Bóng đá cộng đồng- chìa khóa cánh cửa World Cup của Việt Nam

10:20 Thứ năm 30/04/2015

(TinTheThao.com.vn) - Năm 2001, huấn luyện viên người Brazil Edson Silva Dido chỉ ít ngày sau khi bắt đầu công việc đã thắp lên ngọn lửa World cup tại Việt Nam qua thông điệp “Tôi mơ sẽ cùng đội tuyển Việt Nam tham dự vòng chung kết World Cup”.

Giấc mơ đó không chỉ của riêng mình ông Dido mà còn là của hàng triệu người hâm mộ trong và ngoài nước. Tuy nhiên với đa số người Việt Nam coi đây cũng chỉ là giấc mơ viển vông không thực tế. Nhìn lại sau hơn 20 năm bóng đá Việt Nam hội nhập quốc tế, thành tích của đội tuyển Việt Nam không có gì nổi bật.

Tham gia các câu lạc bộ bóng đá cộng đồng là hoạt động rất phổ biến cho trẻ em ở Mỹ. Ảnh: Internet.

Mới đây thôi tại vòng Chung kết U19 châu Á 2014 ở Myanmar- giải đấu chúng ta đặt nhiều kỳ vọng vào thế hệ U19 tài năng nhưng thực tế cho thấy khoảng cách giữa bóng đá Việt Nam với các đội bóng hàng đầu châu Á vẫn còn xa vời. Nếu chúng ta tiếp tục làm việc như những gì đã làm thì vị trí của Việt Nam vẫn luẩn quẩn quanh khu vực Đông Nam Á như 20 năm vừa qua. Vậy đâu là chìa khóa cho bóng đá Việt Nam tự tin bước gia đấu trường quốc tế?

Không khó để trả lời câu hỏi này, rất nhiều chuyên gia đã chỉ ra vô vàn nguyên nhân như tài chính, sân bãi, đào tạo trẻ… và hay thường được nhắc một cách ngắn gọn là bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc.

Vậy nền móng là ở đâu, chính xác chỗ nào và bắt đầu từ khi nào thì không ai định lượng được. Thực tế nền móng cho bóng đá đã được nêu ra trong phần mở đầu của “Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, thông qua việc phát triển bóng đá theo hướng toàn diện và bền vững; chú trọng tới bóng đá phong trào.

Tuy nhiên thực tế hiện nay bóng đá phong trào, bóng đá cộng đồng phát triển tự phát, thiếu quy hoạch, không có sự hỗ trợ dẫn đến chưa có nhiều kết quả. Hơn nữa phần lớn các giải bóng đá phong trào, câu lạc bộ bóng đá phong trào là dành cho người lớn, ít chú ý đến đối tượng trẻ em trong khi đây mới là đối tượng đóng góp quyết định cho tương lai bóng đá Việt Nam.

Nếu như không kể các nước đã phát triển bóng đá, nhìn sang các nước đang phát triển bóng đá có đạt thành tích nhất định, ví dụ như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc chúng ta có thể thấy sự phát triển bóng đá phong trào cho trẻ em đạt đến đỉnh cao của sự hoàn hảo.

Mỗi khu vực dân cư cấp quận đều có ít nhất một đội bóng nghiệp dư, tại đây tất cả trẻ em từ 4 đến 18 tuổi có thể đăng ký tham gia đá bóng không phân biệt trình độ. Các em được chia thành nhiều nhóm phù hợp lứa tuổi và trình độ, thi đấu thường xuyên ít nhất một tuần một trận.

Bên cạnh việc thi đấu thường xuyên, các em còn có cơ hội tham gia các giải đấu giao hữu giữa các vùng dân cư khác nhau. Việc xây dựng dàn trải các đội bóng khắp các cộng đồng dân cư giúp cho tất cả các em được có cơ hội chơi bóng thường xuyên, khoa học và có tổ chức.

Không có một cầu thủ đẳng cấp nào có thể phát triển nếu không được chơi bóng liên tục. Các câu lạc bộ cộng đồng là nơi tốt nhất cho trẻ em thường xuyên được tiếp xúc với trái bóng. Các câu lạc bộ chuyên nghiệp ở Việt Nam đào tạo rất nhiều cầu thủ trẻ và cũng loại rất nhiều cầu thủ khi họ đánh giá là không đạt yêu cầu. Nhưng không ai dám chắc những cầu thủ không đạt yêu cầu đó có thực sự không còn tiềm năng.

Cách đây không lâu, trước khi được tuyển chọn vào Hoàng Anh Gia Lai, Công Phượng đã bị loại ở Sông Lam Nghệ An. Ngược lại thời gian, trước khi trở thành tiền đạo lừng danh cấp câu lạc bộ lẫn đội tuyển thì Việt Thắng cũng đã từng bị từ chối ở đội trẻ Long An. Rõ ràng khâu đào tạo tuyển chọn các cầu thủ trẻ ở Việt Nam có lỗ hổng rất lớn khi bỏ sót khá nhiều tài năng bóng đá. Ngoài Công Phượng hiện nay còn bao nhiêu em như Công Phượng, có khả năng, nhưng không được phát hiện? có lẽ chúng ta không biết hết được.

Ở các nước có truyền thống bóng đá Nam Mỹ hay một số nước châu Phi, bóng đá đường phố là nơi sản sinh ra nhiều tài năng bóng đá. Ở Việt Nam trước kia, đường phố, vỉa hè, vườn hoa, công viên cũng là nơi cung cấp nhiều tài năng bóng đá. Tuy nhiên cùng với sự phát triển kinh tế và đô thị hóa thì đường phố không thể là nơi trẻ em tiếp tục chơi bóng được nữa.

Điều đó dẫn đến nhiều trẻ em 12-16 tuổi vẫn chưa từng một lần chạm vào quả bóng; nếu không được chơi bóng thì không ai có khẳng định các em giỏi hay không giỏi đá bóng. Mặt khác nếu như ở lứa tuổi đó mới bắt đầu đá bóng thì khả năng để trở thành cầu thủ giỏi rất hạn chế. Chúng ta dễ dàng thấy rằng nhiều thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM hiện nay không còn là nguồn cung cầu thủ có chất lượng vì trẻ em ở đó đâu còn chỗ chơi đá bóng.

Lời giải cho bài toán tuyển chọn-phát hiện tài năng bóng đá vẫn là ở các câu lạc bộ bóng đá cộng đồng như các nước đang phát triển. Chỉ với câu lạc bộ bóng đá cộng đồng mới giúp các em được chơi môn thể thao yêu thích. Cũng chỉ có các câu lạc bộ bóng đá cộng đồng có thể phát triển rộng vào sâu đến từng phường từng xã và đảm bảo tất cả các em dù có năng khiếu hay không có năng khiếu đều có cơ hội thể hiện bản thân.

Trước khi trở thành cầu thủ chuyên nghiệp thì họ cũng chỉ là những cậu bé chưa biết đá bóng. Trước khi thành danh ở đội tuyển quốc gia thì họ cũng chỉ là những cầu thủ bình thường. Các câu lạc bộ bóng đá cộng đồng không phải là nơi đào tạo cầu thủ chuyên nghiệp, nhưng là môi trường để các cầu thủ tiến bước vào bóng đá chuyên nghiệp.

Một trận đấu giao hữu giữa hai câu lạc bộ bóng đá cộng đồng Dreamfootball và Phương Đông Soccer Kids ở Hà Nội.

Ở Hà Nội hiện nay có rất nhiều các câu lạc bộ bóng đá cộng đồng cho trẻ em, ví dụ như Dreamfootball, H.Y.S, H.S 8, Phương Đông Soccer kids, VietGoal… Đây là hướng đi đúng với nhiều dấu hiệu rất tích cực nhưng cũng chỉ là nỗ lực của một số ít cựu cầu thủ như Đức Thắng, Minh Đức, Thạch Bảo Khanh, Lưu Danh Minh.

Cũng chỉ vì là nỗ lực cá nhân nên các câu lạc bộ không có nhiều sự liên kết, ví dụ để thường xuyên thi đấu cọ xát. Vì nguồn lực hạn chế nên các câu lạc bộ không thể mở lớp để có thể đáp ứng đủ các lứa tuổi từ nhỏ đến lớn. Thường các em được tập luyện “chay”, sau mỗi buổi tập có thể chia đội thi đấu đối kháng với nhau.

Các câu lạc bộ cũng không có điều kiện tham gia các giải đấu vì thực tế cũng không có nhiều giải đấu cho đối tượng này. Đối với trẻ em, thường xuyên tham gia các giải đấu không phải để lấy huy chương, lấy thành tích mà chính ở các giải đấu là trường học, là nơi các em tập luyện hữu ích nhất không chỉ về kỹ thuật mà cả tâm lý, tư duy khi thi đấu.

Do đó chúng ta cần phát triển số lượng nhiều hơn nữa, độ dàn trải rộng hơn nữa không chỉ giới hạn một khu vực địa lý. Ngoài ra tổ chức nhiều giải đấu cho các em mang tính chất phong trào, tạo điều kiện, cơ hội cho các em được vui chơi-đá bóng.

Nếu như tất cả các địa phương đều có những câu lạc bộ trong cộng đồng tương tự thì cơ hội trước hết giúp cho trẻ em rèn luyện thể chất, bên cạnh đó là cơ hội cho các em phát triển năng khiếu đá bóng. Các câu lạc bộ bóng đá cộng đồng là nơi “tìm kiếm-vơ vét” và “sàng lọc-mài giũa” các tài năng thô sơ của bóng đá. Đó cũng là nơi giúp các câu lạc bộ chuyên nghiệp không cần phải lặn lội xa xôi tổ chức những buổi tuyển dụng cầu kỳ hoành tráng cũng có thể chọn ra được những cầu thủ tương lai.

Trở lại với bài toán xây nhà từ nóc, chính bóng đá cộng đồng là nền móng cơ bản để phát triển bóng đá đỉnh cao. Đó là bệ phóng, là điểm tựa giúp chúng ta phát triển bóng đá đúng hướng, toàn diện và bền vững. Bóng đá cộng đồng cho trẻ em không phải là chiếc đũa thần nhưng là chìa khóa giúp chúng ta có cơ may vươn tới những giấc mơ World cup

(Bạn đọc: Trần Khánh Hưng)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục