Chờ tín hiệu mới

13:47 Thứ sáu 07/11/2014

Một trong những sự kiện quan trọng tới đây là việc Liên đoàn Điền kinh Việt Nam tiến hành đại hội nhiệm kỳ mới (ngày 8-11). Qua hơn 50 năm hình thành và phát triển, trải qua tới 5 nhiệm kỳ điều hành thì ở nhiệm kỳ thứ 6 này (2014-2019), tất cả đều đang chờ đợi có thêm những cái mới cả trong nhân sự lẫn sự phát triển.

Người và việc

Tìm những gương mặt mới trong nhân sự là điều luôn diễn ra ở các đại hội liên đoàn của các môn thể thao nói chung. Nhưng, điều quan trọng không chỉ nằm ở chỗ tìm được nhân sự mới là phải là người làm tốt công việc mình quản lý để giúp đạt hiệu quả trên hết. Điền kinh của nhiệm kỳ 5 đã bầu chọn ra 1 chủ tịch (nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương - ông Lê Dương Quang) và 6 phó chủ tịch. Ông Lê Dương Quang đã nghỉ hưu theo chế độ từ tháng 6 vừa qua tại Bộ Công Thương.

Quách Thị Lan trong lần dự Asian Games 2014 vừa qua. Ảnh: Quang Thắng

Hẳn nhiên, trong 5 hoạt động của nhiệm kỳ cũ, nhìn vào thực tế thì tần suất xuất hiện của Chủ tịch Liên đoàn Điền kinh trong các hoạt động quan trọng ở môn thể thao này gần như là không có. Nếu biết, tại các cuộc thi đấu mang tính chất đại hội như SEA Games, Asian Games và Olympic thì nếu có VĐV Việt Nam thi đấu ở đó thì luôn được người hâm mộ theo dõi rất sát sao. Chỉ đơn cử việc Liên đoàn Điền kinh có những cuộc trao thưởng dành cho VĐV đạt thành tích xuất sắc tại các kỳ đại hội thể thao thì chủ tịch cũng không khi nào tham dự.

Rồi trong dịp kỷ niệm 50 năm thành lập liên đoàn… gần như bóng dáng của những nhà quản lý trong ban chủ tịch là không có. Do vậy, trên hết, mọi người đều mong muốn tìm được người để lèo lái con thuyền điền kinh Việt Nam phải thực tâm và thực tài.

Một trong những nguyên do mà điền kinh Việt Nam luôn kêu khó nhiều năm trở lại đây chính là kinh phí. Còn nhớ, trong kỳ đại hội nhiệm kỳ 5, rất nhiều số liệu về khoản thu chi của Liên đoàn Điền kinh nhiệm kỳ trước đó được đưa ra và trong số ấy, đã có những khoản… gây tranh cãi. Hiện tại, điền kinh nằm trong nhóm trọng điểm của ngành thể thao nên được đầu tư số tiền hơn nhiều so với các đội tuyển khác. Tất cả vẫn hy vọng ban tài chính, ban tuyên truyền vận động tài trợ của liên đoàn phải làm việc tốt hơn. Trên thực tế, sự vận động tài trợ của liên đoàn gần như… nằm im nhiều năm qua.

Đã làm được những gì?

Một trong những cốt lõi vấn đề của điền kinh Việt Nam trong cấp độ quản lý chính là bộ môn (Tổng cục TDTT) và Liên đoàn Điền kinh Việt Nam khó tạo được gắn kết chung. Chỉ nói riêng tại nhiệm kỳ 5, điền kinh Việt Nam đã không ít lần xảy ra những “sự cố” rồi sau đó nội bộ được giải quyết êm thấm.

Thẳng thắn mà nói, nếu bộ môn và liên đoàn chung một tiếng nói tạo được sự nhất quán thì chắc chắn các tổ điền kinh của ĐTQG và các giải phong trào trên khắp cả nước sẽ hiệu quả hơn. Chỉ đơn cử những khúc mắc ở nội tại vấn đề dễ thấy nhất thời điểm này là chuyện tập huấn nước ngoài dành cho VĐV thì ngay trong sự quản lý của lãnh đạo điền kinh mỗi tiếng nói mỗi quan điểm khác nhau nên các thông tin diễn ra trái chiều ngay trên mặt báo.

Nhìn lại về mặt thành tích, ít nhiều quãng thời gian nhiệm kỳ 5 cũng để lại dấu ấn đối với thi đấu thành tích cao. Đó là việc điền kinh lần đầu giành những chiếc HCB, HCĐ quý giá tại Asian Games 2010 (Trương Thanh Hằng, Vũ Thị Hương, Vũ Văn Huyện) và HCB tại Asian Games 2014 (Quách Thị Lan, Bùi Thị Thu Thảo), có VĐV đạt chuẩn dự Olympic (Nguyễn Thị Thanh Phúc, Dương Thị Việt Anh năm 2012)… VĐV như Vũ Thị Hương liên tiếp 2 lần đứng đầu danh sách các VĐV tiêu biểu toàn quốc năm 2009, 2010.

Không chỉ ở thành tích huy chương, trong một số năm trở lại đây, điền kinh tìm ra thêm gương mặt triển vọng đầu tư để tranh chấp thi đấu quốc tế như Nguyễn Thị Oanh, Quách Thị Lan để lần đầu tiên đội tuyển đi Mỹ tập huấn dài hạn. Tất nhiên, hạn chế và mặt chưa được của 1 nhiệm kỳ đã qua còn nhiều và chắc chắn người làm quản lý khó thể bỏ qua ở các báo cáo.

Minh Chiến | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục