Bài học từ ASIAD 17

09:27 Thứ hai 06/10/2014

Sau hơn hai tuần tranh tài sôi nổi, quyết liệt, Ðại hội thể thao châu Á (ASIAD) 17 đã khép lại. Trên bảng xếp hạng, ba vị trí dẫn đầu lần lượt thuộc về các đoàn Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Với một HCV, 10 HCB, 25 HCÐ, xếp thứ 21 chung cuộc, đây là kỳ Á vận hội thứ hai liên tiếp đoàn thể thao (TT) Việt Nam không hoàn thành chỉ tiêu đề ra.

VÐV Dương Thúy Vi (giữa) giành HCV duy nhất cho đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAD 17.

Trong những ngày diễn ra ASIAD 17, người hâm mộ thể thao và nhân dân cả nước đã hào hứng theo dõi, khích lệ, ghi nhận sự nỗ lực của các VÐV Việt Nam trong tất cả các môn thi đấu. Nhiều môn lần đầu có huy chương ở đấu trường ASIAD như: Phan Thị Hà Thanh (HCB thể dục dụng cụ), Ánh Viên (HCÐ bơi lội), Lừu Thị Duyên, Lê Thị Bằng (HCÐ quyền Anh) Tiến Nhật (đấu kiếm)... Bóng đá nữ nằm trong tốp bốn đội mạnh nhất châu lục. Tuy nhiên, trong khi thể thao các nước hoặc giữ vững được thứ hạng như Trung Quốc (151 HCV), Hàn Quốc (79 HCV) hoặc tiến bộ vượt bậc như In-đô-nê-xi-a (4 HCV) thì thể thao Việt Nam đã chững lại, thậm chí đi xuống. Trên bảng xếp hạng năm 2014, so với các nước trong khu vực, Việt Nam xếp sau Thái-lan, Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, In-đô-nê-xi-a, Mi-an-ma. Tại ASIAD năm nay, đoàn Việt Nam chỉ có một HCV. Trong 28 môn thuộc hệ thống Ô-lim-pích, chúng ta không có VÐV nào bước lên bục cao nhất. Những niềm hy vọng vàng: Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Thạch Kim Tuấn (cử tạ)... đều để tuột "vàng" một cách đáng tiếc. Ðiều này chứng tỏ ở thời khắc quyết định họ chưa có tâm lý, bản lĩnh thi đấu vững vàng. Thất bại của các môn bắn súng, điền kinh, tê-cuôn-đô, ka-ra-tê-đô..., còn xuất phát từ những sai sót về mặt chuyên môn.

Chúng ta không nên chỉ nhìn nhận ở khía cạnh phong độ của VÐV, mà còn phải nhìn nhận ở những góc độ khác như khả năng nắm bắt thông tin về đối thủ, tính toán điểm rơi, lựa chọn môn thi sở trường... của các nhà quản lý, HLV. Tấm HCV ở môn u-su của Thúy Vi thật đáng quý, song sự tiến bộ của một nền TT phải được đo bằng số HCV ở "sân chơi" Thế vận hội. Nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự tụt hậu này là trong thời gian dài, TT nước nhà dành nhiều công sức đầu tư những môn chưa phổ biến hoặc chưa được Ủy ban Ô-lim-pích quốc tế xếp vào thi đấu chính thức như cầu mây, u-su, pen-cát si-lát... để nhanh chóng nằm trong tốp đầu Ðông - Nam Á. Và khi TT Việt Nam xác định lấy TT Ô-lim-pích làm hướng đi chủ đạo thì các quốc gia khác ở châu Á đã đi trước từ lâu. Lấy In-đô-nê-xi-a làm thí dụ: Nước này đã từng nhiều năm đứng sau Việt Nam trên đấu trường SEA Games, nhưng nay họ đã coi đấu trường này chỉ như nơi tập dượt, hướng mạnh về cuộc thi toàn châu lục và đã giành tới 4 HCV, vượt qua Việt Nam.

Ở nước ta, việc đầu tư cho các môn thuộc hệ thống Ô-lim-pích chưa được chú trọng đúng mức, thậm chí e ngại vì các môn thi đấu thuộc hệ thống này cần có nhiều thời gian, tốn kém, trong khi nguồn kinh phí đầu tư cho TT còn eo hẹp. Mặt khác, muốn TT đỉnh cao phát triển và gặt hái thành công thì phải theo mô hình đào tạo chuẩn của những nền TT tiên tiến trên thế giới. Việc tuyển chọn VÐV năng khiếu, các tài năng trẻ ở giai đoạn đầu cũng không kém phần quan trọng. Và điều cốt yếu là làm sao để họ có một cơ thể khỏe khoắn, trạng thái tâm lý, thể lực tốt nhất và sung sức khi thi đấu. Ðáng tiếc, việc này chúng ta còn khiếm khuyết, chưa làm được tốt nhất có thể trong nhiều khâu từ tuyển chọn, luyện tập - giáo dục đến đầu tư tập huấn chu đáo để VÐV có đủ khả năng vươn lên đỉnh cao. TT Việt Nam nhiều năm qua chỉ có vài "cánh chim đầu đàn": Nguyễn Tiến Minh, Vũ Thị Hương, Nguyễn Hoàng Ngân..., đều đã qua thời kỳ đỉnh cao phong độ, trong khi có quá ít những gương mặt mới như Nguyễn Hoàng Phương, Nguyễn Thị Thật, Quách Thị Lan, Bùi Thị Thu Thảo... Theo đánh giá của giới chuyên môn, hiện tại chúng ta đang khan hiếm những anh tài đủ sức giành HCV ở tầm châu lục. Và để giải quyết rốt ráo vấn đề này, không phải câu chuyện ngày một ngày hai, mà là bài toán lâu dài.

Hy vọng qua ASIAD lần này, nhìn thẳng vào sự thật, TT Việt Nam rút ra những bài học nghiêm túc từ thất bại, có chiến lược phát triển khoa học; có sự đầu tư, chuẩn bị tốt hơn, để chúng ta ít phải nói "giá như"... sau những lần thua cuộc tại các giải thể thao đỉnh cao trong tương lai.

Thành tích của TT Việt Nam trong ba kỳ ASIAD gần đây nhất: Năm 2002, tại ASIAD 14 ở Bu-xan (Hàn Quốc): giành bốn HCV, bảy HCB, bảy HCÐ, xếp hạng 15/36 chung cuộc. Năm 2006, tại ASIAD 15 ở Ðô-ha (Ca-ta): ba HCV, 13 HCB, 7 HCÐ, xếp hạng 19/36. Năm 2010, tại ASIAD 16 ở Quảng Châu (Trung Quốc): một HCV, 17 HCB, 15 HCÐ, xếp hạng 24/35.

Anh Chương | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục