Phải hướng tới sự công bằng, nghiêm minh trên sân cỏ

21:12 Thứ bảy 24/03/2012

Ở vòng 10 vừa qua, những vụ lùm xùm về chuyện trọng tài phạt thẻ đỏ nhân viên y tế và ban huấn luyện đội bóng LS. Thanh Hoá, rồi việc cầu thủ trẻ Danh Ngọc (V.Ninh Bình) có những lời lẽ “vô văn hoá” đối với trọng tài, đang là đề tài “nóng” trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Cần phải có những chế tài nghiêm khắc để giải đấu ngày càng hấp dẫn và được người hâm mộ đón nhận. Ảnh: Xuân Gụ

Tuy nhiên, phải tới bốn ngày sau khi kết thúc lượt trận, VFF mới đưa ra quyết định kỷ luật mà cũng chỉ là phạt cho có. Lẽ ra, phải có hành động mạnh tay hơn với các trường hợp kể trên bởi đó mới là nguồn gốc của bạo lực và hành vi phi thể thao trên sân cỏ. Nếu không xử lý nghiêm minh những hành vi trên, không ai dám bảo đảm ở những vòng đấu tiếp sau, giải V.League sẽ không xảy ra những tình huống tương tự.

Bằng chứng, ở vòng 10 vừa kết thúc đã có đến 5 đội bóng đang chơi ở giải V.League bày tỏ thái độ không đồng tình với quyết định mà các trọng tài đưa ra gồm: B. Bình Dương, K. Kiên Giang, Thanh Hóa, Sài Gòn FC, V. Ninh Bình. Phải làm nhiệm vụ trong điều kiện bị dư luận “soi”, số lượng thẻ đỏ và thẻ vàng ở vòng đấu vừa qua đã tăng đột biến, nhưng lại không khiến các CLB “tâm phục, khẩu phục”.

Điểm đáng chú ý ở vòng 10, trận cầu giữa K.Kiên Giang và LS. Thanh Hóa, trọng tài Hoàng Phạm Công Khanh điều hành trận đấu không có sai sót lớn, nhưng ở những phút cuối trận, trọng tài Khanh để lại một sự cố hy hữu khi rút thẻ đỏ cho nhân viên khiêng cáng và một thẻ đỏ cho một quan chức của đội khách (Phó chủ tịch CLB Thanh Hóa, Nguyễn Trọng Hoài). Việc phạt nhân viên và quan chức của đội khách của trọng tài Khanh là sai luật, bởi trong điều lệ giải không hề quy định.

Còn tại sân Ninh Bình, cầu thủ Danh Ngọc của CLB V.Ninh Bình đã bị truất quyền thi đấu phút 87 vì bị thẻ vàng thứ 2, sau khi trọng tài Ngô Quốc Hưng nhận định cầu thủ này đã cố tình ngã trong vòng cấm. Trên băng hình của VTV3 cho thấy, Danh Ngọc đã phản ứng với trọng tài bằng thái độ rất phản cảm. Tuy nhiên, sau khi xem lại băng ghi hình, Ban Kỷ luật lại cho rằng, vì không nghe rõ những câu nói của Danh Ngọc cũng như không có băng ghi âm ghi lại tiếng chửi nên chưa thể đưa ra hình thức xử lý.

Danh Ngọc còn trẻ, nhưng rất hay mắc lỗi, đáng nhẽ mỗi khi được vào sân thi đấu, cầu thủ này cần phải thể hiện trình độ và thái độ chuyên nghiệp của mình, nhưng không, cầu thủ này vẫn “chứng nào tật ấy”. Còn nhớ cách đây 3 năm, khi khoác áo Nam Định, cầu thủ này đã từng bị treo giò 6 trận ở mùa 2009 vì đưa “ngón tay thối” về phía CĐV Thể Công.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến những sự cố trên là thái độ rất thiếu chuyên nghiệp từ lãnh đạo đội bóng đến cá nhân các cầu thủ thi đấu trên sân. Ở giải V.League bây giờ đang có một “thói quen xấu” đó là: Khi đội bóng của mình bị thua, người ta thường đổ lỗi cho trọng tài “thiên vị” đối phương. Trọng tài cũng hay bị xem là nguồn cơn của mọi rắc rối trên sân cỏ, nên người ta lại dễ bỏ qua những thứ có thể xem là nguồn cơn cho sự xuống cấp về chất lượng của nền bóng đá. Đó là thái độ thiếu văn hóa, những hành vi thiếu đạo đức trên sân cỏ của cầu thủ trẻ, cần phải có sự răn đe để ngăn ngừa tái phạm trong tương lai.

Cả hai trận đấu trên đã có những nhân tố làm xấu hình ảnh của bóng đá Việt Nam, đặc biệt là hành động của cầu thủ trẻ Danh Ngọc đáng bị lên án.

Rất cần có những án phạt thích đáng dành cho cầu thủ lẫn đội bóng khi có hành động phi thể thao, đồng thời đây cũng là biện pháp tạo sự nghiêm minh và công bằng trên sân cỏ.
V.Phong | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục