Khi nào bóng đá Việt Nam thôi 'xây nhà từ nóc'?

08:23 Thứ sáu 16/10/2015

(TinTheThao.com.vn) - Năm 1998, Alfred Riedl lần đầu tiên dẫn dắt đội tuyển Việt Nam đã phải thốt lên câu nói bất hủ: "Bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc". Kể từ đó đến nay, đã 17 năm trôi qua nhưng dường như giá trị của nó vẫn còn nguyên vẹn.

Khi nhắc tới câu này, chúng ta vẫn thường đề cập tới sự yếu kém của công tác đào tạo trẻ tại các đội bóng. Các ông chủ thường chỉ quan tâm đến thành tích trước mắt, sẵn sàng vung tiền mua về những ngôi sao thay vì ươm mầm các tài năng.

La Masia – Lò đào tạo trứ danh của CLB FC Barcelona. Ảnh: Internet.

Tại các lò đào tạo danh tiếng như La Masia (Barcelona, Tây Ban Nha), Southampton (Anh), Ajax (Hà Lan),… đặc điểm chung trong thời gian của những nơi này đều chia làm 2 phần: Học văn hóa và Luyện tập kỹ năng chơi bóng. Trong đó, phần học văn hóa chiếm phần lớn thời gian biểu của các tài năng nhí. Hay nói theo bậc tiền bối Nguyễn Thái Học thì: “không thành công cũng thành nhân”.

Nhưng ở Việt Nam, công tác đào tạo trẻ bị bỏ ngỏ ở cả 3 khía cạnh:

Thứ nhất là có quá ít sân chơi cho tuyến trẻ. Nhìn lướt qua, trong hệ thống thi đấu của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) thì có đủ các giải từ U10, U13, U15, U17, U21. Các địa phương của các đội đang thi đấu ở V-League cũng có đội trẻ tham dự hệ thống giải này.

Nhưng ở mỗi giải, các đội chỉ đá tầm chục trận đấu trong suốt cả năm. Còn lại là tự tập chay với nhau, không có cọ sát gì cả. Hay nói cách khác, các đội bóng trẻ mở ra chỉ để đáp ứng thành tích trước mắt chứ không có lộ trình lâu dài. Điều này khác hẳn so với những nền bóng đá phát triển. Các đội trẻ có hẳn giải vô địch quốc gia riêng để thường xuyên cọ sát. Trung bình, mỗi đội trẻ ở Anh phải thi đấu cỡ 30 – 40 trận/năm.

Thứ hai là định hướng cho cầu thủ trẻ. Các em rất mê bóng đá và sẵn sàng đánh đổi tất cả để theo nghiệp bóng. Nhưng không phải cầu thủ nào cũng phù hợp và đủ năng lực để đi đến đích cuối cùng. Đào tạo 1000 cầu thủ nhi đồng, may ra chọn được 300 em đủ khả năng đá ở hạng thiếu niên. Tiếp tục sàng lọc, may mắn nữa giữ lại được 100 em để đá đội trẻ. Tuyển chọn tiếp thì giữ được đôi chục em đủ sức đá ở V-League (chưa xét đến đá chính hay dự bị).

Cách đây ít lâu, VTV có đăng phóng sự về hướng đi cho các cầu thủ trẻ sau khi đội bóng chủ quản của họ bị giải thể. Phần lớn không xác định được phương hướng cho mình trong thời gian tới. Bi kịch ở chỗ: các cầu thủ này trình độ học không có, điều kiện gia đình thường không khá giả. Tiếp tục bám trụ vào bóng đá thì khó mà buông ra thì không biết đi đâu về đâu.

Thứ ba, điều quan trọng nhất là ý thức cầu thủ về sự nghiệp của mình. “Kiếm tiền đã khó, tiêu tiền còn khó hơn”. Ở tuổi đôi mươi, với nền tảng giáo dục về văn hóa không nhiều, kết hợp với việc hàng tháng kiếm được hàng chục triệu đồng tiền lương (chưa kể các khoản thưởng), vô hình chung khiến các em rơi vào bẫy “tiêu tiền”.

Tính ra, thu nhập của các em cao hơn rất nhiều so với mặt bằng chung của xã hội. Và cũng cao hơn so với rất nhiều cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ - những người rất vất vả kiếm tiền bằng trí óc và chất xám. Các em quá dễ để rơi vào vòng xoáy của cờ bạc, thuốc lắc, hộp đêm, mua sắm các món đồ xa xỉ. Các em cũng quá dễ để chìm đắm trong các thói hư tật xấu thay vì thời gian để nghỉ ngơi sau các trận bóng hay các buổi tập. Và các em cũng quá dễ để đánh mất tương lai cũng như ý thức tích lũy cho cuộc sống sau sự nghiệp quần đùi áo số.

Bán độ trong bóng đá là cạm bẫy mà các cầu thủ trẻ rất dễ mắc phải. Ảnh: Internet.

Ranh giới giữa đúng và sai, giữa đen với trắng là hết sức mong manh. Những cầu thủ như Quốc Vượng, Văn Quyến năm nào là điển hình. Thắng một bàn hay thắng ba bàn cũng là thắng. Nhưng thắng một bàn mà có thêm mấy chục triệu từ nhà cái, vừa đỡ mệt lại có tiền, tội gì không làm. Nếu được dạy bảo đầy đủ, các em sẽ biết phải thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo, vì niềm tin của hàng triệu cổ động viên.

Rồi cả ý thức khi thi đấu: phải tôn trọng luật, tôn trọng trọng tài, cầu thủ đối phương,.. rất nhiều thứ các em không được dạy. Những Đình Đồng, Huy Hoàng, Ngọc Hải,… âu cũng là hệ quả tất yếu của việc đào tạo không đến nơi đến chốn. Đó là cả một quá trình, đã ăn sâu vào tiềm thức của những cầu thủ này. Để rồi, khi làm gẫy chân đối phương, những lời xin lỗi đều trở thành vô nghĩa.

Thực ra, người lớn (những nhà quản lý đội bóng) cũng có phần trách nhiệm khi không có ý thức phải dạy dỗ về nhận thức cho các em. Một phần vì buông lỏng, nhắm mắt làm ngơ có thể “về đích an toàn”. Phần nữa là họ bất lực vì họ phải đối mặt với một mạng lưới chằng chịt các quan hệ ngoài sân bóng.

Vì vậy, để bóng đá Việt Nam không còn xây nhà từ nóc thì điều đó phải diễn ra từ trên cao nhất (VFF) xuống dưới thấp nhất (cầu thủ). Thành tích sẽ không bao giờ đến với tuyển Việt Nam nếu như ý thức xây dựng một nền bóng đá mạnh chưa có.

(Bạn đọc: Bùi Minh Tuấn)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

08:01 16/10/2015
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục