Ở tuổi 20, Premier League vẫn là "con gà đẻ trứng Vàng"

10:46 Thứ tư 17/10/2012

Premier League thay đổi thế nào sau 20 năm phát triển, kể từ khi giải này ra đời vào năm 1992?

Premiership vẫn là giải đấu phát triển mạnh và thành công nhất thế giới về tài chính

SỨC HÚT KIM TIỀN…

Dĩ nhiên thay đổi rất nhiều, ở nhiều lĩnh vực. Nhưng chung quy, tất cả đều liên quan tới tiền. Một ví dụ nhỏ: kể cả khi bóng đá Anh bàn về một vấn đề tưởng như chỉ thuộc lĩnh vực chuyên môn, là vì sao ĐT Anh thường chỉ thể hiện được hình ảnh thảm hại so với kỳ World Cup gần nhất trước khi Premier League ra đời, nguyên nhân bao trùm cũng vẫn là tiền.

Premier League ra đời vì sự bức bách về quyền lợi tài chính của các đội bóng thuộc đẳng cấp cao nhất trong làng bóng Anh. Giá bản quyền truyền hình tăng vọt cùng sức ảnh hưởng ở phạm vi toàn cầu giúp các CLB xứ sương mù có khả năng trả lương cao hơn bất cứ nơi nào khác. Hệ quả là ngôi sao khắp nơi đổ dồn đến Premier League.

Năm 1999, Chelsea trở thành đội bóng đầu tiên đưa ra sân đội hình chính gồm toàn bộ 11 cầu thủ nước ngoài. Năm 2005, Arsenal trở thành đội đầu tiên đưa ra bản danh sách thi đấu gồm toàn bộ 16 cầu thủ nước ngoài (cả chính thức lẫn dự bị). Bây giờ, chỉ có 35% tổng số cầu thủ ở Premier League là người Anh. Ngay cả giải Championship cũng chỉ có 70% cầu thủ nội. “Tam sư” lấy đâu ra nguồn tuyển chọn để trở thành ƯCV vô địch World Cup?

… ĐỒNG NGHĨA ÁP LỰC CHI TIÊU

22 đội bóng góp mặt ở mùa giải đầu tiên của Premier League (Premier League mùa 1992/93 có 22 đội), chỉ có 7 đội vẫn đứng vững ở đẳng cấp cao nhất trong suốt 20 năm qua. Wimbledon phá sản 4 năm sau khi rớt hạng. Leeds, Coventry, Ipswich, Southampton, Crystal Palace, Sheffield Wednesday cũng đều bị đẩy đến sát bờ vực cáo chung.

Đấy tất nhiên là những trường hợp rõ ràng cho thấy Premier League rất khắc nghiệt: thu nhiều thì chi cũng nhiều. Nhưng nhìn chung, đây vẫn là giải đấu lớn nhất, phát triển mạnh nhất và thành công nhất thế giới về tài chính. Từ năm 1992 đến năm 2008, doanh số của các CLB ở Premier League tăng đều ở mức 16%/năm. Kinh tế của nước Anh nói chung chỉ tăng 5,4% ở khoảng thời gian ấy.

Bây giờ, Premier League không còn là của riêng nước Anh với thị trường chỉ khoảng 50 triệu người. Đấy là giải đấu của cả thế giới, với nguồn lợi bản quyền và kinh doanh được phát huy trên khắp thế giới. Mùa 2010/11, Premier League đạt doanh thu khoảng 2 tỷ bảng, và dĩ nhiên là giải VĐQG doanh số cao nhất thế giới. Giải VĐQG đứng nhì về doanh số khi ấy là Bundesliga, với doanh thu 620 triệu bảng - chưa bằng 1/3 Premier League.

Bao năm nay, đã có cơ man những cuộc tranh cãi xoay quanh vấn đề tiền bạc ở Premier League. Nhưng tóm lại, có cầu mới có cung. Người ta có thể thích hoặc ghét, chê hoặc khen, nhưng chẳng ai quay lưng với Premier League. Số lượng khán giả đến sân luôn vượt qua 90% sức chứa tối đa của các sân bóng, suốt 15 năm nay, dù giá vé không rẻ chút nào. Giá vé mùa của Arsenal đã tăng từ 476 bảng lên đến 985 bảng, vé mùa của M.U thì tăng từ 280 bảng đến 530 bảng... Giá bản quyền tăng bình quân 13%/năm và tiền thu từ việc kinh doanh sản phẩm cũng tăng bình quân 18%/năm.
Kinh Thi | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục