Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh: 'Chấp nhận tổn thọ vì nghiệp bắn súng'

16:50 Thứ năm 08/05/2014

Xạ thủ số một thế giới nội dung 10m súng ngắn bắn hơi chia sẻ chuyện được mất và cuộc sống gia đình đằng sau những tấm Huy chương lấp lánh.

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh là người Việt Nam đầu tiên phá kỷ lục bắn súng thế giới sau 52 năm.

- Cơ duyên nào đưa anh đến với môn bắn súng?

Tôi muốn nối nghiệp bố nên năm 1991 nhập ngũ. Tiếp đó, tôi thi vào Trường sỹ quan công binh (Bình Dương), có một năm rưỡi học tập và huấn luyện tại Trường sỹ quan lục quân II (Đồng Nai). Sau khi tốt nghiệp, tôi được giao chỉ huy một đơn vị tại Lữ đoàn công binh vượt sông 239 ở Thường Tín. Chính tại nơi đây tôi đã bén duyên với bắn súng.

Là sỹ quan nên tôi thường xuyên tập bắn. Tôi bắn đủ các loại súng như CKC, K54, AK…Lãnh đạo đơn vị thấy tôi bắn tốt nên đưa vào đội để thi các giải phong trào. Năm 1998, nhờ thành tích xuất sắc tại Giải bắn súng toàn quân, tôi được chọn vào đội bắn súng của quân đội, tới năm 2001 thì gia nhập đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, tới tận năm 2004 tôi mới coi bắn súng là nghề nghiệp cuộc đời, thực sự chuyên tâm, dốc sức.

- Anh vừa có được vị trí số một thế giới trên bảng điểm của Liên đoàn bắn súng thế giới (ISSF). Mục tiêu tiếp theo của anh là gì?

- Tôi không bao giờ nghĩ vô địch World Cup hay giành vị trí số một thế giới là xong. Giành vị trí cao nhất ở giải đấu nào đó không có nghĩa là mình đã có màn thi đấu hoàn hảo, vẫn còn những điểm mà bản thân đánh giá là chưa thực sự chuẩn, phải rèn luyện thêm.

Với tôi, ngay cả khi bắn đạt 10 điểm cũng chưa có nghĩa là chuẩn không cần chỉnh. Với các vận động viên bắn súng, bắn trúng mục tiêu là chưa đủ, phải nâng việc bắn súng lên thành nghệ thuật, ví dụ như phong thái bắn, sự lạnh lùng khi bắn....

Hoàng Xuân Vinh đã giành cả trăm HC các loại trong suốt 16 năm lăn lộn với bắn súng. Hiện anh đeo quân hàm đại tá.

- Trong 16 năm gắn bó với nghiệp bắn súng, anh ngại nhất là đối thủ nào?

- Trong bắn súng, đối thủ của các xạ thủ là bản thân mình. Thắng được mình là quan trọng nhất. Giữa các vận động viên, kỹ thuật chênh nhau không nhiều, thành hay bại nằm ở khả năng chế ngự tâm lý. Khi bước vào thi đấu, trong xạ thủ luôn xuất hiện hai luồng suy nghĩ "đánh nhau", một là khó giành điểm tuyệt đối, hai là có thể giành điểm tuyệt đối. Nếu ai tâm lý vững vàng, nghĩ việc giành điểm tuyệt đối dễ thì sẽ thực hiện tốt hơn. Ở nội dung bắn súng, ăn nhau là ở yếu tố tâm lý.

- Anh đã 40 tuổi nhưng vẫn là xạ thủ số một Việt Nam. Phải chăng bắn súng Việt Nam chưa có lớp vận động viên kế cận thực sự tài năng?

- Những vận động viên trẻ bây giờ còn có quá nhiều cái khác để thích nên chưa chuyên tâm. Mà vận động viên chưa đam mê tột đỉnh thì chưa phát triển đột phá được.

Tôi khi nghỉ có thể đi chơi, uống café, hút thuốc... Nhưng khi tập huấn, thi đấu giải, tôi bỏ hết. Tôi luôn tập trung tối đa, trong đầu chỉ có bắn súng, không làm bất cứ điều gì khác. Đây là nguyên tắc mà mất rất nhiều thời gian tôi mới tập được.

Ở nhiều nước, trước khi thi đấu họ xây dựng một trường bắn trong một hẻm nhỏ, đầy đủ điều kiện ăn ở nhưng không có các dịch vụ vui thú bên ngoài. Trong vòng 3 tháng các vận động viên chỉ ở đó tập luyện, không được ra ngoài, thi thoảng gia đình mới được tới thăm. Phải tập trung cao độ như thế mới tập luyện và thi đấu tốt được.

Hoàng Xuân Vinh trong cuộc trò chuyện với VnExpress mới đây. Ảnh: Lâm Thỏa.

- Theo đánh giá của cá nhân anh, bắn súng đã mang lại cho anh những gì?

- Trong sự nghiệp của mình, điều khiến tôi sung sướng nhất là được xạ thủ các nước nể trọng. Kế đến là được các hãng súng quốc tế yêu quý tặng những khẩu chất lượng hàng đầu, có ghi tên, in hình mình sau mỗi giải đấu thành công.

Còn tiền bạc tôi không có nhiều. Ở các quốc gia khác, mỗi khi giành giải quốc tế, vận động viên được thưởng rất lớn, hàng chục hoặc hàng trăm ngàn đô-la. Thế nên khi nhìn tôi giành HCV, họ thường hỏi tôi được thưởng bao nhiêu. Tôi nói không được gì hoặc và vài trăm đô-la, họ không tin. Tôi cũng chẳng giải thích. Tiền không phải là điều tôi quan tâm nhất. Tôi là người lính, việc thi đấu, giành thành tích cao là nhiệm vụ. Ngoài ra, bắn súng là đam mê của tôi.

- Còn những thứ anh đã mất khi theo nghiệp bắn súng?

- Cái mất lớn nhất đó là thời gian dành cho gia đình. Tôi mồ côi mẹ từ khi 3 tuổi nên hiểu rõ con cái thiếu thốn tình cảm khổ thế nào. Tôi muốn dành cho cô con gái 13 tuổi và con trai 4 tuổi nhiều thời gian nhưng không thể. Là vận động viên, dự nhiều giải, tôi đi suốt, có khi cả tháng mới về nhà một lần.

Cách đây hai năm, tôi đi thi đấu tới tận 14h chiều ngày 30 Tết mới hạ cánh xuống sân bay Nội Bài. Về tới nhà là 16h, tôi dội qua người chút rồi vội vàng đưa vợ con đi sắm cành đào, làm mâm ngũ quả.

Tội nhất là vợ tôi, phải vất vả một mình chăm lo cho gia đình. Mình đi thi đấu, giành vinh quang, lên báo, lên truyền hình nhưng người phụ nữ họ đâu cần thứ đó. Cái họ cần là một người đàn ông chia sẻ mọi việc trong cuộc sống. Vợ tôi đã phải hi sinh rất nhiều để tôi theo nghiệp bắn súng.

Cái mất nữa đó là tuổi thọ. Nhiều người nhìn xạ thủ cầm súng bắn nghĩ rất đơn giản nhưng thực sự môn này rất tổn thọ. Tôi không đề cao môn đấu của mình nhưng ai học y học thì hiểu. Một xạ thủ như tôi mỗi ngày phải nâng súng 300-400 lần, phải nín thở bóp cò, nợ oxy, ảnh hưởng đến tim mạch. Chưa kể những khi thi đấu tinh thần căng thẳng cao độ. Gắn bó với bắn súng lâu sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe, ai không thực sự đam mê không theo được.

Lâm Thỏa | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục