Lăng kính: Chelsea phí phạm "ngọc thô"

17:47 Thứ bảy 10/03/2012

Nhiều năm nay, Roman Abramovich vẫn đầu tư không hề ít cho "lò" đào tạo trẻ của Chelsea, nhưng bệnh "ngứa mắt" với các HLV đã khiến chẳng kế hoạch dài hơi nào được thực hiện.

1.Vực dậy tinh thần và phong độ thi đấu cho đội 1 không phải là nhiệm vụ duy nhất của người sẽ kế nhiệm Andre Villas-Boas. Chelsea còn một vỉa quặng lớn nữa cần đến người khai mỏ: Học viện đào tạo trẻ.

Roman Abramovich nhiều năm nay chịu mang tiếng là không quyết tâm xây dựng mô hình phát triển bền vững. Nhưng thực chất ông cũng đã dụng nhiều công sức và tiền bạc cho việc đó. Học viện Chelsea bây giờ vẫn đầy ắp “ngọc thô” đắt tiền.

Quyết tâm đến mức trong bối cảnh “rối như tơ vò” này, ngay trong ngày hôm qua, Chelsea vẫn bỏ ra 1,7 triệu bảng phí đào tạo để có được thủ môn đội tuyển U17 Italia, Luca Savelloni. Đó là số tiền mà những đội bóng hạng trung như Bolton hay Fulham chi ra để sở hữu một cầu thủ đội 1.

Hợp đồng ấy nâng tổng chi phí dành cho Học viện đào tạo trẻ từ ngày Abramovich mua lại Chelsea lên tới 70 triệu bảng. Nghĩa là khoảng 8 triệu bảng/năm, bằng ngân sách chuyển nhượng của không ít các đội thuộc 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu, kể cả Premiership.

Roman Abramovich

2.“Mỏ vàng” của Chelsea có gì? Lucas Piazon, 18 tuổi, đến từ Brazil với giá 4 triệu bảng, đã góp mặt ở ĐT U17 Brazil từ năm 14 tuổi. Ba anh em nhà Dasilva, tuổi từ 12 đến 13, tổng trị giá 1 triệu bảng. Matej Delac, 3 năm trước còn được nhận định là tương lai cho khung gỗ của đội tuyển Croatia, giá 2 triệu bảng… Đó là còn chưa kể tới những tài năng người Anh mà họ tự đào tạo từ nhỏ.

Đã hơn một lứa cầu thủ từ lò đào tạo của Chelsea bị đào thải. Không phải bởi họ bất tài: đó là điều sẽ chẳng ai kiểm chứng được. Đơn giản là người ta đã không sử dụng họ. Chẳng có đời HLV nào có thể dựng lên một thế hệ mới, khi thời hạn cầm quyền trung bình của các HLV Chelsea kể từ Avram Grant đến Villas-Boas chỉ là 0,86 năm.

HLV Ancelotti cũng đã có giai đoạn rất cố công khai thác McEachran, Aanholt, Bruma. Nhưng giờ thì ông đã ở Paris, còn những chàng trai trẻ đó đang miễn cưỡng chơi bóng ở tứ phương dưới dạng cho mượn.

Hóa ra, tổng số tiền mà Abramovich đã “biếu không” các đời HLV còn không phí phạm bằng số tiền ông bỏ ra để “nuôi báo cô” cái lò đào tạo này. Và hai sự phí phạm đều là kết quả của một hành động. Cộng gộp cả hai thứ, con số đã lên tới hơn 100 triệu bảng.

3. Hôm qua, tờ báo địa phương Watford Observer đưa tin về một CĐV Chelsea bị đuổi khỏi quán bar trong ngày thi đấu vì “không chịu mua đồ uống”. Ông giá 60 tuổi Martin Ramirez đến từ trưa để chọn bàn gần màn hình lớn, đã gọi 10 bảng đồ ăn và thức uống. Nhưng đến 4 giờ chiều, khi trận đấu giữa Chelsea-M.U (6/1/2012) bắt đầu, người quản lý thấy ngứa mắt vì trước mặt Ramirez trống không mà quán quá đông, bèn đuổi ông ta đi.

Sự cảm tính nguy hại là thế: cái bàn trống gợi cho tay chủ quán cảm giác mơ hồ rằng Ramirez đang hủy hoại công việc kinh doanh, chẳng biết trước đó ông đã mua những gì, cũng chẳng bận tâm đến cái hành động lố bịch của mình có thể ảnh hưởng đến việc kinh doanh lâu dài, ông đã đuổi khách đi. Thiệt hại kinh tế của hành động ấy, sau khi đã lên báo, không đo được nữa.

Chuyện “cái bàn trống ngứa mắt” dễ gợi cho người ta nhớ đến Abramovich và thói quen thay đổi HLV của ông. Chả ai định giá một chỗ ngồi trong quán, 10 bảng hay nhiều hơn, cũng chẳng ai định nghĩa được thế nào là “HLV thành công”. Chỉ thấy không thuận mắt là làm.

Những thiệt hại lâu dài mà Abramovich đã tạo ra cho Chelsea (và cùng gánh chịu) trong suốt hơn 8 năm qua, kể ra còn rất nhiều.
Đức Hoàng | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục