Chuyên gia săn tiền thưởng Thể thao Việt Nam và câu chuyện thất học

09:27 Thứ ba 17/02/2015

Thể thao Việt Nam (TTVN) không có nhiều những VĐV sống khỏe bằng nghề, nhưng với Kim Tuấn lại là một trường hợp đặc biệt…

Đổi đời nhờ cử tạ

Với những thành tích đạt được ở các giải quốc tế, những tấm huy chương đã mang về cho gia đình Tuấn số tiền thưởng trang trải cuộc sống.

Tám năm theo đuổi niềm đam mê, chàng trai quê Bình Thuận hiện sống ở TP.HCM này đã có trong tay bộ sưu tập thành tích đồ sộ ở hạng 56 kg nam, điều mà ngay cả lực sĩ đàn anh Hoàng Anh Tuấn (á quân Olympic 2008) cũng phải ao ước. Chỉ tính riêng trong năm 2014, Tuấn đã thiết lập nhiều kỷ lục ở giải trẻ thế giới, châu Á, mang về cho anh số tiền thưởng rất lớn.

Thạch Kim Tuấn có một năm thi đấu đầy thành công

Trước đó hồi tháng 6, Kim Tuấn đăng quang cũng ở hạng cân 56kg nam tại Giải vô địch cử tạ trẻ thế giới 2014, được nhận thưởng khoảng 350 triệu đồng. Thành tích thi đấu tại ASIAD 2014 hồi tháng 9 cũng mang về cho Kim Tuấn ít nhất 700 triệu đồng (thưởng nóng, thưởng chế độ Nhà nước và của đơn vị TP.HCM. Như vậy, chỉ tính riêng trong năm nay, ngoài khoảng hỗ trợ 10 triệu đồng/tháng cho những VĐV tài năng đặc biệt, Tuấn nhận khoảng 1,5 tỷ sau những thành tích quốc tế. Đó là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực phi thường của chàng lực sĩ người Bình Thuận.

Bỏ học từ năm 12 tuổi

Gần 20 tuổi, nhà vô địch thế giới Thạch Kim Tuấn vẫn chưa tốt nghiệp cấp 2. Dù bị nhiều người nói là thất học, nhưng chàng lực sĩ quê biển Bình Thuận lại đang là tấm gương cho lớp trẻ soi vào.

Năm 2009, cả làng thể thao Việt Nam ngã ngửa trước thông tin nhà quán quân SEA Games Thạch Kim Tuấn chưa học hết lớp 6. Nhìn mặt mũi khôi ngô lanh lợi, rồi cách giao tiếp, kể cả trả lời phỏng vấn nghe rất được của Tuấn, ai cũng tưởng đó là chuyện đùa. Thế nhưng, chuyện Kim Tuấn phải bỏ học từ năm 12 tuổi là một sự thật đau xót, dẫu sau này Kim Tuấn đã giành biết bao chiến công cho cử tạ Việt Nam.

Kim Tuấn quyết theo học Đại học

Chuyện bỏ học với Tuấn là sự bắt buộc. Mới lên 3 mẹ anh đã mất sau một tai nạn thương tâm. Nhà có 4 chị em, hầu hết đã phải bỏ học giữa chừng để lo kiếm đủ bữa ăn. Lúc Tuấn tròn 6 tuổi, người chị cả Thạch Giáng Hương đã dắt díu cả 3 em rời quê lên TP.HCM mưu sinh trong tình cảnh không người thân quen, không một đồng dắt lưng. Cả tuổi thơ của Tuấn, là những ngày tháng làm đủ mọi nghề để kiếm thêm, khi thì bán vé số, khi thì tẩm quất, bán đậu nành... Tuấn cũng không thể nào quên 4 chị em phải sống trong căn nhà thuê rộng chỉ 12m vuông, đến cái quạt cũng không có vì tiết kiệm điện.

Vất vả mưu sinh, đã rèn cho Kim Tuấn đức tính chịu thương, chịu khó, biết vượt lên số phận của hoàn cảnh. Cuối cùng thì ông trời cũng không phụ lòng người, trong một lần tới trung tâm thể dục thể thao TP.HCM xem các lực sĩ cử tạ tập luyện, Tuấn xin thử và anh lọt ngay vào mắt xanh của HLV Huỳnh Hữu Chí-người đã giúp Tuấn bước lên đỉnh cao sau này.

Không được theo học như bạn bè cùng trang lứa, nhưng Tuấn lại đang trở thành tấm gương với giới trẻ bởi sự nỗ lực vươn lên của mình. Sau khi tạo ấn tượng tại một số giải đấu trong nước, Tuấn được gọi vào ĐTQG, thành tích đầu tiên của anh trên đấu trường quốc tế là chiếc HCB giải VĐ trẻ thế giới năm 2011. Cũng trong năm đó, Kim Tuấn giành HCV giải VĐ trẻ châu Á ở hạng 56kg. Nhưng thành tích đáng nể của Tuấn chính là những tấm HCV SEA Games, rồi HCV Olympic trẻ và đặc biệt là HCV giải vô địch thế giới, ASIAD. Gần nhất, Tuấn đã phá kỷ lục châu Á, giành 1 HCV thế giới. Thạch Kim Tuấn được Liên đoàn Cử tạ Thế giới (IWF) bình chọn là VĐV trẻ xuất sắc nhất. Với những gì đã làm được, tài năng trẻ Thạch Kim Tuấn vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương lao động Hạng 3.

Giấc mơ Đại học

Mỗi một thành công đều là một sự đánh đổi. Để có được thành công như ngày hôm nay, Tuấn đã phải trả giá bằng cái sự học dở dang của mình. Chính điều đó, đã tạo nên những trăn trở với các nhà quản lý. Còn với Tuấn, giấc mơ đi học Đại học, chính là giấc mơ lớn nhất với cuộc đời anh.

“Thi đấu mãi cũng đến tuổi giải nghệ, nhưng chuyện học thì suốt đời. Em không muốn người ta nói mình là thất học”, Tuấn tâm sự. Tuấn đang là một trong những VĐV được đầu tư đặc biệt cho Olympic 2016. Với những gì đã làm được, cơ hội giành HCV là hoàn toàn sáng cửa với lực sĩ người Bình Thuận là hoàn toàn sáng cửa. Tuấn cho biết, em sẽ tiếp tục nỗ lực tập luyện để thực hiện giấc mơ HCV Olympic của mình cũng như của thể thao Việt Nam, nhưng đồng thời sẽ tiếp tục tranh thủ vừa tập vừa học, để theo đuổi một giấc mơ khác là học Đại học.

Năm 2010, khi Tuấn đã là nhà vô địch Olympic trẻ, ông thầy Huỳnh Hữu Chí mới nhận ra nguy cơ lớn cho tương lai, sự phát triển của học trò cưng. Từ đó, chính ông phải dành thời gian bổ túc lại kiến thức cho Tuấn, rồi đưa anh trở lại con đường học hành, bắt đầu từ lớp 6. Hiện tại, chàng nam sinh 20 tuổi đang học lớp 8. Chuyện tập luyện, thi đấu chiếm hầu hết thời gian, nhưng Tuấn vẫn quyết tốt nghiệp cấp 2, học hết cấp 3 và sau đó là vào Đại học. Với những thành tích quốc tế đã giành được, chàng lực sĩ sinh năm 1994 sẽ được tuyển thẳng vào Đại học chuyên ngành thể dục thể thao. Mục tiêu của Tuấn chính là tốt nghiệp Đại học năm… 30 tuổi. Dù nghiệp học muộn hơn nhiều so với bạn bè cùng trang lứa, nhưng khi đó Tuấn sẽ có vốn kinh nghiệm chẳng kém ai, trước khi chuyển sang công tác huấn luyện.

Bằng Lăng | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục