VFF quyết nâng “chất” bóng đá phong trào

14:56 Thứ bảy 28/06/2014

Nhận thức rõ tầm quan trọng của bóng đá phong trào với ý nghĩa như “chân đế” giúp cải thiện thành tích của các đội tuyển quốc gia, VFF đã đưa ra kế hoạch cụ thể để làm tới nơi tới chốn, thay vì cứ diễn ra “ào ào” như thời gian qua…

Đằng sau sự sa sút của đội U23, đội tuyển quốc gia Việt Nam trong khoảng 4-5 năm qua, giới chuyên môn đã nhắc nhiều tới công tác đào tạo trẻ.

Những dấu ấn của Học viện bóng đá HAGL-Arsenal JMG gắn với đội U19 Việt Nam đã được thừa nhận. Nhưng ai cũng biết bóng đá nước nhà không thể chỉ trông chờ vào một mình bầu Đức với Học viện HAGL-Arsenal JMG, mà cần nhân rộng mô hình này. Quan trọng hơn là phát hiện thêm những tài năng từ bóng đá đường phố, bóng đá học đường…

VFF quyết tâm phát triển mạnh bóng đá phong trào trong những năm tới.

Tai cuộc họp Ban bóng đá phong trào VFF mở rộng 2014 sáng 28.6, ông Nguyễn Lân Trung – Phó ban phong trào VFF nói: “Giữa tháng 6 vừa qua, tôi đã dự “Cúp bóng đá Cộng đồng tại Việt Nam 2014” diễn ra ở Huế và cực kỳ ấn tượng với tiềm năng phát triển bóng đá phong trào. Giải chỉ diễn ra trong 4 ngày, các trận đấu diễn ra đồng loạt trên 37 sân với quy mô rất lớn. Chứng kiến cảnh 3.300 cháu vận động viên của 341 đội bóng (204 đội bóng U12, 117 đội bóng U15, 20 đội bóng khuyết tật đến từ 8 trung tâm bảo trợ xã hội Tỉnh Thừa Thiên Huế) và hơn 1.000 huấn luyện viên, săn sóc viên, tình nguyện viên, trọng tài, giám sát và hướng dẫn viên kỹ năng sống… diễu hành từ sân vận động Tự do đến Nhà văn hóa Trung tâm để dự lễ khai mạc mới thấy cực kỳ cảm động".

"Giá như chúng ta tổ chức được nhiều giải đấu như vậy thì chắc chắn sẽ phát hiện ra nhiều “hạt ngọc thô” giúp bóng đá nước nhà phát triển bền vững”, ông Trung bày tỏ.

Theo ông Trung, trong những năm tới, ngoài việc làm tốt những hoạt động sẵn có (tổ chức giải U10, U11, U13, giải bóng đá sinh viên, giải trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt…), VFF sẽ mở rộng nhiều mô hình hoạt động bóng đá phong trào tại các địa phương trên toàn quốc.

Nông dân chiếm 80% dân số Việt Nam nên VFF không thể bỏ qua việc phát triển bóng đá trong nông dân được. Hoạt động bóng đá đường phố cũng phải được quan tâm nhiều hơn. VFF cũng sẽ phối hợp với ngành Giáo dục đưa bóng đá học đường vào chương trình văn thể của các trường. Bên cạnh đó là các hoạt động bóng đá trong công nhân viên chức, các tổ chức doanh nghiệp… Chúng tôi sẽ cố gắng định hướng bóng đá phong trào thật quy củ, chuyên nghiệp, nâng cao về chất lượng”, ông Nguyễn Lân Trung nhấn mạnh.

Chia sẻ với ý kiến của ông Nguyễn Lân Trung, nghệ sĩ Đức Trung – Chủ tịch Hội cổ động viên Việt Nam nói: “Cổ động viên chúng tôi gồm rất nhiều người nhiệt tình, tâm huyết với bóng đá nước nhà, không hề vụ lợi. Họ không nề hà việc gì, miễn là đóng góp được tốt nhất cho bóng đá Việt Nam. Những năm qua, chúng ta làm theo cách “ăn xổi”, thiếu chiến lược dài hơi nên kết quả thu được không được như ý".

Theo nghệ sĩ Đức Trung, làm bóng đá, không thể chỉ trông chờ vào những Trung tâm như HAGL-Arsenal hay Viettel được, mà phải phát triển bóng đá phong trào rộng khắp.

"Bóng đá thế giới cũng có rất nhiều nhân tài được phát hiện từ bóng đá đường phố, chứ có qua trường này, lớp nọ đâu. VFF định hướng làm tốt bóng đá phong trào là thiết thực, đúng đắn và chắc chắn chúng tôi sẽ sát cánh. Ví dụ, có một giải bóng đá Nhi đồng tổ chức, khi VFF có lời, anh em cổ động viên chúng tôi sẵn sàng bỏ tiền túi di chuyển đến địa điểm thi đấu cổ vũ cho các cháu chơi bóng”, nghệ sĩ Đức Trung bộc bạch.
Chính Minh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục