Arsenal - Thấy gì qua chính sách mua bán?

23:42 Thứ sáu 05/09/2014

(TinTheThao.com.vn) - Vị trí yếu nhất của Arsenal trong vài năm qua là hàng tiền đạo, sau khi Van Persie đi khỏi, nhưng đội bóng chỉ có thể luân phiên sử dụng, đưa về những cái tên hạng khá, thiếu sắc bén, thiếu duyên, hay nôm na bị coi là “chân gỗ”. Xét trên bình diện toàn đội hình, cũng không phải Arsenal không tiêu tiền, nhưng có vẻ họ giỏi bán chứ chưa giỏi mua.Với phong cách “đi chợ” hiện nay, hẳn không ít người cảm thấy lo ngại và nghi ngờ khát vọng trở lại đỉnh cao của Pháo thủ.

Có những thương vụ lớn, nhưng không giải quyết được mọi chuyện

Trên lý thuyết, cho tới trước tuần cuối của mùa chuyển nhượng năm nay, Arsenal đã khiến một đội hơn họ toàn diện nhiều năm qua như MU phải ghen tỵ. Quỷ đỏ kiêu hãnh, Quỷ đỏ của những danh hiệu ngày càng sa sút, không thể thu hút nhân tài, và kỷ lục mua sắm của họ cũng chỉ là Juan Mata, người đã hết chỗ đứng ở Chelsea, với mức giá 37 triệu bảng. Arsenal giống MU ở chỗ cũng chỉ mua được những ngôi sao hết chỗ đứng, song dẫu sao đó vẫn là những gương mặt sáng láng, tạo ra nhiều hy vọng về một thời kỳ đổi mới. Đùng một cái, họ bất ngờ có Mesut Ozil với việc chi ra 42 triệu bảng, năm nay tiếp tục là Sanchez 30 triệu bảng, rất dứt khoát, rất khác những gì ta biết về Arsenal trước đấy.

Tân binh Welbeck của 'Pháo thủ'. Ảnh Arsenal

Những nỗ lực này của Arsenal đến hơi muộn, nhưng ít ra nó cũng đã đến, tiếc là họ vẫn cứ đi sau những đại gia còn lại ở Premier League. Khi Arsenal đem về Sanchez, Debuchy, Welbeck, thì Chelsea có thêm Fabregas, Costa trong một đội hình đã mạnh sẵn, Man City đã mạnh đến mức chẳng phải mua nhiều, Liverpool được bổ sung Balotelli và đang rất ổn định, còn MU thì làm náo loạn phiên chợ hè với “giỏ hàng” đồ sộ trị giá trên 150 triệu bảng. Để đại tu một đội bóng, những con số tương tự hoặc gấp đôi có thể sẽ phải chi ra, Arsenal chưa thể làm vậy, mà sự tâm huyết của Arsene Wenger cũng mãi không đưa được họ ra khỏi cuộc cạnh tranh top 4 để hướng đến cái đích lớn hơn.

Sử dụng nhiều cầu thủ tốt nhưng không quá xuất chúng, có tiềm năng những chưa đủ trưởng thành, Arsenal trông cậy ở những cá nhân đá đều chân như Cazorla, Ramsey, hay đẳng cấp của các tân binh Oezil, Sanchez, có điều đây đều không phải những mẫu thủ lĩnh, những người có thể lôi kéo cả tập thể đi lên. Mà giỏi thế nào, thì họ cũng chỉ chơi ổn ở vị trí của mình, hậu vệ mắc lỗi, tiền vệ phòng ngự kém, không có trung tâm điều phối đúng nghĩa, Arsenal vẫn có thể thua vì những khuyết điểm ấy.

Cầu thủ Arsenal mua có đáng tiền?

Khi một câu lạc bộ không thường xuyên chi mạnh bỗng nhiên muốn tạo ra những cú hích cho đội hình, họ sẽ luôn gặp khó khăn hơn so với các đội đã có thói quen dùng hàng xa xỉ. Nói một cách đơn giản, những cầu thủ giỏi nếu đã được những Man City, Chelsea quyết tâm mua về chứ không phải là đòn kích giá, thì tin rằng những đội như Arsenal, hay cả MU cũng rất ít cơ hội sở hữu được họ. Từ đó dễ dàng suy ra, Arsenal chỉ chốt được những thương vụ mà hoặc là cầu thủ chưa được chú ý nhiều, hoặc trình độ không quá nổi bật, hoặc cũng có tên tuổi nhưng không đủ xuất sắc đến mức các ông lớn lắm tiền nhất định muốn có họ trong đội hình. Với mặt bằng cầu thủ của mình, Arsenal luôn phải trân trọng những con người ấy hơn những đội nhiều sao sẵn, và khi mua thì Arsenal cũng thường phải trả nhiều tiền hơn mới đủ sức thuyết phục.

Hãy so sánh nhanh những bản hợp đồng đáng chú ý của Arsenal và những bản hợp đồng của vài câu lạc bộ khác. Oezil có giá 42 triệu bảng trong khi Fabregas chỉ là 27 triệu, tức là bằng một nửa. Khác biệt này đến từ những số liệu, những biểu hiện bên ngoài, và cả tình cảnh bên trong của mỗi cầu thủ. Oezil khi còn ở Real là chân kiến tạo hàng đầu, vẫn là nhân vật quan trọng cho đến khi rời đội bóng, còn Fabregas thì chưa khi nào được coi là trụ cột ở Barca, mức độ ra sân của anh còn tùy vào tình trạng của những người khác và sự sắp xếp của huấn luyện viên. Arsenal cần Oezil, rất cần, coi anh như “của báu” phải chiếm ngay, còn Chelsea, họ không cần đưa đẩy nhiều, họ không đến mức thèm khát Fabregas, mà chính anh mới thèm khát được ra đi, được thể hiện ở nơi mình được xem trọng.

Thực tế, với giá đắt gấp đôi, Oezil có mang lại được hiệu ứng như Fabregas từng có ở Emirates? Có lẽ là chưa, và trong tương lai cũng sẽ rất khó. Fabregas là cầu thủ có bản lĩnh, có tố chất “đầu đàn”, Oezil thì không. Oezil có thể đá hay, nhưng chỉ khi cả đội cùng hòa nhịp, những người xung quanh chơi tốt, còn nếu lối chơi chung trục trặc, anh không thể giúp gì, mà thường dễ dàng biến mất. Oezil có những thông số chuyên môn đáng nể tại Real, nhưng là trong một đội hình cực mạnh, trong một giải đấu chênh lệch lớn, ít bị tra tấn về thể lực. Tiền vệ người Đức chẳng mấy khi có tiếng nói trong những trận chiến sống còn, người ta hy vọng ở Ronaldo, ở Di Maria, chứ ít khi hy vọng ở Oezil. Sự cạnh tranh cho suất đá chính thì cũng không quá kinh khủng, Real không có ai cùng chức năng nhưng ngang hoặc trên trình độ Oezil cả, chuyện anh được ra sân liên tục và kiến tạo nhiều là không có gì khó hiểu.

Tương tự là Sanchez 30 triệu bảng so với Costa 32 triệu bảng. Một là tiền đạo gây thất vọng ở Barca, buộc phải tìm bến đỗ mới khi câu lạc bộ muốn có tiền đầu tư sau thời gian đi xuống, còn một là nhân tố chủ chốt của đương kim vô địch La Liga, một Atletico đang thăng hoa vừa vào đến chung kết Champions League. Tư thế của hai cầu thủ khác nhau xa, nhưng Arsenal vẫn phải bỏ ra khoản tiền gần ngang với Chelsea. Như đã thấy, Sanchez chưa chứng minh được mấy, những pha đột phá quen thuộc của anh vấp phải khó khăn với các hậu vệ sắt đá ở Premier League. Còn Costa thì sao, đó là tất cả những gì Chelsea muốn, sinh ra là để đá cắm, để tung hoành với năng lượng dồi dào và sự tinh quái, anh cứ đều đều ghi bàn, hứa hẹn sẽ trở thành trung phong tuyệt nhất của Chelsea sau Drogba.

Một quyết định gây nghi vấn nữa là việc Arsenal đưa về Danny Welbeck. Chưa nên khẳng định gì về cựu cầu thủ MU, anh không phải là người không có tố chất, tuy nhiên sẽ ít người nghĩ Welbeck lại có giá trị chuyển nhượng bằng với Balotelli của Liverpool, cùng 16 triệu bảng. Một cách tổng quát thì, đa số các đại gia Anh sẽ săn những cầu thủ thích hợp với bóng đá Anh, với nhu cầu thiết yếu của câu lạc bộ, còn Arsenal cứ hở ra ai kha khá là muốn mua vì sợ mất, họ đang quá cần người tài, cần nâng cao chất lượng đội bóng.

Chính sách mua bán của Pháo thủ đang có vẻ tiến lên nhưng khi nhìn sang các đối thủ thì hình như khoảng cách vẫn không thay đổi nhiều. Thôi thì hãy chờ khi mùa bóng đi vào giai đoạn sôi nổi, xem Arsenal bấy giờ đang ở đâu. Arsene Wenger đôi lúc bảo thủ, khó hiểu thật đấy, nhưng ông cũng là người có thể làm những điều kỳ diệu với những thứ có trong tay. Bóng mới lăn chưa lâu, còn cả đoạn đường thênh thang để Arsenal đi tìm đến những gì họ muốn.
Mạnh Quang | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục