Bóng đá Việt Nam & liệu pháp AQ?

16:24 Thứ bảy 10/11/2012

Chiến thắng mong manh trước Malaysia trong trận giao hữu tối 3/11 vừa qua trên sân Mỹ Đình nói lên điều gì trước thềm AFF Cup? Chúng ta đang có quá nhiều ngộ nhận về bản thân và về các đối thủ. “Trong khi chúng ta mải bơm bong bóng, một số nền bóng đá xung quanh đã chú trọng phát triển thực chất, tạo sự phát triển đích thực”- nhà báo Hồng Ngọc nhận định với Cà phê bóng đá tuần này.

Cà phê bóng đá: Chào Hồng Ngọc! Mỗi lần AFF Cup hay SEA Games chuẩn bị diễn ra là người hâm mộ bóng đá Việt Nam lại háo hức chờ đón những chiến thắng mới, mà cao nhất là danh hiệu vô địch khu vực…

Hồng Ngọc: Đúng vậy! Chứ không phải ở đấu trường châu Á, vòng loại Olympic hay World Cup. Nó nói lên rằng người hâm mộ bóng đá Việt Nam thật hiếu thắng! Chúng ta tìm niềm vui với những trận thắng các đối thủ dưới tầm như Lào, Philippines, mà thực ra Philippines giờ cũng khó coi là dưới tầm, hơn là xem đội tuyển đọ sức với Nhật Bản hay Iran chỉ vì trong những cuộc đối đầu với các đội lớn, Việt Nam thường cầm chắc thất bại!

Chúng ta cũng nên thông cảm đôi chút chứ. Đông Nam Á là vùng trũng của bóng đá thế giới, rất khó để tranh đấu ở ngoài khu vực…

Chúng ta kém thì có hai con đường để lựa chọn: Con đường thứ nhất là chơi với kẻ kém hơn để được hưởng niềm vui chiến thắng. Đó là một liệu pháp AQ. Nó khiến chúng ta tự ru ngủ mình, và quan trọng không kém là không học hỏi được gì nhiều. Con đường thứ hai là phải học hỏi để tiến bộ, cho mình thoát khỏi sự yếu kém. Để học hỏi và tiến bộ thì người ta phải tìm hiểu, giao lưu, và đọ sức với người giỏi hơn mình. Trên phương diện đó thì một trận đấu với Nhật Bản có giá trị gấp chục lần những trận đấu với Lào! Nhưng chúng ta háo hức khi đá với Lào hơn chỉ vì dễ thắng.

Đó là chưa kể yếu tố tự kỷ ám thị sẽ duy trì mặc cảm tự ti. Thế hệ Hồng Sơn, Huỳnh Đức…, mỗi lần đá với các đội bóng Trung Đông đều thua cỡ bốn bàn trở lên, và không thể thoát ra khỏi mặc cảm mỗi khi đối diện các đội bóng ở khu vực này. Nhưng thế hệ sau đó đã thoát khỏi cảm giác chưa đá đã thua, bắt đầu từ Asian Cup 2007. Thể thao là khám phá giới hạn của chính mình, chứ không phải tự đặt ra giới hạn cho mình.

Về vùng trũng Đông Nam Á này, dù sao chúng ta vẫn có nhiều niềm vui, rằng mình chỉ sau Thái Lan…

Đó là sự ngộ nhận lớn! Từ SEA Games 1995 đến trước AFF Cup 2008, chúng ta bị ám ảnh bởi thất bại triền miên trước Thái Lan nên chỉ biết đến sự tồn tại của họ. Chúng ta luôn bị Indonesia dồn ép mỗi khi đối đầu, rồi bất ngờ chộp giật được một bàn thắng, thế là phấn khích nói mình là đối thủ kỵ giơ của họ, dù thực tế họ thắng chúng ta nhiều hơn!

Thái Lan (phải) đá giao hữu với Australia để chuẩn bị cho AFF Cup. Một số đội Đông Nam Á đặt tầm nhìn không chỉ ở các giải khu vực

Hãy lấy cột mốc năm 1995 đến nay, chỉ tính các danh hiệu vô địch cũng sẽ biết ngay rằng suy nghĩ trên là ngộ nhận. Thái Lan thì không xét nữa. Singapore có tới ba danh hiệu AFF Cup. Malaysia cũng có một chức vô địch AFF Cup và hai huy chương vàng SEA Games, trong khi chúng ta chỉ có duy nhất một danh hiệu AFF Cup đầy sự may mắn. Indonesia tuy không có danh hiệu, nhưng số lần lọt vào chung kết AFF Cup của họ nhiều gấp đôi chúng ta (bốn so với hai).

Nhưng thứ bóng đá của Singapore hay Malaysia giống như kiểu “lấy thịt đè người” và Singapore quá lạm dụng chính sách nhập tịch để trở thành một đội bóng Liên Hiệp Quốc…

(Cười lớn) Malaysia thì cũng là người Đông Nam Á như chúng ta mà! Còn nếu bạn thắc mắc cầu thủ của họ giàu sức mạnh hơn, bạn nên chuyển thắc mắc ấy cho các huấn luyện viên của chúng ta. Cá nhân tôi thấy rằng cả Singapore và Malaysia chơi thứ bóng đá khoa học hơn chúng ta: tổ chức phòng ngự kín hơn, kiểm soát bóng chắc chắn hơn, tấn công bài bản và chính xác hơn. Cầu thủ của chúng ta thường khéo léo hơn họ, nhưng nếu chỉ nhìn vào đó mà phán là họ “có biết đá bóng đâu” thì hiểu biết của chúng ta về bóng đá còn kém, chứ không phải họ đá bóng kém chúng ta!

Tôi cũng muốn nói thêm về trường hợp Singapore. Năm 1998, họ vô địch ngay trước mũi chúng ta mà không có cầu thủ nhập tịch. Sau này, Singapore tăng cường nhập tịch, nhưng không phải vì bệnh ham thành tích như chúng ta. Chiến lược chung của Singapore là thu hút nhân tài trên khắp thế giới ở mọi lĩnh vực để trở thành quốc gia tiên phong, dù họ mới lập quốc chỉ tính bằng thập kỷ. Chúng ta cũng nhập tịch cầu thủ tràn lan nhưng thậm chí không đủ dũng cảm để cho những người mới khoác áo đội tuyển như họ. Thêm nữa, bản thân đất nước Singapore cũng là một môi trường đa văn hóa, đa sắc tộc, nên việc họ nhập tịch cho cầu thủ nước ngoài là điều tự nhiên hơn hẳn so với một quốc gia tương đối “thuần chủng” như Việt Nam.

Vậy là trong mắt bạn, Việt Nam chỉ là nền bóng đá mạnh thứ năm ở khu vực?

Bây giờ là như thế, nhưng chúng ta có triển vọng còn tiếp tục tụt lùi, như đã tụt lùi so với vị thế của 15 năm trước. Lúc đó chúng ta chỉ kém Thái Lan, ngang ngửa Indonesia. Giờ thì không chỉ họ mà cả Singapore, Malaysia đều vượt qua chúng ta. Dấu hiệu của việc tiếp tục tụt lùi là chúng ta mới thua hoặc thắng chật vật những Philippines hay Đông Timor, điều không thể tưởng tượng được cách đây 15 năm.

Thật không thể hiểu được! Tại sao lại như vậy, trong khi chúng ta có V-League là giải đấu chuyên nghiệp số một Đông Nam Á?

Lại là một sự ngộ nhận nữa! V-League có thể là giải đấu đắt giá nhất Đông Nam Á, nhưng nếu từ đó mà suy ra nó là giải đấu số một, thì cũng như chúng ta kết luận rằng Việt Nam phát triển hơn hẳn Thái Lan hay Malaysia, Indonesia chỉ vì bất động sản ở Hà Nội đắt hơn hẳn Bangkok, Kuala Lumpur hay Jakarta!

Singapore có thành tích tốt hơn hẳn Việt Nam trong các giải đấu khu vực

Một nền kinh tế không tăng trưởng về năng lực sản xuất hay dịch vụ để tạo ra nhiều sản phẩm hơn, chất lượng hơn thì sự tăng trưởng về giá trị của tài sản chỉ là sản phẩm của bong bóng, do nền kinh tế méo mó và chú trọng đầu cơ. Một nền bóng đá mà không tăng trưởng trong việc xây nền từ lớp trẻ, đào tạo cầu thủ và hoàn thiện tổ chức của đội bóng lẫn tổ chức điều hành, thì sự tăng trưởng giá trị cũng chỉ có ý nghĩa bong bóng tương tự.

Trong khi chúng ta mải bơm bong bóng, một số nền bóng đá xung quanh đã chú trọng phát triển thực chất, tuy còn đơn giản nhưng vẫn tạo phát triển đích thực. Và trong khi chúng ta tự giới hạn mình ở vùng trũng Đông Nam Á để tự ru ngủ với những chiến thắng, các nước xung quanh hiểu hơn về tư duy mang tính toàn cầu đã đón nhận những xu hướng phát triển khác nhau để vượt qua chúng ta!

Cà phê bóng đá | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục