Thất bại của CH Ireland: Khoảng trống lực lượng

08:12 Thứ hai 11/06/2012

Một hệ thống được xây dựng, củng cố, hoàn thiện trong 4 năm tan vỡ chỉ trong một đêm. Trapattoni bàng hoàng, các cầu thủ bàng hoàng, người Ireland bàng hoàng. Có lẽ, tới cả lúc này, họ vẫn chưa hiểu tại sao đội bóng của mình lại dễ dàng sụp đổ tới vậy trước Croatia.

4 năm, nên nhớ, Trapattoni đã có tới 4 năm dẫn dắt đội tuyển CH Ireland. Triết lý bóng đá của ông, tư tưởng của ông, lối đá phòng ngự phản công đơn giản, chú trọng thể lực, bóng bổng và tốc độ đã ăn sâu vào tinh thần mỗi cầu thủ. Tại sao một đội bóng đã quá “thuộc bài” như thế, từng kinh qua cả một chiến dịch vòng loại xuất sắc lại dễ dàng sụp đổ đến vậy trước một đối thủ không quá mạnh ngay trong trận mở màn tại EURO?

Câu trả lời chính có lẽ nằm ở phong cách chơi bóng của hai đội. EURO 2012 đã đi qua được 6 trận đấu. Chúng ta đã được chứng kiến khá nhiều cuộc đối đầu thú vị của 2 trường phái: tấn công và phòng ngự. Điển hình là các trận Hy Lạp – Ba Lan, Hà Lan – Đan Mạch, Italia – Tây Ban Nha. Điểm chung trong các cuộc đối đầu này là đội bóng mạnh hơn thường là đội thiên về kĩ thuật, chơi bóng ngắn, cầm bóng nhiều, chủ động tấn công từ đầu trận; đội yếu hơn chơi thiên về thể lực, đá bóng dài, chơi dãn biên, chú trọng phòng ngự - phản công. Thành công của Chelsea tại Champions League mùa giải này và việc ngày càng có nhiều những đội bóng chơi theo phong cách Latin, bóng ngắn và kĩ thuật (ảnh hưởng từ thành công của Barca trong những năm qua) đang tạo ra những cuộc đối đầu “Barca – Chelsea phẩy”. Khuynh hướng đó đang xuất hiện và hiện hữu rõ ràng tại EURO 2012.

CH Irealnd nhận thất bại tâm phục khẩu phục - Ảnh: Getty

Các đội bóng mạnh nhìn thấy một con đường để đi tới vinh quang (giống như cái cách mà Barca đã làm được). Các đội bóng có nền tảng yếu hơn nhìn thấy một phương thức để đánh bại các đối thủ được đánh giá cao hơn mình. Lối chơi phòng ngự phản công – thể lực – bóng dài vì thế trở thành thứ mốt thời thượng cho các đội bóng tại EURO. Hy Lạp, Đan Mạch và Italia, 3 đội bóng lựa chọn lối đá phòng ngự đều đã giành được các kết quả tích cực trong trận đấu của mình, chỉ có CH Ireland là thất bại, tại sao vậy?

Nguyên nhân nằm ở yếu tố con người. Trận thua trước Croatia đêm qua cho thấy những lỗ hổng về mặt lực lượng không thể che giấu của CH Ireland, từng được những chiến thắng tưng bừng ở vòng loại phần nào che giấu. Trung vệ xuất sắc nhất của họ, Richard Dunne, đã sa sút rất nhiều so với hình ảnh của chính anh thời còn ở Man City. O’Shea vẫn tỏ ra quá chậm chạp trong khi các tên tuổi khác đơn giản là không ở cùng đẳng cấp với các mũi nhọn bên phía Croatia. Quan trọng hơn, CH Ireland thua trước hết là trong cuộc đối đầu ở tuyến giữa. Hàng tiền vệ của họ tỏ ra quá yếu đuối trong việc hỗ trợ phòng ngự trong khi hai cánh gần như không tạo được áp lực cần thiết lên các tiền vệ cánh của Croatia. Hy Lạp, Đan Mạch, Italia cũng sở hữu lực lượng yếu hơn đối thủ. Nhưng điều quan trọng là nhân sự hiện có của họ đủ và phù hợp với lối chơi họ đã chọn. Nó khác hẳn với tình hình nhân sự khá nghèo nàn của CH Ireland.

2/3 bàn thua của CH Ireland xuất phát từ các pha bóng ở cánh. Bi kịch hơn, đó đều là các tình huống lật cánh đánh đầu, thứ vốn được coi là sở trường của đội bóng này. Sự khác biệt cơ bản trong cuộc đối đầu giữa hai đội bóng trong trận đấu đêm qua là ở chất lượng con người. Modirc, Rakitic, Jelavic, Srna… hiện ở một đẳng cấp hơn hẳn các cầu thủ CH Ireland. Sự vượt trội về chất lượng đội hình cho phép Croatia triển khai và thực hiện hoàn hảo lối chơi mà HLV Bilic muốn. Còn nhớ, trước trận đấu, chiến lược gia này từng nói: “Thế hệ hiện tại (của Croatia) có tiềm năng giành được những thành tựu lớn”. Thực tế trận đấu đã chứng minh đó không phải là một lời nói suông.

Yếu tố kinh nghiệm cũng là điều cần phải được bàn đến. Cả 3 bàn thua của CH Ireland đều đến vào các thời điểm đầu và cuối mỗi hiệp (phút thứ 3, 43 và 48). Một đội bóng bản lĩnh và giàu kinh nghiệm trận mạc sẽ không nhận các bàn thua ở những thời điểm đó. Nó phản ánh sức tập trung và sự non nớt của hàng thủ CH Ireland. Họ có thể chơi rất tốt ở vòng loại trước các đối thủ nhược tiểu, nhưng khi tiến vào vòng chung kết. Sự khác biệt đã ngay lập tức bộc lộ rõ ràng.

Thất bại trước Croatia với những điểm yếu bị phô bày hàng loạt cho thấy đội bóng của Trapattoni còn rất nhiều việc phải làm. Xin đừng kì vọng nhiều hơn ở họ vì hai đối thủ phía trước còn mạnh hơn cả Croatia. Với Croatia, chiến thắng này không chỉ giúp họ leo lên ngôi đầu bảng, nó còn là lời khẳng định và thách thức gửi tới Tây Ban Nha và Italia: Croatia sẽ không cam chịu làm “kẻ lót đường”.
Minh Chiến | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục