Thầy ngoại hay thầy nội?

06:21 Chủ nhật 12/01/2014

Lâu nay, thể thao Việt Nam thường nhờ HLV nước ngoài để nuôi dưỡng giấc mơ tiếp cận các sân chơi châu Á, thế giới. Điều đó là cần thiết, nhưng suy cho cùng nó chỉ phù hợp ở một giai đoạn phát triển nhất định. Về lâu dài, việc bóng đá, điền kinh, bơi lội, cử tạ… hay nhiều môn trọng điểm khác nữa vẫn nhọc nhằn với cuộc chạy đua tìm kiếm thầy ngoại sẽ khiến nguồn nội lực bị thui chột…

Ông Zhenya Ivanov Sarandaliev - HLV trưởng đội tuyển cử tạ Việt Nam rốt cuộc cũng đã mất việc sau khi các học trò của ông không giành được tấm HCV nào ở SEA Games 27. HCV duy nhất của cử tạ ở Myanmar do lực sĩ Thạch Kim Tuấn mang về, nhưng do HLV trong nước là ông Huỳnh Hữu Chí huấn luyện.

HLV Huỳnh Hữu Chí và lực sĩ Thạch Kim Tuấn. Ảnh: NGUYỄN NHÂN

Đây đã là lần thứ ba, cử tạ Việt Nam mời rồi lại chia tay với các chuyên gia từ xứ sở hoa hồng. Trước đây, các chuyên gia Tupurov rồi Deikov cũng không trụ được lâu vì thất bại trong nỗ lực giúp lực sĩ Hoàng Anh Tuấn và Trần Lê Quốc Toàn đoạt HCV ở Asiad 2010 và Olympic London 2012.

Trong khi đó, mặc dù không được đánh giá cao, thậm chí hứng chịu nhiều sức ép, nhưng HLV Huỳnh Hữu Chí (TPHCM) vẫn có thể giúp cậu học trò Thạch Kim Tuấn thắng liên tiếp mọi giải đấu từ cấp độ Đông Nam Á, châu lục đến giải Vô địch thế giới trong năm 2013. Kim Tuấn đặc biệt thăng hoa trong năm 2013, khi đoạt HCĐ thế giới, bảo vệ tấm HCV hạng cân 56kg nam sở trường của Việt Nam tại SEA Games 27.

Không thể phủ nhận những đóng góp của các chuyên gia Bulgaria đối với cử tạ Việt Nam, vì nhờ điều đó, Hoàng Anh Tuấn mới xuất sắc đoạt HCB tại Olympic Bắc Kinh 2008. Tuy nhiên, có vẻ như những ông thầy ngoại mới chỉ thích hợp với Anh Tuấn, chưa có duyên với Quốc Toàn và Kim Tuấn sau này. Ngoài giáo án huấn luyện được lên một cách bài bản, khoa học, các chuyên gia ngoại cũng giúp thể lực của nhiều VĐV tăng tiến. Có điều, thời gian gần đây, phong độ của một số lực sĩ bất ngờ sa sút, ảnh hưởng đến cuộc chạy đua thành tích của cử tạ Việt Nam ở đấu trường quốc tế.

Đấy cũng chính là lý do khiến giới chức cử tạ Việt Nam băn khoăn với chuyện tìm chuyên gia ngoại cho đội tuyển quốc gia. Ai cũng hiểu, nếu đặt trọn vẹn niềm tin vào thầy nội, thành tích của VĐV sẽ khó mà đạt đến đỉnh điểm, nhất là khi phía trước thể thao Việt Nam đã là Asiad 17-2014 ở Incheon (Hàn Quốc). Thực tế, có một sự cách biệt đáng kể giữa trình độ huấn luyện của chuyên gia so với HLV trong nước. Trường hợp thành công của Thạch Kim Tuấn cùng HLV nội Huỳnh Hữu Chí là rất hiếm hoi.

Giới làm nghề có thể đúc kết ra một kết luận quan trọng sau rất nhiều năm thể thao Việt Nam phải sống dựa vào nguồn ngoại lực - HLV nước ngoài - chính là chúng ta chỉ thích thuê thầy ngoại theo tư duy thời vụ, nhằm giải “cơn khát” thành tích gần là chính, chứ không hề tính đến chiến lược xa, vì sự cường thịnh thực sự của nhóm môn trọng điểm như điền kinh, bơi lội, bóng đá, bóng chuyền, xe đạp, cầu lông, bóng bàn…

Đấy là lý do thể thao Việt Nam chưa từng thuê được chuyên gia, HLV nước ngoài giỏi thực sự từ châu Âu, châu Á hay châu Mỹ. Một phần, vì lý do chế độ quá thấp (chuyên gia từng và đang làm việc tại Việt Nam có mức thù lao không vượt quá 3.000 USD/tháng, trong khi để mời được HLV giỏi bơi lội, bóng chuyền, bóng bàn… thì cần mức 7.000 - 10.000 USD/tháng). Phần khác vì thể thao Việt Nam chưa thực sự cầu thị, vẫn băn khoăn không biết nên tiếp tục đi trên con đường nghiệp dư hay mạnh dạn đuổi theo giấc mơ chuyên nghiệp…

Lê Hùng | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục