EURO 2012: Bí mật về những cú sút định mệnh

11:58 Thứ bảy 23/06/2012

Chỉ với một cú đá, bạn sẽ được lưu danh vĩnh viễn như người hùng, hay kẻ tội đồ, của cả một dân tộc. EURO 2012 đã khép lại vòng bảng và kể từ bán kết, các huấn luyện viên cũng như mọi đội bóng sẽ phải chuẩn bị tinh thần sẵn sàng cho loạt đấu súng nghiệt ngã trên chấm 11 mét.

Kịch tính

Một trong những lý do chính khiến bóng đá được coi là môn thể thao vua là bởi có lẽ không môn thể thao nào sánh được với nó về sự kịch tính, sẽ được đẩy lên cao trào trong những cuộc đấu súng, khi mà phần thưởng khổng lồ được quyết định trong tích tắc và hình ảnh một cá nhân sẽ được ghi mãi vào lịch sử, như một người hùng, hay một kẻ tội đồ.

Thật vậy, với bóng đá hiện đại, khi trình độ các đội bóng ngày càng tiệm cận và những kế hoạch chiến thuật có thể giúp đội yếu hơn cầm cự trong 90 phút dễ dàng hơn hẳn so với trước kia, ngày càng có nhiều trận đấu lớn được quyết định trên chấm phạt đền. Sự may rủi lên cao tới mức đích thân Chủ tịch Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA), Sepp Blatter, mới đây đã lên tiếng về một đề xuất chấm dứt việc phân định thắng thua trên chấm 11 mét.

Như mọi lần khác, Blatter lại bị chỉ trích và trong khi chờ đợi những nhà quản lý bóng đá nghĩ ra được giải pháp mới mang tính đột phá, thì đã phạt đền đã được nâng lên thành một khoa học có vai trò sống còn trong hành trình chiến thắng của bất cứ đội bóng tham vọng nào. Trên lý thuyết, đã phạt đền lẽ ra là việc hết sức dễ dàng với người sút bóng. Những cầu thủ chuyên nghiệp được huấn luyện để tung ra những đường chuyền từ khoảng cách 50 mét chính xác đến từng cm, hay các chuyên gia đá phạt hàng rào luyện tập mỗi ngày có thể đưa bóng bay lượn theo mọi kiểu quỹ đạo bay vào lưới từ khoảng cách 20-30 mét với rào chắn trước mặt giờ chỉ phải đối diện với khung thành, và thủ môn, từ khoảng cách có 11 mét.

Thủ thành Ba Lan Przemyslaw Tyton cứu được một quả phạt đền từ tiền vệ Hy Lạp Giorgos Karagounis ở trận khai mạc EURO 2012- Ảnh Getty

Tuy nhiên, áp lực tinh thần lại là chuyện khác. Mọi gánh nặng tâm lý sẽ dồn lên đôi chân của người thực hiện, chứ không phải đôi tay của thủ môn, người sẽ không bị chỉ trích, nguyền rủa thậm chí đe dọa, nếu để bóng bay vào lưới, trong khi đẩy được bóng ra nhiều khi sẽ khiến anh được tôn vinh suốt đời. Ngược lại, với người sút bóng, đá vào được coi là hoàn thành nhiệm vụ, trong khi sút hỏng có thể trở thành thảm họa với cả một dân tộc.

“Phạt đền rất giống chơi xổ số”, cựu huấn luyện viên tuyển Anh Fabio Capello từng nói năm 2009. “Tôi nhớ nhiều cầu thủ rất xuất sắc không đá phạt đền vì họ không cảm thấy chắc chắn rằng họ sẽ thực hiện thành công”. Chuyên gia người Anh Greg Woods nói những trò tâm lý có tính chất quyết định ở các loạt luân lưu. Một thủ thành với đôi chân dài ngoẵng, chiếc quần đùi rộng thùng thình, đôi găng tay cỡ đại, chiếc áo đấu màu sắc lòe loẹt quá cỡ so với thân hình, tóm lại, giống như một con cóc đang phùng mang trợn má để tạo cảm giác mình to lớn hơn và đầy đe dọa. Một trò điển hình khác là khi tiến về phía khung thành, thủ môn thì thầm gì đó với người thực hiện đá phạt bên phía đối thủ, có khi chỉ là vô thưởng vô phạt, nhưng sẽ tác động không nhỏ đến tâm lý và tinh thần.

Tất cả là để làm rối trí người đá phạt, phá hỏng khả năng kiểm soát tình thế, lẽ ra nằm trong tay anh ta, và đẩy cú sút phạt ra khỏi xác suất thành công thông thường. “Thủ môn sẽ làm bất cứ gì có thể để thu hút sự chú ý của người đá phạt, đó là lợi thế của anh ta”, Wood, thuộc khoa Khoa học thể thao và y tế ở Đại học Exeter, Anh, bình luận. “Điều đó là bởi có liên hệ mật thiết giữa những gì chúng ta thấy, rồi mắt truyền về não, và những hành động tiếp theo. Ví dụ, nếu bạn đang lái xe và thấy gì đó bên ngoài cửa sổ về phía bên trái mình, bạn sẽ tự động đánh xe về phía đó. Tức là nếu bạn cứ nhìn mãi thủ môn, có khả năng bạn sẽ sút bóng vào giữa khung thành, vị trí dễ bị đẩy ra nhất”.

Một quả phạt đền hoàn hảo

Một quả phạt đền hoàn hảo, theo các nhà toán học ở Đại học John Moores của Liverpool, là đưa quả bóng vào góc cao khung thành ở vận tốc từ 90 tới 104 km một giờ. Sút mạnh hơn sẽ gây ra rủi ro lớn bóng đi không chính xác, nhưng chậm hơn sẽ khiến thủ môn có cơ hội cản phá. Một số gợi ý khác về sự di chuyển của cơ thể, dù không nhiều, cũng đáng tham khảo với cả hai nhân vật trong một quả phạt đền. Một số thí nghiệm cho thấy cử động của hông cầu thủ đá phát ngay trước cú sút có mức độ tương đồng cao với hướng đi của bóng. Một thí nghiệm khác nói quan sát đầu gối của thủ môn có thể có ích cho người đá phạt. Trong hai chân, thì phần đầu gối lấy trụ thường trùng với hướng mà thủ môn sẽ nhảy đón bóng.

Ngoài khoa học thể chất, để đối phó với áp lực, khoa học tâm lý cũng là đặc biệt quan trọng, theo Wood. Cầu thủ phải được làm quen với những yếu tố ngoại lai rất phiền nhiễu, tiếng ồn từ đám đông khán giả, những cố gắng gây mất tập trung của thủ môn, suy nghĩ rằng quả phạt đền có thể sẽ thất bại, để chỉ tập trung vào cú đá. Tập luyện, trong trường hợp này, sẽ rất có ích, theo Wood.

Ông cùng đồng sự Mark Wilson đã thiết kế một thí nghiệm trong đó các cầu thủ chơi bóng đá ở trình độ trường đại học được huấn luyện “tập trung ánh mắt”: trong bảy tuần liên tiếp, họ được yêu cầu nhìn tập trung vào một điểm mục tiêu, góc trái hoặc góc phải khung thành, trước khi tung ra cú sút. Bài tập này không chỉ giúp cú sút của họ chính xác hơn, với lực và tốc độ chuẩn hơn, mà còn có ích trong việc giảm bớt sự lo lắng. Trong một cuộc thi sút phạt đền với phần thưởng là 100 bảng, số cú sút hỏng của họ ít hơn 50% so với những người không được huấn luyện.

Với những giải đấu mang tầm quốc tế như EURO 2012, ngoài các yếu tố tâm lý và thể lực, văn hóa dân tộc cũng đóng một vai trò hết sức quan trọng. “Người Đức là vua của phạt đền, ai cũng biết điều đó”, Wood nói. “Họ có tỉ lệ sút thành công khó tin lên tới 82%, trong khi với người Anh, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tỉ lệ chỉ là 18-19%. Chắc chắn là có lý do, hoặc là cách tiếp cận khi sút bóng, hoặc là lòng tin. Có cảm giác người Đức tin tưởng hơn ở khả năng kiểm soát tình thế của họ. Họ không thấy lo lắng và nhờ thành tích quá khứ, tin rằng mình sẽ làm tốt. Ngược lại, người Anh chịu quá nhiều kỳ vọng, thất bại quá khứ và trở thành con mồi cho trò tâm lý của đối thủ”.

Người Czech cũng là chuyên gia

Cộng hòa Czech, và trước kia là Tiệp Khắc, có thành tích đá phạt đền tại các kỳ EURO là 100%, tốt nhất trong tất cả các đội vào tứ kết, với ba lần, ba chiến thắng. Những bại tướng của họ là Tây Đức (1976, tỉ số phạt đền là 5-3), Ý (1980, 9-8), Pháp (1996, 6-5).
Trần Trọng | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục