Bơi lội Việt Nam với SEA Games 28: Trên những dòng nước ngược

16:13 Chủ nhật 24/05/2015

Cách đây hai năm, đội tuyển (ĐT) bơi lội Việt Nam từng tạo nên kỳ tích, khi đoạt tới năm HCV (bằng tổng thành tích của chín kỳ Đại hội thể thao khu vực trước cộng lại). Tại SEA Games 28, các "kình ngư" Việt, với Ánh Viên dẫn đầu, lại đang quyết tâm chinh phục những đỉnh cao mới. Nhưng, trước mắt họ là một bối cảnh không hề dễ dàng.

Thực lực có thừa

Xét tương quan lực lượng tại SEA Games 28, tuyển thủ quê Cần Thơ đã đạt tới những thông số bỏ xa nhiều đối thủ ở các nội dung sở trường. Trong đó, riêng ở ba cự ly sở trường mà Ánh Viên (ảnh lớn) đang là đương kim vô địch (ĐKVĐ) gồm 200 m ngửa, 200 m hỗn hợp và 400 m hỗn hợp, chị đang hơn thành tích HCB lần lượt là 3, 5 và 20 giây. Đây là những khoảng cách khá lớn, gần như không thể có đột biến ở mặt bằng chung môn bơi khu vực Đông -Nam Á thời điểm hiện tại. Khả năng bảo vệ thành công ba tấm HCV ở ba đường bơi kể trên của Ánh Viên gần như là chắc chắn.

Với ba cự ly khác là 200 m bướm, 400 m tự do và 800 m tự do, tuy chưa đạt tới mức "vô đối", song Ánh Viên cũng đã vượt lên khỏi các mốc thành tích HCV của SEA Games 27. Đơn cử, ở nội dung 200 m bướm, tài năng 18 tuổi này đạt 2 phút 12 giây 46, vượt tới 1,37 giây so với HCV của ĐKVĐ người Thái-lan (Thailand) Pa-ta-ra-oa-đi (Patarawadee).

Đồng thời, Ánh Viên còn là ứng viên vô địch sáng giá ở các cự ly 50 m ngửa, 100 m ngửa, 100 m tự do, với các thông số ngang ngửa với hai "đại kình địch" là Tao Li của Xin-ga-po (Singapore) hay Nát-tha-nan (Natthanan) của Thái-lan. Trên lý thuyết, Ánh Viên đủ khả năng "ẵm" sáu tấm HCV, và khả năng vượt qua chỉ tiêu ấy cũng là khá cao.

Ngoài ra, ĐT bơi lội Việt Nam còn có thể trông đợi vào khả năng đột phá của hai kình ngư nam Hoàng Quý Phước (ảnh nhỏ) và Lâm Quang Nhật, những người có thể mang về từ 2 đến 3 HCV nữa. Phước đang là ĐKVĐ nội dung 200 m ngửa nam, mà anh đã có bước tiến mới đáng kể qua thời gian tập huấn tại Nhật Bản. Nhật đang giữ HCV cự ly 5.000 m, cũng đã và đang tập trung rèn giũa cao độ suốt hai năm qua.

Chỉ tiêu đoạt từ 7 đến 8 HCV của bơi Việt Nam, do đó, là tương đối khả thi.

Nhưng "thời thế" đã đổi thay

Có điều, ngay trước thềm SEA Games, Ban tổ chức (BTC) môn bơi đã thông báo về những thay đổi kỳ lạ trong điều lệ và phương thức tổ chức thi đấu, rất khác biệt so với các thông lệ quốc tế. Vô tình hay hữu ý, những thay đổi này cũng đều có thể sẽ tác động mạnh mẽ tới thành tích của ĐT bơi lội Việt Nam.

Cụ thể, BTC sẽ không cho các "kình ngư" Việt Nam tập luyện, làm quen với bể bơi tranh tài chính thức trước hai ngày như bình thường. Thay vào đó, họ sẽ bố trí một địa điểm khác, mà đến giờ vẫn bỏ ngỏ. Chắc chắn, cảm giác thi đấu của các VĐV Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng không ít vì điều này.

Nếu các giải bơi lội quốc tế đều áp dụng phương thức tổ chức tối ưu: Cứ sau hai nội dung kết thúc tranh tài sẽ tiến hành trao giải (nhằm giúp các VĐV có thêm thời gian hồi phục), nước chủ nhà Xinga-po lại làm khác hẳn. Họ sẽ cho thi đấu liền một mạch cả buổi đấu rồi mới trao giải. Có nghĩa là một số ngôi sao, nhất là lại dạng "con độc" như Ánh Viên, sẽ phải liên tục gồng mình căng sức thi đấu. Quy định trái khoáy không giống ở đâu đó sẽ "đánh" trực tiếp vào thể lực của Ánh Viên. Từ đó, Xin-ga-po sẽ được hưởng lợi. Bởi, tuy không có một "siêu sao" như Ánh Viên nhưng họ lại có một lực lượng rất "dày" và đồng đều.

Trước tình thế mới phát sinh, lãnh đạo ngành thể thao cùng bộ môn bơi đã lập tức có ý kiến phản hồi mạnh mẽ tới BTC, đề nghị điều chỉnh lại cho đúng thông lệ quốc tế. Đoàn thể thao Việt Nam cũng khẳng định sẽ "đấu tranh" tới cùng vì quyền lợi chính đáng, sự công bằng cho tất cả các đoàn. Cùng đó, Ban huấn luyện cũng xây dựng các phương án kỹ lưỡng cho toàn đội, từng VĐV (nhất là Ánh Viên) để sẵn sàng ứng phó trong trường hợp vẫn bị "gây khó dễ" tại SEA Games. Chiến thuật và chiến lược tranh tài có thể phải linh hoạt hơn nhiều, thậm chí không loại trừ việc phải thay đổi kế hoạch chọn lựa cự ly cho phù hợp, song mục tiêu phấn đấu 7-8 HCV vẫn sẽ giữ nguyên.

Những động thái này thể hiện quyết tâm và khát vọng vươn lên của ĐT bơi lội Việt Nam, nhằm đền đáp sự kỳ vọng của người hâm mộ, mang lại vinh quang cho Tổ quốc. Nhưng, bên cạnh đó, những gì đang diễn ra cũng một lần nữa khẳng định: Thành tích ở một kỳ đại hội thể thao càng lúc càng mang nặng tính thành tích bề nổi - "phong trào" như SEA Games không thể tiếp tục còn được xem là thước đo chính xác cho thực lực của những nền thể thao hướng đến tầm chuyên nghiệp.

Chuyện "thành bại" ở đây, đến lúc này, cũng chỉ nên được nhìn nhận nhẹ nhàng như một "cữ dượt" cho những mục tiêu quan trọng hơn.

Tinh gọn và đầy sức trẻ

Chưa bao giờ bơi lội Việt Nam lại có một đội hình lý tưởng, "tinh nhuệ" và sức trẻ như SEA Games 28. Đến Xin-ga-po tranh tài, ĐT bơi lội quốc gia chỉ gồm tám VĐV, thuộc nhóm có số lượng khiêm tốn nhất trong 30 ĐT.Thế nhưng, tám gương mặt ấy sẽ gánh vác sứ mệnh đưa bơi lội trở thành một trong số ba môn có chỉ tiêu thành tích cao nhất. Trong đó, Ánh Viên được kỳ vọng sẽ là ngôi sao của cả Đại hội, chứ không chỉ của Đoàn Thể thao Việt Nam. Đặc biệt thú vị, ĐT bơi lội quốc gia sẽ xung trận với độ tuổi trung bình chưa đầy 18. Mới 23 tuổi, đang ở đỉnh cao phong độ, Hoàng Quý Phước đã là một "cựu binh", bên cạnh những Lâm Quang Nhật (18), Trần Duy Khôi (18), Nguyễn Thị Ánh Viên (18), Lê Thị Mỹ Thảo (16). ĐT bơi lội cũng sở hữu thành viên nhỏ tuổi nhất của Đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 28: tay bơi "nhí" mới vừa bước qua tuổi 14 Nguyễn Diệp Phương Châm.

Kình ngư Ánh Viên:

"Tôi vẫn đang tập huấn tại Mỹ, đến tháng 6 tới mới trở về. Tôi cũng có nghe về những thay đổi của môn bơi SEA Games khác với thông lệ quốc tế có thể gây bất lợi cho mình. Tôi tin các đoàn sẽ đều có phản ứng, và nước chủ nhà sẽ phải điều chỉnh cho hợp lý. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là sự chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt của bản thân, để chiến đấu và chiến thắng trong bất cứ hoàn cảnh nào."

Việt Hà | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục