Chương trình siêu marathon: Nối liền một dải Việt Nam - Pole To Pole: Vietnam

15:49 Thứ tư 05/12/2012

“Tháng 1/2012, Pat Farmer của nước Úc đã hoàn thành một trong những chiến công vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Ông đã tới Cực Nam sau một cuộc chạy dài nhất và có thể nói là nguy hiểm nhất từng được thực hiện, một chiến thắng về thể chất và tinh thần, đặt ông đứng cạnh những nhà thám hiểm vĩ đại nhất của thế giới - Sir Edmund Hillary, Robert Falcon Scott và Thor Heyerdahl”, theo sách Pole To Pole - One Man, 20 Million Steps, Allen & Unwin, Australia, 2012.

Hoàn thành chuyến chạy bộ 21.000 km từ Cực Bắc đến Cực Nam của Trái đất trong vòng 10 tháng 13 ngày, cựu nghị sĩ Pat Farmer đã khiến nhiều triệu người trên thế giới ngạc nhiên đến khâm phục. Họ càng sững sờ hơn khi biết rằng cuộc chạy bộ của ông không phải nhằm chinh phục một thành tích thể thao, xác lập kỷ lục, hay để trở thành anh hùng mà nhằm kêu gọi gây quỹ để cung cấp và cải thiện nước sạch cho nhiều nơi nghèo khó khắp thế giới thông qua các Hội Chữ thập đỏ.

Trước đó, vận động viên siêu ma-ra-tông (ultra-marathon) này đã tham dự vô số giải siêu ma-ra-tông cấp quốc gia và quốc tế (thường là vì công tác từ thiện) và đoạt nhiều kỷ lục như: Kỷ lục thế giới về chạy vùng nhiệt đới dài nhất: 6.307 km trong 83 ngày vào năm 1999; Kỷ lục thế giới về chạy 10.000 km trong 129 ngày năm 1999; Kỷ lục thế giới về chạy băng qua sa mạc Simpson trong 129 ngày năm 1996 và 1998…. Ngoài ra, Pat Farmer còn là cá nhân đầu tiên chạy 24 giờ theo chiều thẳng đứng, trèo lên và xuống tháp AMP ở Sydney, Úc (tương đương chạy lên đỉnh Everest) vào năm 1998 và lặp lại vào năm 2006.

Mai Huy & Pat Farmer đang tập luyện

Để kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt – Úc, Pat Farmer thực hiện cuộc chạy bộ qua hơn 30 tỉnh thành của Việt Nam mang tên Nối liền một dải Việt Nam – Pole To Pole: Vietnam, bắt đầu từ ngày 9/12/2012 đến 20/1/2013. Chắc chắn đây cũng là một trong những kỷ lục đặc biệt tại Việt Nam. Chuyến chạy bộ 40 ngày liên tục, trung bình mỗi ngày gần 80 km, từ Móng Cái đến mũi Cà Mau, mang một ý nghĩa chính: Kêu gọi đóng góp cho Hội Chữ thập đỏ để tiếp tục dự án cải thiện điều kiện nước sạch cho dân nghèo Việt Nam. Ngoài ra, sự kiện thắt chặt ngoại giao Việt – Úc theo hình thức có một không hai này cũng là dịp để những nét đẹp văn hóa, du lịch và phong cảnh Việt Nam được quảng bá với thế giới.

Pat Farmer - Chạy để thay đổi thế giới

Tận mắt chứng kiến những cái chết của nhiều trẻ em do thiếu nước sạch ở các nước Ấn Độ, Nepal, Ai Cập, Đông Timor, Peru… đã tạo nên một bước ngoặt trong cuộc đời của Pat Former – từng là thành viên Quốc hội Liên bang; Thư ký Quốc hội cho Bộ trưởng Giáo dục, Khoa học và Đào tạo Úc… Ông đã giã từ sự nghiệp chính trị cùng những đặc quyền đặc lợi để làm một việc mà lòng trắc ẩn của ông thôi thúc: chạy bộ để kêu gọi quyên góp vì nước sạch.

Pat Farmer không muốn chỉ ngồi trong các buổi họp báo và nói suông về việc thay đổi cuộc sống con người. Ông muốn làm nhiều việc hơn là chỉ đứng trên một cái bục và hô hào những người giàu có của thế giới cố hết sức hỗ trợ những người nghèo. Ông muốn làm một điều gì đó thực tế để giúp đỡ, nói một cách cụ thể là dấy lên ý thức về sự nghèo khổ đang tồn tại trong thế giới này và quyên tiền để xây những giếng nước sạch, lắp đặt các hệ thống vệ sinh thích hợp cho một số cộng đồng nghèo nhất của thế giới.

Với Pat Farmer, nếu có người sử dụng bộ não hay tài năng sáng tạo của mình để giúp người khác thì ông sử dụng tài năng chạy đường trường. Bằng cách chạy từ cực này tới cực kia, vị nghị sĩ 50 tuổi này hướng tới việc làm nổi rõ vấn đề và giúp ngăn chặn những cái chết không cần thiết của hàng triệu người mỗi năm do thiếu nước sạch. Việc này cũng giúp giảm thiểu số tử vong do bệnh tiêu chảy và nâng cao sức khỏe của các bà mẹ, trẻ sơ sinh và cộng đồng nói chung, cũng như cuộc sống của những thôn dân vốn thường xuyên đi suốt nhiều giờ mỗi ngày để tìm tới nguồn nước sạch.

Tuy nhiên, biến mơ ước thành hiện thực là một quá trình đầy gian khó mà Pat Farmer dù có lường trước cũng không ngờ hết được. Ông phải mất hai năm thương lượng để ký kết thỏa thuận với Hội Chữ thập đỏ Úc vì họ cần chắc chắn rằng ông có thể thực hiện điều mà ông bảo sẽ làm và sẽ không làm lu mờ thanh danh của họ bởi sự thất bại.

Bên cạnh đó, các thành tích chạy bộ và danh tiếng đã không giúp được gì trong cuộc vận động tài chính cho dự án chạy lớn nhất hành tinh này đã khiến Pat Farmer thất vọng đến đau buồn. Các công ty lớn từ chối tài trợ một cách không thương tiếc. Ông bố đơn thân của 2 đứa trẻ đang học phổ thông đã liều lĩnh bán ngôi nhà và chiếc xe hơi của mình để khởi động nguồn tài chính ban đầu, dẫu rằng ông khá lo lắng về nguy cơ khánh kiệt, thậm chí bỏ mạng trước khi hoàn thành chuyến chạy bộ mà theo rất nhiều người đó là cuộc tự sát.

Điều kiện kinh tế eo hẹp đã khiến ông phải đối mặt với đủ thứ thiếu thốn cho cuộc hành trình vĩ đại nhất thế giới, từ nhân lực đến xe cộ, thuốc men, thực phẩm… Đó là chưa kể trong suốt thời gian đến Bắc Cực, rất nhiều lần Pat Farmer đối mặt với cái chết vì ông đã phải chạy trong bão, qua những vùng băng tuyết và đương đầu với gấu Bắc Cực. Còn trên đường đến Cực Nam, ông đối mặt với bọn cướp có vũ trang, bọn buôn ma túy rải khắp Mexico, El Salvado… Với một tinh thần mạnh mẽ phi thường và một sức chịu đựng đáng khâm phục, Pat Farmer đã hoàn tất cuộc chạy bộ dài nhất thế giới và đã quyên được một khoản tiền lớn đóng góp cho Hội Chữ thập đỏ Úc. Để từ đó, đã có rất nhiều dự án nước sạch được khởi động và hoàn thành trên khắp thế giới.

Ai cũng chỉ có một cuộc đời để sống

Sự dũng cảm và tính hi sinh của Part Farmer đã khiến một du học sinh Việt Nam tại Úc - Mai Nguyễn Đình Huy - ngưỡng mộ đến mức bỏ công việc anh vừa tìm được và thuyết phục Pat Farmer thực hiện một cuộc chạy bộ xuyên Việt Nam. Mai Huy quan niệm: “Ai cũng chỉ có duy nhất một cuộc đời để sống, vậy tại sao không làm những điều mình thích để đến khi nhắm mắt, mình không nói ‘ước gì’ hay ‘nếu như’…”.

Hy vọng Nối liền một dải Việt Nam – Pole To Pole: Vietnam sẽ là một trải nghiệm thú vị không chỉ cho Pat Farmer và Mai Huy, mà còn là nguồn cảm hứng cho nhiều người về cách sống. Từ đó, họ có thể thay đổi thế giới của mình, giúp họ dám dấn thân cho những đam mê, những lý tưởng; và hơn hết, qua hành trình này, nhiều người sẽ mở lòng hơn, sẽ đóng góp cho Hội Chữ thập đỏ để nhiều trẻ em nghèo trên khắp thế giới được cứu vớt.

Bất kỳ ai muốn chạy đồng hành cùng Pat Farmer, dù chỉ 10 mét, 100 mét hay 1 km, đều có thể gởi thông tin đăng ký về email: poletopolevietnam@gmail.com. Mỗi bước chân của bạn sẽ làm cho ước mơ nước sạch của dân nghèo đến gần hiện thực hơn.

Tri ân

Để chương trình Nối liền một dải Việt Nam – Pole To Pole: Vietnam được khởi động đúng như dự kiến, chúng tôi xin cảm ơn tất cả các cơ quan chức năng của Việt Nam và Úc đã tạo điều kiện thuận lợi nhất.

Chúng tôi xin tri ân sự ủng hộ trực tiếp của: Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Australia; Cục Hợp tác Quốc tế và Tổng cục Thể dục Thể thao - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam; Đại sứ Việt Nam tại Australia và Đại sứ Australia tại Việt Nam.

P.V | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục