Nhà vô địch Trương Minh Sang: Từ trẻ em đường phố đến HLV TDDC

15:15 Thứ bảy 14/01/2012

Sau khi đoạt HCV đồng đội nam và HCĐ cá nhân tại SEA Games 26-2011, VĐV Trương Minh Sang đã giã từ sàn đấu. Trải qua 20 năm gian khổ cùng môn TDDC, từ đầu năm 2012, cậu bé bán kẹo cao su ngày nào nay đã trở thành HLV đội dự tuyển TDDC TPHCM và đội dự tuyển quốc gia.

VĐV Trương Minh Sang. Ảnh: T.L.

Trước năm 1975, ba mẹ Minh Sang sinh sống bằng nghề buôn bán, có nhà cửa đàng hoàng ở bến Chương Dương, Sài Gòn… Năm 1976, gia đình hồi hương về Vĩnh Long và chẳng may cha qua đời khi Minh Sang chưa kịp thôi nôi. Khó khăn chồng chất, mẹ cậu cùng 8 người con đã quay lại TPHCM, mưu sinh bằng những phong kẹo cao su, những tập vé số, gánh hủ tiếu, xe nước mía và tối đến trú chân dưới tấm bạt ở vỉa hè đường Hàm Nghi.

Hình như trong cái rủi cũng có cái may. Trong một lần tránh mưa, cậu gặp một người nước ngoài tên Nicolas đi cùng với một người bạn Việt Nam. Thấy Sang co ro nơi góc phố, 2 người hỏi thăm gia cảnh rồi giới thiệu 4 anh chị em cậu vào Trường Vừa học vừa làm 15 tháng 5 ở phường Nguyễn Cư Trinh, đường Nguyễn Trãi, Q.1. Năm đó, Minh Sang đã lên 8 tuổi.

Anh hồi tưởng: “Tại trường này, em đã được thầy Nguyễn Văn Tần (Hiệu trưởng), thầy Nguyễn Văn Chinh, cô Danh… chăm sóc rất chu đáo và bắt đầu được học chữ, học nghề in lụa. Đến tận bây giờ em vẫn không quên hình ảnh cô Danh dẫn em đi tắm, lau đầu, lau mình cho em và đưa em đi ăn cơm… Ban ngày học ở trường, tối đến em lại trở về vỉa hè Hàm Nghi…”.

Hai năm sau, (1992) trong một lần CLB Thể dục Trần Hưng Đạo tuyển lớp năng khiếu và anh đã lọt vào tầm ngắm của BHL. Cách nay vài năm, HLV Trần Kim Long - người từng nhiều năm trực tiếp hướng dẫn Minh Sang cho biết: “Sang hiền hậu, cần cù, chịu khó luyện tập. Mỗi khi gặp những động tác khó, Minh Sang cặm cụi tập thêm ngoài giờ để hoàn thiện. Trong số 21 VĐV năng khiếu mà chúng tôi tuyển chọn đợt đó, đến nay chỉ còn Sang kiên trì bám trụ”.

Đối với Minh Sang:”Tập TDDC rất cực nhọc, chỉ lơ là một chút có thể dẫn đến chấn thương. Bản thân em cũng từng bị chấn thương nhiều lần nên đôi lúc cũng muốn bỏ cuộc. Tuy nhiên, được sự động viên của thầy Long, thầy Thiện, thầy Tiến, thầy Hiền…, em đã cố gắng nhiều hơn vì đâu có thành công nào mà không lắm gian nan!”. Trở thành VĐV đội DTQG, từ năm 2002 đến nay, Sang đã “đóng đô” ở Nhổn và mỗi năm chỉ về thăm nhà vào dịp lễ, tết.

Chỉ nhận HCB tại SEA Games 22 (2003) trên sân nhà, Minh Sang càng nỗ lực nhiều hơn. Nhưng đầu năm 2005, anh lại bị chấn thương khớp cổ tay phải. Gần 5 tháng trời, Minh Sang vừa tiêm thuốc, tập vật lý trị liệu và vừa tập nhẹ theo giáo án riêng. Anh hồi tưởng: “Lúc đó, em tự hỏi hồi năm 2001 mình bị chấn thương nặng hơn mà vẫn vượt qua thì tại sao lần này lại không? Suy nghĩ như thế nên em lấy lại sự tự tin. Và khi chấn thương thuyên giảm, em liền lao vào tập luyện với cường độ cao hơn để theo kịp đồng đội”. Nỗ lực của anh đã được đền bù bằng chiếc HCV ngựa vòng tại SEA Games 25 ở Philippines.

“Qua cơn bĩ cực”, năm 2006, gia đình Minh Sang được nhập hộ khẩu vào nhà người cha nuôi là ông Trương Lâm Thanh, riêng bản thân anh cũng được tuyển thẳng vào Đại học TDTT Bắc Ninh và đã tốt nghiệp loại giỏi hồi năm 2010. Là người con có hiếu, giờ đây, tuy đã thành đạt, nhưng Minh Sang không giấu được nỗi băn khoăn: “Trong thời gian gia đình em sống vất vưởng nơi vỉa hè, có một cha xứ người Canada nhận anh trai của em làm con nuôi đồng thời cho một số tiền. Số tiền này cộng với tiền ky cóp được, gia đình em đã mua một căn nhà nhỏ ở Q.4, TPHCM. Nhưng rồi chẳng may mẹ em bị bệnh nặng, tiền thuốc men gần cả triệu mỗi ngày nên gia đình đành phải bán nhà để lo chữa trị và phải ở nhà thuê. Năm 2007, theo đề nghị của Sở TDTT TPHCM, em được Sở Nhà đất cho thuê một căn hộ ở chung cư An Sương (Q.12) với giá thấp”.

Trầm ngâm một chút, Minh Sang ao ước: “Mong muốn của em là được mua luôn căn hộ này với giá rẻ một chút để gia đình được an cư thật sự”.

Còn nhớ hồi đầu năm 2006, khi về thăm trường cũ lần thứ 4, ngoài bộ tranh “Tứ quý” gọi là chút quà lưu niệm, anh còn gởi lại lời hứa: “Khi trở thành HLV, trường này sẽ là nơi đầu tiên em đến để tìm kiếm tài năng”. Thấm thía nỗi khó khăn, cơ cực của những trẻ em đường phố, Minh Sang hiểu mình có trách nhiệm góp phần đào tạo thêm “nhiều Trương Minh Sang” cho xã hội. Phải chăng đó chính là lời cám ơn thiết thực nhất của anh dành cho những người đã chung tay góp sức để có được “một Trương Minh Sang” hôm nay!

Thiện Tâm | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục