Khi người ta cầu được thương tật

10:27 Thứ năm 30/08/2012

Nếu tại Olympic vấn nạn chỉ là doping thì tại Paralympic là gian dối để được thi đấu và tự hủy hoại cơ thể hòng tăng lượng máu trong cơ thể.

Oscar Pistorius, VĐV khuyết tật người Nam Phi, được xem là tấm gương cho nhiều VĐV khuyết tật vươn lên - Ảnh: AFP

Theo chuyên gia vật lý trị liệu Juergen Schmid, nếu cách đây vài năm việc xác định mức độ thương tật của các VĐV để xếp vào các nhóm thi đấu chỉ là một buổi trò chuyện cởi mở, chân thành với vài xét nghiệm đơn giản, thì nay việc xác minh này diễn ra cực kỳ căng thẳng, trải qua hàng loạt xét nghiệm tinh vi. Thậm chí VĐV còn dẫn theo cả luật sư để “bảo vệ quyền lợi” của mình.

Gian lận ngày càng tinh vi

Trong giới VĐV khuyết tật có nhiều chuyện cười ra nước mắt như khi một VĐV Nga tham dự Paralympic mùa đông ở hạng mục dành cho người mù nhưng đã giơ tay ăn mừng khi bảng điện tử hiện kết quả thông báo cô đoạt HCV. Hay một VĐV vừa mới khai bị liệt tay nhưng hôm sau đã sử dụng thành thạo điện thoại bằng chính cánh tay bị liệt đó.

Trong quá khứ còn nhiều sự kiện đình đám hơn như tại Paralympic Atlanta (Mỹ) 1996, 11 VĐV đã bị trục xuất vì cố tình tăng mức độ thương tật để được tham dự ở các nội dung dễ. Còn tại Paralympic Sydney (Úc) 2000, 10 VĐV trong đội bóng rổ đoạt HCV của Tây Ban Nha là người hoàn toàn khỏe mạnh.

Chưa hết, Monique Van der Vorst - VĐV đoạt 2 HCB tại Paralympic Bắc Kinh (Trung Quốc) 2008 - đột nhiên hết liệt vào năm 2010. Sau này, Van der Vorst thừa nhận tại nhà cô vẫn có thể đi lại bình thường. Hàng xóm của Van der Vorst xác nhận thấy cô đi lại bình thường, thậm chí có thể nhảy đầm. Báo chí Hà Lan gọi đây là một sự giả dối trắng trợn.

Vì vậy, giờ đây phải nhờ các phương pháp xét nghiệm tối tân mới biết được các VĐV có thật sự khuyết tật hay không. Nhiều VĐV giả bị liệt hai chân vẫn “tỉnh bơ” khi bị cấu véo hay lấy viết vẽ vào lòng bàn chân. Tuy nhiên các xét nghiệm cho thấy nhóm cơ cũng như tuần hoàn máu ở khu vực hai chân vẫn hoàn toàn bình thường. Và nhiều người phải thừa nhận đã gian dối.

Câu chuyện kể của giáo sư Schmid khiến mọi người phải giật mình. Đó là khi ông quyết định không cho một VĐV Ireland tham gia Giải vô địch thế giới xe đạp dành cho người khuyết tật với lý do: nhờ tập luyện thể thao, cổ chân từng bất động của anh này đã có thể hoạt động như người bình thường. Giáo sư Schmid nói với VĐV này: “Anh hoàn toàn khỏe mạnh và điều này còn hơn cả các huy chương anh đoạt được”. Bất ngờ, VĐV này bật khóc vì thất vọng.

Những biện pháp “doping” rợn người

Doping trong giới VĐV bình thường dù bằng cách này hay cách khác, chung quy cũng chỉ là tăng lượng máu và oxy lưu thông trong cơ thể. Nếu với VĐV bình thường có các biện pháp như sử dụng thuốc, doping..., các VĐV khuyết tật còn có thêm một lựa chọn khác, đó là tự bẻ chân hoặc sốc điện.

Đây là các biện pháp được sử dụng ở những VĐV bị liệt cả hai chân do chấn thương cột sống. Phóng sự điều tra của Hãng tin BBC (Anh) trước Paralympic London 2012 cho biết có đến 1/3 số VĐV bị liệt hai chân sử dụng biện pháp này để tăng lượng máu cũng như huyết áp nhằm thi đấu mạnh mẽ hơn.

Thông thường, những người bị liệt hai chân có lượng máu lưu thông trong cơ thể rất thấp và họ phải dùng cách này để tăng huyết áp. Do đây là việc làm cực kỳ nguy hiểm vì có thể gây đột quỵ nên từ năm 1994, Ủy ban Paralympic quốc tế đã cấm hành vi này.

Brad Zdanivsky, VĐV người Canada, thừa nhận đã nhiều lần sốc điện chân hoặc ngón chân, thậm chí có lần đã sốc điện cả tinh hoàn. Zdanivsky thừa nhận dù biết việc làm này là nguy hiểm nhưng “kết quả thật khó cưỡng lại”.

Sở dĩ ngày càng nhiều VĐV gian dối tại Paralympic vì những tấm huy chương họ giành được gắn với tiền tài và danh vọng. Ngoài tiền thưởng, các VĐV đạt thành tích cao tại Paralympic còn nhận được rất nhiều hợp đồng quảng cáo có thể mang về cho họ các khoản tiền lớn.

Kinh Luân | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục