Hoàng Xuân Vinh đã vượt qua chính bản thân mình để vươn tới thành công. Ảnh: ISSF. |
"Tôi là vận động viên giành huy chương Olympic"
Khi được hỏi đâu là nguyên nhân dẫn đến việc Hoàng Xuân Vinh đã gây bất ngờ khi vượt qua những đối thủ từng là khắc tinh của mình để đoạt huy chương vàng, phá kỷ lục thế giới, nội dung 10 m súng ngắn hơi nam, xạ thủ này nói: "Huấn luyện viên Nguyễn Thị Nhung là người đã giúp tôi vượt qua điểm yếu tâm lý để đạt được thành tích đó".
Từng được đào tạo chuyên sâu về bắn súng ở Nga, huấn luyện viên Nguyễn Thị Nhung có khả năng nắm bắt cực tốt diễn biến tâm lý của các học trò. Trong môn thể thao như bắn súng, ngoài trình độ chuyên môn thì yếu tố tâm lý có ảnh hưởng lớn đến thành tích của vận động viên.
Bản thân Xuân Vinh là vận động viên rất tài năng, đủ khả năng tranh chấp huy chương ở các đấu trường lớn, nhưng tâm lý lại là rào cản khó vượt qua đối với anh trong những cuộc đấu cân não. Xuân Vinh từng hai lần "cầm vàng để vàng rơi" tại Asian Games 2010 và Olympic London 2012, trong đó lần nào anh cũng đánh mất mình ở loạt đạn cuối mang tính quyết định.
Sau những lần đó, huấn luyện viên Nguyễn Thị Nhung rất trăn trở tìm giải pháp khắc phục điểm yếu tâm lý cho Xuân Vinh. Trong lúc tập luyện chị Nhung rèn cho Vinh các bước chi tiết giống như khi thi đấu quốc tế, từ lúc khởi động đến bài bắn tiêu chuẩn rồi chung kết, khi phải đối chọi với nhiều vận động viên rồi chỉ còn một-hai vận động viên, thì phải làm gì, chuẩn bị tâm lý ra sao để ứng phó trước các tình huống.
Huấn luyện viên Nguyễn Thị Nhung cũng đề ra bài tập cho Vinh là đứng tại chỗ không được cử động chân, tay, không được nói gì trong suốt hai tiếng và các bài tập thở để tĩnh tâm. Thậm chí những hành động của Hoàng Xuân Vinh khi đưa lên hay hạ tay xuống trong tập luyện cũng như thi đấu lúc nào cũng phải giống nhau để tạo sự ổn định và giúp cho Vinh trở lại trạng thái cân bằng, không bị áp lực về tâm lý.
Trong cả hai lần vấp ngã đau đớn của Vinh khi tưởng đã đạt vàng Asian Games rồi nhưng lại bị cướp cò ở loạt bắn cuối đến khi thua sát nút 0,1 điểm trước vận động viên Wang Jiwei (Trung Quốc), tuột mất chiếc huy chương đồng Olympic tưởng đã cầm chắc, huấn luyện viên Nguyễn Thị Nhung không một lần quở trách học trò mà luôn ở bên sẵn sàng nhận trách nhiệm để giảm áp lực về tâm lý cho vận động viên. Nhờ có được "điểm tựa" vững chắc là người huấn luyện viên dám làm, dám chịu trách nhiệm, Hoàng Xuân Vinh mới có thể đứng dậy sau hai thất bại tưởng như đã làm nhụt ý chí của bất cứ một vận động viên nào.
Huấn luyện viên Nguyễn Thị Nhung cho rằng điểm yếu tâm lý của các vận động viên Việt Nam nói chung là thiếu tự tin. Vì thế với những vận động viên đã được "ngắm" là sẽ có huy chương thì ngày nào trước khi tập cũng phải nói: "Tôi là vận động viên giành huy chương Olympic". Lúc đầu các vận động viên đều rất ngượng, thậm chí còn nghĩ vụng là huấn luyện viên của mình "có vấn đề", nhưng trên thực tế đây lại là bài rèn luyện tâm lý cực tốt, không chỉ trong thể thao mà cả các lĩnh vực khác. Khi phản xạ nói được thực hiện nhiều lần sẽ thành thói quen, giúp vận động viên có động lực để phấn đấu và không cảm thấy mục tiêu đó là quá xa vời để thực hiện.
Có bí mật chỉ hai cô trò biết với nhau
Tại Cúp bắn súng thế giới vừa qua, sau ba viên khởi đầu chỉ đạt điểm chín, tuy tỏ ra bình tĩnh nhưng tay Vinh run và khi ngồi xuống, chân Vinh cũng rung tít lên. Nhìn vào biểu hiện đó, huấn luyện viên Nguyễn Thị Nhung biết rằng Vinh đang bị trạng thái tâm lý hồi hộp, lo âu vì nội dung trước Vinh không được vào chung kết và chỉ còn nội dung này là hy vọng vào chung kết. Trong cuộc bắn thử ngày hôm trước, Vinh đều thực hiện rất tốt. Chị Nhung gọi Vinh ra và bảo: "Em đang ở trạng thái tâm lý hưng phấn quá, nếu để sự hưng phấn lên cao độ, em sẽ không thực hiện được kỹ thuật".
Huấn luyện viên Nguyễn Thị Nhung (phía trước) đã sáng tạo ra nhiều bài tập lạ để giúp học trò khắc phục điểm yếu. Ảnh: ISSF |
Trường bắn lạnh, chị Nhung phải xoa tay cho Vinh và nói tới lần thứ ba, Vinh mới khống chế được tâm lý để thôi không rung chân nữa và ngồi một chỗ hít thở trong trạng thái tĩnh lặng để tâm lý trở về trạng thái bình thường. Sau đó Vinh đã tập bắn khan, từ năm-mười viên để tay không được run nữa. Chị Nhung và huấn luyện viên người Hàn Quốc cũng làm giảm bớt áp lực cho Xuân Vinh bằng cách yêu cầu ở các loạt bắn tiếp theo, Vinh chỉ cần bắn 9,7 - 9, 8 điểm là được.
Khi vào thi đấu chị Nhung căn dặn Vinh, chỉ nhìn xuống đất, không nhìn vào trọng tài hay khán giả, ngay cả khi ban tổ chức xướng tên, để tránh mất tập trung và những cảm xúc không cần thiết. Và giữa các loạt bắn, Vinh chỉ quay đầu nhìn về một hướng duy nhất là mắt huấn luyện viên để thực hiện các chỉ đạo, khi chị Nhung làm động tác bóp tay vào giữa trán, Xuân Vinh sẽ lập tức hiểu là mình phải tập trung cao độ hơn nữa. Nhờ sự kết hợp hoàn hảo này mà sau ba viên đầu không mấy thành công, Xuân Vinh vững vàng hơn ở các loạt bắn tiếp theo và đoạt huy chương vàng nhờ áp dụng đúng chiến thuật "chỉ nhìn xuống đất và mắt huấn luyện viên".
Thực ra, còn một bí mật nữa mà huấn luyện viên Nguyễn Thị Nhung không tiết lộ, bởi đó là "bài thuốc đặc trị" cho vấn đề tâm lý của Hoàng Xuân Vinh. Dịp thi đấu ở Asian Games 2010, sở dĩ Vinh bị bắn cướp cò và đánh mất huy chương vàng là do lúc đó anh chỉ nghĩ đến khoảnh khắc đăng quang. Đây là biểu hiện tâm lý thông thường của các vận động viên nói chung, nhưng với riêng bắn súng thì cần tránh bởi sẽ làm xạ thủ không giữ được sự tập trung.
Để giải quyết vấn đề này, huấn luyện viên Nguyễn Thị Nhung yêu cầu Xuân Vinh mỗi khi căng thẳng chỉ nghĩ đến một điều và điều đó sẽ là động lực để Vinh thi đấu tốt hơn. Điều mà Xuân Vinh nghĩ đến là gì sẽ là bí mật lớn mà có thể anh sẽ chỉ bật mí khi giã từ sự nghiệp.