HLV Toshiya Miura: Lương đã bèo còn bị VFF vắt sức!

02:23 Thứ tư 27/08/2014

Dù vẫn biết “lợi bất cập hại” song HLV Toshiya Miura cũng không có cách nào khác khi cùng một thời điểm phải huấn luyện Đội tuyển quốc gia và tuyển Olympic Việt Nam khi cả 2 đội tuyển đều có giải đấu quan trọng sắp tới.

HLV Toshiya Miura đang chỉ đạo các cầu thủ ĐTVN trong buổi tập

VFF bảo sao thì phải chịu vậy

Ngày 20.8 vừa rồi, tuyển Olympic Việt Nam với 29 cầu thủ tập trung tại Hà Nội tập luyện chuẩn bị cho ASIAD 17 diễn ra tại Incheon (Hàn Quốc) vào giữa tháng tháng 10 tới.

Ngay 22.8, ĐTQG VN cũng hội quân ở Hà Nội với 27 cầu thủ tập luyện cho chuẩn bị cho chiến dịch AFF Cup vào cuối tháng 11. Đầu tháng 9, ĐTVN đá giao hữu 2 trận tại Hà Nội và sau đó sang Nhật tập huấn.

Có nghĩa từ đây đến giữa tháng 9, HLV Miura phải phân thân làm việc cả 2 đội tuyển với quân số lên đến 56 người và với 2 đội ngũ trợ lý HLV khác nhau. Khối lượng công việc, cường độ thời gian do vậy rất lớn.

Do đã đồng ý điều khoản kiêm nhiệm khi ký hợp đồng với VFF nên khi được báo chí hỏi về chuyện “một xách xốc 2 con” thì HLV Toshiya Miura đều trả lời ông đảm đương được công việc ổn thỏa, không có vấn đề gì. Tất nhiên, ông Miura phải trả lời như thế chứ chẳng lẽ bảo rằng “Tôi làm không được” hay “Quá khó cho tôi”(!?).

Việc một HLV cùng lúc huấn luyện 2 đội bóng thì về chuyên môn ai cũng biết rõ là không thể nào tốt bằng chỉ chuyên tâm huấn luyện một đội. Thế nhưng, do yêu cầu công việc của VFF khi ký kết hợp đồng thì ông Miura không còn sự lựa chọn khác.

Những tiền lệ thất bại và thành công

Trước kia cũng xảy ra nhiều trường hợp mà báo chí vẫn gọi là “vừa xay lúa vừa bế em” với HLV Alfred Riedl năm 2007 cùng một lúc nắm cả 3 đội bóng là ĐTQG đá VCK Asian Cup, ĐT Olympic VN đá vòng loại Olympic Bắc Kinh và tuyển U.23 VN đá SEA Games 24.

Năm 2007, ông Alfred Riedl từng tạo ra một đội bóng "3 trong 1" để thi đấu cả 3 mặt trận Asian Cup, vòng loại Olympic Bắc Kinh và SEA Games 24 (ảnh: Vnexpress)

Lúc đó, ông Riedl đã rất thành công khi dẫn dắt một đội bóng hỗn hợp với những cầu thủ (Công Vinh, Quang Thanh, Thanh Bình, Tấn Tài…) vừa đá cả 3 đội bóng với kết quả ĐTVN lọt vào Tứ kết Asian Cup, ĐT Olympic VN lọt vào vòng đấu loại cuối cùng Olympic Bắc Kinh. Tuy nhiên đến giải đấu quan trọng nhất và cũng được chờ đợi nhất là SEA Games 24 tại Korat (Ratchasima) thì U.23 VN lại thua ở bán kết trước U.23 Myanmar sau loạt sút luân lưu.

HLV Henrique Calisto, người kế nhiệm ông Alfred Riedl, đã thành công khi chỉ dẫn dắt mỗi ĐTVN đoạt chức vô địch AFF Cup 2008, tuy nhiên khi cùng lúc “kèm thêm” tuyển U.23 VN thì hiệu quả, thành tích không như ý. Tuyển U.23 VN thua ở trận chung kết SEA Games 25 cuối năm 2009 thì sang năm 2010, ĐTVN không bảo vệ được chức vô địch AFF Cup.

Trong khu vực ĐNÁ trước đây xu hướng dùng một HLV cho 2 đội tuyển vẫn phổ biến ở các đội tuyển Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia. Trường hợp của HLV Rajagobal thành công với U.23 (vô địch SEA Games 2009, 2011), ĐT Malaysia (vô địch AFF Cup 2010).

Indonesia sử dụng HLV Alfred Riedl cho cả tuyển U.23 và ĐTQG Indonesia giai đoạn 2011 và Singapore với HLV Raddy Avramovic

"Một nách sốc 2 con": Đã thành "chuyện lạ" ở Đông Nam Á

Hiện tại, các nước trong khu vực ĐNÁ đã thay đổi quan điểm khi việc dùng HLV cho 2 đội tuyển vì “hại nhiều hơn lợi”.

Vừa qua, HLV Kiatisak, người giúp tuyển U.23 Thái Lan đoạt HCV SEA Games 27-2013, đã từ chối lời đề nghị của LĐBĐ Thái Lan về kiêm nhiệm luôn ĐTQG. Cựu cầu thủ của HAGL nói rằng: “Tôi muốn tập trung thời gian cho tuyển Oympic Thái Lan để thi đấu thật tốt ở ASIAD 17. Tôi nghĩ Thái Lan vẫn còn nhiều HLV giỏi để huấn luyện ĐTQG”.

Myanmar năm ngoái đã tốn rất nhiều tiền với lương tháng khoảng 35.000 USD để thuê HLV Avramovic về dẫn dắt ĐTQG, tuy nhiên LĐBĐ Myanmar không vì thế “tận dụng triệt để” mà vẫn thuê HLV Gerd Ferdrich (Đức) để về huấn luyện tuyển U.23 Myanmar.

HLV Avramovic của ĐT Myanmar. Việc các nước Thái, Sing, Mã, Indo, Phi giao "người nào việc nấy" thể hiện suy nghĩ không còn quá nặng nề thành tích của tuyển U.23 ở SEA Games mà muốn tập trung cho ĐTQG để hướng đến tầm châu lục của bóng đá ĐNÁ

Indonesia sau thời gian dùng HLV Alfred Riedl cho 2 nhiệm vụ giờ tách ra, giao tuyển U.23 Indonesia cho HLV Aji Santoso.

Malaysia sau chu kỳ thành công của “ông giáo làng” Rajagobal cũng đã tách ĐTQG giao cho HLV Dollah Bin Salleh và tuyển U.23 cho HLV Ong Kim Swee. Tương tự, ĐT Singapore hiện tại do HLV Bernd Stange (Đức) dẫn dắt, còn tuyển U.23 Singapore (Young Lions) do HLV nội Sundramoorthy cầm quân.

Ngay cả Philippines là quốc gia bóng đá không phải là môn thể thao số 1 thì ĐTQG do HLV Thomas Dooley (Đức-Mỹ) đảm nhiệm còn tuyển U.23 thuộc quyền của HLV Bryan Reid (Scotland).

Tóm lại, trong 6 đội bóng đứng đầu khu vực ĐNÁ thì chỉ duy nhất Việt Nam còn dùng HLV theo kiểu “một nách xốc 2 con”. Hy vọng đây không phải là quyết định sai lầm của VFF, mặc dù lương của HLV Toshiya Miura thuộc rẻ nhất: 15.000 USD/tháng.

Nguyên An | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục