Sức trẻ làm nên vị thế Việt Nam

17:04 Chủ nhật 02/02/2014

SEA Games đã có những chuyển dịch cơ bản, từ việc cạnh tranh vị trí trên bảng xếp hạng, đến nay chất lượng những tấm huy chương đã được đầu tư. Thành tích ở những môn thi có mặt trong chương trình Asiad, Olympic dần trở thành thước đo để khẳng định tầm vóc của một nền thể thao. Với SEA Games 27, thể thao Việt Nam giới thiệu và khẳng định được hai điều: Sức trẻ đã làm nên vị thế Việt Nam.

Bản lĩnh và “vàng 10” ở SEA Games

Có những tấm HCV gây xúc động rất mạnh với những câu chuyện mà chỉ khi VĐV đứng trên bục nhận HCV mới được chính họ, đồng đội hoặc các thầy tiết lộ.

Marathon là một nội dung quen thuộc với quãng đường dài hơn 42 km là thử thách thực sự với giới hạn chịu đựng của khả năng con người. Anh lính Hy Lạp từng băng qua khoảng cách này để báo tin thắng trận rồi chết đi vì kiệt sức. Người Hy Lạp nơi khai sinh ra Olympic cổ đại đã coi nội dung thi này như một cách để tôn vinh giá trị của con người.

Phạm Thị Bình chiến thắng

Ở SEA Games 27, người ta lại thấy hình ảnh ấy trong một cô gái gầy gò người Quảng Bình có tên Phạm Thị Bình. 42 km, Phạm Thị Bình chạy chân trần như vốn rất quen thuộc trên những con đường ở miền Trung đầy nắng gió. Marathon là nội dung vất vả khổ cực và chỉ dành cho những con người có ý chí sắt đá. Với Bình, cuộc đời và thể thao còn nghiệt ngã hơn thế. “Đã có lúc tôi nghĩ rằng một lúc nào đó, tôi cũng như anh lính kia, báo tin thắng trận xong thì… gục ngã" - Bình cười tươi. Đúng là đã có những thời điểm Phạm Thị Bình suy sụp khi nhận được tin dữ từ bác sĩ: Cô mắc một chứng bệnh về tim và trái tim ấy có thể ngừng đập bất cứ khi nào. Ấy thế mà Bình vẫn đứng vững, thật may mắn cô được một nhà hảo tâm tài trợ mổ tim. Bình mang trong mình quả tim có vết sẹo từ lần phẫu thuật ấy, tiếp tục âm thầm chiến đấu với nội dung thể thao khắc nghiệt như marathon.

Cái ngày Bình bước lên bục vinh quang ở SEA Games 27, cô giữ khư khư lá cờ đỏ sao vàng trên vai, đôi mắt đầy vẻ tự hào. “Người lính chạy marathon” Phạm Thị Bình đã báo được tin thắng trận nhưng không gục ngã và từ sân chơi SEA Games này cô sẽ tiếp tục mang hình ảnh, ý chí Việt Nam tới những cuộc thi lớn hơn.

Hãy nhìn vào Phạm Thị Bình, hay Kim Tuấn - nhà vô địch cử tạ SEA Games. Thạch Kim Tuấn là trường hợp khá đặc biệt - nổi danh ở đấu trường Châu Á và thế giới trước khi đến SEA Games. Thành tích của Tuấn khiến đối thủ sợ và định…bỏ chạy bằng cách không đăng ký thi đấu.

Nhìn Tuấn phong thái đĩnh đạc trên sàn đấu, không ai biết rằng để có được bản lĩnh ấy, Thạch Kim Tuấn đã phải tự rèn cho mình bản lĩnh sắt đá. “Sắt đá có đầy đủ trong tên em" - Thạch Kim Tuấn đã vui vẻ nói như vậy. Mồ côi mẹ từ năm lên 3, cậu bé Kim Tuấn được chị cả đưa lên TPHCM kiếm kế sinh nhai. Tuấn từng bán vé số, bán sữa đậu nành, đẩy xe trái cây và đến lớp 6 phải nghỉ học giữa chừng. Cuộc đời Tuấn tưởng chừng chỉ gánh ve chai, đẩy xe trái cây đến… hết đời thì anh gặp thầy Huỳnh Hữu Chí, ông thầy này đã nhìn thấy nội lực của Tuấn và đưa Tuấn vào con đường cử tạ.

Sau khi thành công từ các giải trẻ và Olympic trẻ thì rắc rối nảy sinh khi Tuấn bỗng… tăng chiều cao ở tuổi 17 và có vẻ như không còn phù hợp với hạng cân 56 kg. Đây cũng là hạng cân mà Việt Nam đã có những Hoàng Anh Tuấn, Quốc Toàn. Đó là một thử thách thực sự bởi nếu chơi ở hạng cân lớn hơn, Thạch Kim Tuấn sẽ… không là gì cả. Ý chí vun đắp từ những năm nghèo khó và sự động viên của ông thầy đã làm Tuấn vững tâm cho dù luôn phải hành xác với những đợt ép cân.

Thạch Kim Tuấn với một sự đĩnh đạc khó tin đã đoạt HCV cử tạ và phá hai kỷ lục SEA Games. Phải chứng kiến tận mắt nỗ lực bám đuổi của Tuấn khiến cho một đối thủ người Indonesia bị "chuột rút" và một đối thủ khác choáng ngất mới thấy đẳng cấp của Tuấn đã vượt xa đấu trường khu vực.

Thanh Phúc về đích.

Trong việc thể hiện bản lĩnh Việt Nam, cần nhắc đến Nguyễn Thanh Phúc - cô gái môn đi bộ 20km. Cũng giống môn marathon, đi bộ 20 km là môn thể thao khắc nghiệt. Phúc không đoạt HCV mà chỉ có HCB, nhưng cô gái 21 tuổi này lại làm người hâm mộ Việt Nam xúc động bởi những giọt nước mắt. Phúc đã quyết tâm không gian lận như đối thủ của mình và chấp nhận HCB. Với người hâm mộ Việt Nam, Nguyễn Thanh Phúc - cô gái đã từng “đi bộ” từ Việt Nam tới Olympic London vẫn chứng tỏ được bản lĩnh - dù chỉ có HCB nhưng cô đã có tấm HCV trong lòng người hâm mộ.

Sóng biển giữa ao làng

SEA Games ở khía cạnh nào đó vẫn cho thấy hình ảnh của một hội làng với chuyện xử ép, chuyện chủ nhà cố đoạt HCV bằng mọi cách. Thế nhưng trong sân chơi vẫn còn được gọi là “ao làng” vẫn có những cơn sóng biển.

Cơn sóng thứ nhất mang tên Ánh Viên. Ánh Viên có một cơ thể đặc biệt phù hợp với môn bơi: Sải tay dài, bàn tay, bàn chân to. Thế nhưng điều kinh ngạc với cô gái 17 tuổi này chính là sự tự tin ở đường đua xanh. Ánh Viên từng dự Olympic, từng được chính huyền thoại bơi lội người Mỹ Michael Phelps nhận định: “Cô ấy (Ánh Viên- PV) sẽ là một nàng tiên cá của Việt Nam và Châu Á”.

Michael Phelps không nói ngoại giao mà đã nhìn ra bản lĩnh, tố chất và khả năng của Viên. Trước SEA Games 27, Ánh Viên lập kỷ lục khó tin là đoạt tổng cộng 142 huy chương các loại, trong đó có 78 HCV. Năm 2013, tay bơi trẻ này đã có chuỗi thành tích đáng ghi vào kỷ lục: Chỉ từ tháng 6.2013 đến tháng 8.2013, Ánh Viên đã có 23 HCV và 5 HCB tại các giải vô địch nhóm tuổi ĐNÁ, Đại hội thể thao học sinh ĐNÁ, Đại hội TDTT trong nhà Châu Á và Đại hội thể thao trẻ Châu Á.

Với 3 HCV SEA Games, Ánh Viên nâng con số HCV trong sự nghiệp lên tới 81 chiếc khi cô mới 17 tuổi.

Ánh Viên thực sự là cơn sóng biển trên đường đua xanh ở SEA Games với những tấm HCV, những kỷ lục SEA Games mới thiết lập. Thế nhưng sân chơi SEA Games, với tài năng của Ánh Viên chỉ là những bước đệm để cô tiếp tục…tạo sóng ở đấu trường Châu Á và Olympic.

Và cũng không nên quên câu chuyện của tay bơi 16 tuổi Lâm Quang Nhật ở đường bơi 1500 mét nam. Nhật là “cơn sóng lạ” mới vào đội tuyển năm 2013 và ngay lần đầu tiên đã đoạt HCV.

Nói theo cách của nhà phân tích thể thao Nguyễn Hồng Minh: “Chiến công của Quý Phước, Quang Nhật và đặc biệt là ngôi sao Ánh Viên là một cột mốc lịch sử không chỉ cho bơi lội mà còn cho cả thể thao Việt Nam. Thành quả của môn bơi cũng chứng minh rằng nếu có quyết tâm, bền bỉ, gắn với cách nghĩ, cách làm theo chuẩn quốc tế chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra những tài năng đủ sức vươn tới những tầm cao châu lục và thế giới ở các môn cơ bản Olympic”.

Bơi lội, điền kinh, cử tạ là những môn cơ bản của Olympic, chính thành tích mà các VĐV trẻ đã đạt được thể hiện đậm nét qua tinh thần thi đấu, bản lĩnh Việt đã mang lại niềm hy vọng lớn và góp phần tạo nên vị thế Việt Nam, không chỉ ở sân chơi thể thao.

Hoàng Bách | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục