàng Thiên, Hoàng Nam (quần vợt)... đều tự vận động vừa thi đấu vừa kiếm tiền. Vì thế, ngân sách quốc gia cần tập trung nhiều hơn cho các tài năng, đặc biệt ở những môn chưa được chuyên nghiệp đòi hỏi nhiều chi phí và thời gian, thay vì phân bổ theo kiểu cào bằng hiện nay.

Thể thao TPHCM từng thực hiện chương trình Thế hệ vàng từ năm 2004. Dù có không ít điều tiếng quanh công tác tuyển chọn nhưng trên thực tế, đã không ít tài năng phát triển từ chương trình này. Điều đó cho thấy, thay vì phát triển tài năng theo kiểu “nuôi gà chọi” trong một vài thời điểm, những chương trình như kiểu Thế hệ vàng cần được quan tâm, bởi để có một tài năng thực thụ không phải là chuyện ngày một, ngày hai cứ muốn là được.

Đây cũng chính là mối lo lớn nhất về chuyên môn sau khi Việt Nam giành được quyền đăng cai Asiad 18-2019, bởi trên thực tế cho đến nay, ngành thể thao cả nước chưa hề có một chương trình như TPHCM đã làm và với việc còn 7 năm nữa đến Asiad thì thời gian không có nhiều để có một chương trình như vậy thành công. Mà không có việc ứng xử với tài năng theo cách như vậy, lấy đâu ra những VĐV đẳng cấp thế giới một cách chắc chắn.

Việt Quang | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục