Lăng kính: Mới chỉ là mở màn

07:57 Thứ năm 19/07/2012

Bao nhiêu thập niên rồi, chưa một biến cố nào, kể cả cơn sóng dữ Calciopoli, lại khiến cho những CĐV Milan phải lo lắng đến thế. Sự tháo chạy của những ngôi sao ưu tú nhất về phía Paris phồn thịnh gợi họ về một dự cảm không mấy tốt lành. Phải chăng, điểm tận cùng mang tên địa ngục (inferno) của Milan đã tới?

1. Phải chăng, một kỷ nguyên vàng son của Milan đã chấm dứt hoàn toàn vì cơn suy kiệt của nền kinh tế Italia nói chung và của chính Milan nói riêng?

Thật ra thì những lo lắng đó chỉ là tâm lý bi quan thái quá thông thường trước những biến đổi không mấy trông đợi mà thôi. Milan buộc phải bán Silva và Ibra để cứu rỗi chính mình. Khi mà Nesta, Inzaghi, Seedorf, Gattuso, Pirlo… lần lượt ra đi, điều đó đồng nghĩa với việc một thế hệ cũ coi như đã chấm dứt sứ mệnh lịch sử của mình. Milan cần xây dựng một thế hệ mới, với những nghĩa vụ mới và để làm điều đó, họ cần phải bán Ibra, Silva để có ngân sách mua sắm đủ đáp ứng được yêu cầu cấp bách của cuộc tái thiết này.

2. Những vấn đề đổi thay thế hệ của một đội bóng như ở Milan hôm nay vẫn là những chuyện thường ngày mà mỗi đội bóng lớn hay nhỏ đều phải đối diện trong vòng đời của mình. Nhưng chuyện ở Milan lại không chỉ nằm ở sự đổi thay ấy mà còn nằm ở chỗ khác. Nói khác hơn, nó nằm ở một cá nhân duy nhất: ông chủ Berlusconi.

Berlusconi mang lại cho Milan rất nhiều nhưng ông cũng lấy đi của nó tất cả. Milan chưa bao giờ là một CLB có được sự phát triển cân bằng trên mọi khía cạnh và tài chính luôn là vấn đề nổi cộm nhất của họ suốt 26 năm cầm quyền của Berlusconi. Nói tóm lại, ở đẳng cấp thương hiệu toàn cầu của mình, việc Milan không phải là CLB kiếm tiền hàng đầu như M.U, Arsenal của Anh rõ ràng là một minh chứng cho thấy, Berlusconi chỉ “chơi” với Milan chứ không phải ông đã “xây dựng” nó một cách nghiêm túc.

Và với những gì mà Berlusconi đã làm, có thể nói, Milan là một nạn nhân của Berlusconi sau khi đã nhận từ ông khá nhiều ân sủng.

3. Song Milan lại không phải là nạn nhân duy nhất của Berlusconi. Tất cả các CLB Italia đều là nạn nhân của ông chủ tịch ham chơi bậc nhất bóng đá châu Âu. Suốt cả một thời kỳ dài cầm nắm vận mệnh Italia, Berlusconi đã làm được gì? Từ một đất nước kinh tế sung túc, Italia phải ngửa tay đi xin cứu trợ tài chính từ những nước giàu hơn như Đức, Pháp không khác gì một Hy Lạp kiệt quệ. Mà khi nền kinh tế đã trì trệ đến thế, bóng đá phát triển được mới lạ.

Serie A thời kỳ thập niên 80 từng là thiên đường của châu Âu với mức lương khủng nhất. Nhưng bây giờ, điều đó chỉ còn là viễn tưởng. Và đau đớn hơn, sự thoái trào của Milan và Serie A lúc này thực ra mới chỉ là mở màn cho cả chuỗi hậu quả tệ hại kéo dài ít nhất từ 3-5 năm nữa trong tương lai. Nó như là phần Inferno trong Thần khúc địa ngục của Dante với câu “Đừng hy vọng gì nữa khi ngươi đã đặt chân tới đây (địa ngục)”. Serie A đã đặt chân vào địa ngục của sự suy thoái kinh tế trầm trọng và hậu quả lâu dài sẽ còn mang lại cho họ nhiều cái tát chóng mặt.

Tất nhiên, sẽ vẫn có người bênh vực Berlusconi nhân danh tình yêu ông dành cho Milan. Nhưng nên nhớ, không phải cứ nhân danh tình yêu là dẫu có làm gì cũng đúng đắn, nhất là khi tình yêu ấy được xây dựng từ cơ sở người tình muốn đánh bóng cho chính hình ảnh tình si của bản thân mình…

Hà Quang Minh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục