Xu hướng lấy công bù thủ

14:48 Thứ hai 24/09/2012

Thế giới bóng đá đang dần trở nên mất cân bằng. Càng ngày, con người ta càng hướng lên phía trước như một phản xạ, hầu như mọi thứ đều phục vụ cho mục đích tấn công, ghi bàn, mọi siêu sao xuất hiện đều mang dòng máu của kẻ “cầm kiếm”. Những tấm lá chắn thép ngày một hiếm hoi, các huyền thoại phòng ngự dần đi vào quên lãng, bất chấp thực tế là không ít các ông lớn đã ôm hận vì hiện trạng ấy.

Bỏ quên áo giáp

Có thể ví các đội bóng binh hùng tướng mạnh ở tuyến trên nhưng lại hớ hênh trong phòng ngự giống như một dũng sĩ ra trận với những món vũ khí đầy uy lực, nhưng lại quên đeo áo giáp trên mình. Man City là ví dụ điển hình nhất, đội bóng mà mới mùa trước sở hữu hàng thủ chắc chắn nhất Premier League, nhưng mùa này đã lọt lưới tới 12 lần trong vòng 7 trận ở mọi giải đấu. Đó không chỉ là vấn đề của hiệu số, mà số lần thủ môn phải vào lưới nhặt bóng cũng tỷ lệ thuận với khả năng mất điểm hoặc thất bại của câu lạc bộ. Mancini đã phụ thuộc quá nhiều vào các ngôi sao tấn công của mình, Man xanh dư thừa tiền đạo trong khi gần như chỉ có một cặp trung vệ duy nhất chơi an toàn. Kết quả là khi hàng công khủng “trót” nổ súng hơi ít với 10 lần thì lập tức hàng thủ với 7 bàn thua - chỉ đỡ hơn vài đội bóng ngoài top 10 - đã khiến cho đội bóng chỉ có được vị trí thứ bảy, không hề tương xứng với thực lực.

Man City có hàng công mạnh mẽ nhưng họ lại có hàng thủ tệ hại - Ảnh: Internet
 

Các ông lớn khác cũng vậy. Liverpool chưa bao giờ có nhiều bàn thua ngớ ngẩn đến thế, mà tâm điểm là sự “xuống cấp” của một thủ môn từng chơi rất ổn định - Pepe Reina. Hiệu số bàn thắng thua tệ hại -6 sau 5 trận đủ để The Kop “muối mặt” với vị trí thứ 18. Chelsea và M.U thì lại có những vấn đề khác. Những cây cột trụ tuyệt hảo như Terry, Ferdinand, Vidic đều đã ở bên kia sườn dốc sự nghiệp, không ai còn giữ được sự chắc chắn như những năm tháng đỉnh cao, thậm chí ở M.U, Ferrdinand hay Evra còn đang dần trở thành điểm yếu. Trong khi đó, lớp kế cận tuy tài năng song chưa cho thấy sự ổn định, có vẻ “máu” tấn công nhiều hơn là đảm bảo sự an toàn tuyệt đối trước khung thành, và những thủ môn xuất sắc cũng không thể ngăn đội bóng bị “trừng phạt” trong rất nhiều tình huống sơ hở.

Ở Tây Ban Nha, mọi thứ cũng đã khác nhiều. Barca luôn giữ bóng trên 70% mỗi trận, luôn dồn ép đối thủ là thế, lấn át về chất lượng cá nhân là vậy, nhưng họ cũng đã thua tới 3 bàn sau 4 vòng đấu trước các đối thủ dưới tầm và chỉ có dưới 30% thời gian cầm bóng. Đi ra Champions League, đội bóng xứ Catalonia cũng đã mướt mồ hôi mới giành thắng lợi khi bị “đàn em” thua xa về trình độ Spartak Moscow 2 lần làm rung mành lưới. Real còn tệ hơn nữa, dù có phải một số cá nhân đang thi đấu thiếu lửa hay không, thì hiệu suất thua 1 bàn/1 trận ở La Liga là không sáng sủa một chút nào, đặc biệt khi hàng công không thể bù lấp lại giống như cách mà Barca đã làm, lúc này, Real xếp thứ 16 - một điều ngỡ như đùa.

Cần một sự cân bằng

Hướng về phía trước thì ai cũng muốn, mua sắm thật nhiều tiền vệ, tiền đạo hay thì đội bóng nào cũng thích, ghi bàn thắng liên tục thì cổ động viên nào cũng mê, nhưng nếu xem bóng đá chỉ đơn giản là trò chạy đua vũ trang ở tuyến trên mà quyết định thắng thua thì người ta coi thường nó quá. Đó là trò chơi chiến thuật hấp dẫn nhất hành tinh, phụ thuộc một phần chứ không phải tất cả vào nhân lực, cụ thể là nhân lực ghi bàn. Bởi vì, ghi bao nhiêu bàn cũng chưa chắc đã thắng, nhưng giữ sạch lưới thì chắc chắn không thua. Đó không phải là cổ vũ cho lối chơi tử thủ, đổ bê tông, nhưng nếu không thể là bê tông trong cả trận đấu, ít nhất cũng phải là bê tông mỗi lúc đối phương húc đầu vào, đó mới là đội bóng mạnh toàn diện. Hãy cứ nhớ về cách mà Barca lẫn Real bị loại ở Champions League mùa trước, họ có dàn sao lấp lánh đến cùng cực để lao vào các khối bê tông, nhưng khi không đủ sức phá tan nó thành từng mảnh, khi phải hứng chịu sự phản kích, họ dễ dàng choáng váng, giật mình, họ thua vì thói quen cầm gươm sát phạt, nhưng không thể dùng thành thục một chiếc lá chắn phòng thân.

Những hàng thủ trứ danh đang dần biệt tích, mà AC Milan mùa trước như là sự “giãy chết” cuối cùng. Chelsea nổi lên song họ cũng phải có khá nhiều may mắn để qua mặt Barca, họ không còn có thể là thứ “bê tông” mà Mourinho tạo ra khi ông còn ở đó. Lúc này đáng khen nhất là Arsenal, những “đứa trẻ” từng bị cho là ngây thơ, là thiếu toan tính, là bất ổn định, là công làm thủ phá, là non nớt trong việc bảo vệ thành quả, thì đây, họ mới chỉ có duy nhất 2 lần lọt lưới tại Premier League. Rất nhiều đội bóng nhỏ cũng đã chơi phòng ngự tốt hơn khi gặp các ông lớn, nhiều khi tạo cảm giác chính họ còn đỡ mong manh hơn hàng phòng ngự của các đại gia kia.

Có lẽ sự đầu tư vào hàng công, sự hào nhoáng của những màn trình diễn nửa sân phía trên đã làm nhiều đội bóng ảo tưởng về sự cân xứng trong đội hình, họ lấy thanh kiếm sắc để tràn lên trấn áp kẻ địch và nghĩ rằng sẽ không ai để ý mình có mặc áo giáp, có cầm lá chắn hay không, và dù có nhận ra cũng khó mà tận dụng được. Tất nhiên, sự thật đâu phải thế. Tạm biệt thế hệ của những Nesta, Terry, Puyol, Ferdinand, Vidic… và không biết bao giờ mới được đón chào những người mới sánh được với các anh.

00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục