Bình luận viên trên truyền hình: Một nghề không hề dễ

14:46 Thứ ba 04/12/2012

Ngày trước chưa có truyền hình, các BLV… miệng chỉ có thể trổ tài trên đài phát thanh. Những người “nghe danh mà không thấy mặt” ấy đã góp phần làm cho đời sống thể thao thêm phong phú. Họ đã cung cấp nhiều thông tin, kiến thức thiết thực và gây nên bao nhiêu sự tưởng tượng, những giấc mơ đẹp về các sự kiện thể thao, về các cá nhân kiệt xuất. Đã có vô số những thanh thiếu niên đi vào con đường thể thao nhờ những lời bình luận thêu hoa dệt gấm của họ. Nhiều cái tên như Hoài Sơn, Huy Hinh, Đình Khải… đã sống trong lòng NHM lâu dài.

Đến thời vô tuyến truyền hình (VTTH) phát triển, một thế hệ BLV mới xuất hiện trên màn ảnh nhỏ. Chuyện “nghe danh mà không thấy mặt” không còn nữa, khán giả hào hứng “mục sở thị” những cái miệng… vàng đang hành nghề trước mắt mình. So với cách bình luận trên Đài phát thanh, bình luận trên TH vượt xa trên nhiều phương diện, chỉ riêng chuyện “nghe danh mà không thấy mặt” của đài phát thanh thì chuyện “thấy mặt bằng mười nghe danh” của VTTH đã ăn đứt. Tuy nhiên, khi mà VTTH không thể len lỏi đến mọi nhà ở vùng sâu, vùng xa, các BLV trên sóng phát thanh vẫn có đất sống.

Điểm chung của hai giới BLV này là chuyện lợi khẩu, cụ thể hơn là ăn nói trôi chảy. Một người không hoạt bát, nói năng không lưu loát, ứng xử chậm không thể cầm micro dẫn dắt khán, thính giả vào trận đấu hay sự kiện thể thao. Đã có không ít cái đầu đầy ắp những kiến thức, những sự kiện thể thao muốn cống hiến cho đời những kiến thức ấy nhưng hễ cầm đến micro là… ngậm hạt thị, nói năng lắp bắp, thế là đành chịu. Bình luận trực tiếp trước công chúng là cái tài trời cho, không phải ai cũng có, chính vì thế mà số BLV (đặc biệt là BLV hay) chỉ đếm trên đầu ngón tay. Lợi khẩu, giọng nói ấm áp, truyền cảm, kèm theo đó là một cái đầu uyên bác về thể thao, một cặp mắt tinh đời, đó là đòi hỏi đối với người cầm micro. Thiếu ba thứ đó là… vứt. Riêng với BLV trên TH, một khuôn mặt dễ coi, đáng tin cậy cũng là một tiêu chuẩn.

Bình luận viên trên truyền hình: Một nghề không hề dễ : Ảnh Internet

BL trên đài phát thanh và trên TH “tuy hai mà một” nhưng thực tế cho thấy đó là hai hoạt động “tuy một mà hai”. Trên đài phát thanh, do người nghe không thấy những gì đang diễn ra trên sân nên BLV hay nói… quá lời, thậm chí là… tán cho vui trước những trận đấu nhạt. Trên TH không được thế. Tất cả mọi diễn biến trên sân khán giả đã thấy hết vì thế BLV phải kiệm lời, chính xác và không nói tuỳ hứng. Đã có BLV bị khán giả phản ứng mạnh vì… lưỡi quá dài. Cái câu tục ngữ Trung Quốc “uốn lưỡi ba lần trước khi nói” đáng để cho các BLV ghi tâm, khắc cốt.

Người ta hay nhắc đến hai cái tên Quang Huy, Quang Tùng và coi họ như những cánh chim đầu đàn trong làng cầm micro. Quang Huy vốn là dân ngoại đạo về thể thao nhưng có tình yêu cháy bỏng với bóng đá, cộng với cái đầu uyên bác, một tình yêu công việc mãnh liệt, một giọng nói ấm áp, truyền cảm mà thành nghề và nổi tiếng. Quang Tùng có vất vả hơn. Anh vốn là một sinh viên ĐH TDTT chuyên tu môn cờ vua. Ông bố Ngô Xuân Quýnh đã hướng nghiệp BLV cho anh bằng cách kiếm máy ghi âm, băng ghi hình một trận đấu BĐ, buộc anh ngồi trước màn hình tập bình luận. Ông Quýnh nghe lại rồi khen hoặc chê. Anh Tùng làm nhiều lần, thấy tạm được, ông Quýnh nhờ BLV Huy Hùng của VTTH Việt Nam “nghiệm thu” và hướng dẫn thêm, thế mới thành nghề. Bây giờ hai anh này đã rút vào hậu trường của VTC làm lãnh đạo.

Hiện nay, do chương trình thể thao (đặc biệt là bóng đá) phát triển mạnh, lực lượng BLV trên TH nhiều như nấm nhưng vẫn chưa có ai thật sự “nằm lòng” khán giả. Người ta vẫn nhớ tới “thế hệ vàng” của giới BLV thể thao Việt Nam như Huy Hùng, Quang Huy, Quang Tùng. Thế mới biết cầm micro là việc khó chứ chẳng dễ ăn. “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, các BLV trẻ đang làm theo câu tục ngữ ấy để tiến bộ. Có người đã phải trả giá đắt về sự ngộ nhận của mình và sau một thời gian… mất sóng, anh này đã trở lại với một trạng thái mới, nhận thức mới phù hợp với đòi hỏi của khán giả hơn.

Bình luận thê thao trên TH là việc nhạy cảm, chính xác và nghệ thuật, nghệ thuật trong sự giản dị, chính xác, do vậy “được lòng” khán giả là chuyện không dễ. Lời nói trên TH không phải gió bay như ngoài đời, vì vậy mong các BLV hãy… uốn lưỡi ba lần trước khi nói.

(Bạn đọc: Lưu Thông)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@tinthethao.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập TinTheThao.com.vn

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục