Đội tuyển Việt Nam và các mục tiêu năm 2012

14:57 Thứ hai 23/01/2012

Sau chức vô địch AFF Suzuki Cup 2008, bóng đá Việt Nam gặt hái được những gì? Trái bóng vẫn lăn, cuộc chơi không bao giờ dừng lại. Chúng ta đã có những kỳ vọng và có cả những thất vọng ngậm ngùi. Bây giờ chúng ta vẫn đang chờ đợi một cuộc phản công.


Chờ luồng gió mới

Nói đến ĐTQG, người ta không thể tách rời với những chân đế ở phía dưới là V.League hay các đội tuyển trẻ quốc gia. Đấy là những chất liệu dùng để tạo hình và đóng vai trò quyết định cho sự thành bại của ĐTQG.

U23 Malaysia vô địch SEA Games 2009 và cũng với dàn cầu thủ ấy họ giành tiếp chức VĐ Đông Nam Á 2010. Trong khi U23 Việt Nam chỉ giành ngôi Á quân ở SEA Games 2009 và chỉ giữ được chiếc HCĐ AFF Cup Suzuki Cup 2010. Thành tích đó có phải là một sự tiếp nối và kế thừa?

Điều chắc chắn là muốn giữ được sức mạnh cho ĐTQG thì các tuyến trẻ phải cung cấp những hạt giống tốt. Câu hỏi đặt ra sẽ là bao nhiêu cầu thủ từ U23 QG sẽ có mặt trong thành phần ĐTQG vào năm tới? Dự đoán luôn là dự đoán. Thế nhưng, cũng trong một cuộc trả lời phỏng vấn với phóng viên báo Bóng Đá trước thềm SEA Games 2011, HLV Falko Goetz bảo chí ít sẽ có 4 cái tên sẽ tiếp tục được đưa lên ĐTQG gồm Thành Lương, Đình Tùng, Trọng Hoàng và Văn Quyết.


Với những thất bại ở AFF Suzuki Cup 2010 (có mặt Thành Lương, Trọng Hoàng) và SEA Games 2011 (có đủ bộ tứ ở trên), người ta chưa đủ niềm tin rằng chúng ta sẽ được hưởng lợi nhờ luồng gió mới từ các đội tuyển trẻ. Họ sẽ còn tiến bộ nhưng hẳn tất cả đều nhớ rằng họ có những thiệt thòi nhất định về mặt hình thể. Tất nhiên, từ những cầu thủ khác ở U23 Việt Nam, người ta vẫn có thể tìm ra những cầu thủ giàu triển vọng. Chẳng hạn như Hoàng Thịnh, Bửu Ngọc, Xuân Hiếu…vẫn có thể tiến xa hơn và nhanh chóng tìm được chỗ đứng ở ĐTQG.

V.league đứng trước thử thách

Ngoài việc lấy quân từ các tuyến trẻ vốn được người ta quen mặt, ĐTQG còn tìm người trong số những cầu thủ thể hiện tốt khi thi đấu V.League hay hạng Nhất. “Ngọc bất trác bất thành khí”. Có những cầu thủ không tạo được dấu ấn ở các tuyến trẻ nhưng theo thời gian họ kiên trì mài dũa, rèn luyện lại trở nên chói sáng. Chẳng phải Vũ Công Tuyền, Trần Trường Giang, Huỳnh Hồng Sơn, Trịnh Xuân Thành… từng mờ nhạt ở tuyến trẻ nhưng chói sáng khi ở vào độ chín sự nghiệp đấy ư? Môi trường thi đấu ở V.League hoặc hạng Nhất đã đào luyện cho họ trưởng thành.


2 năm liên tiếp, bóng đá Việt Nam đón nhận thất bại và người ta đã phải nghi ngờ câu nói "V.League là giải đấu có tính cạnh tranh, hấp dẫn nhất Đông Nam Á". Thực tế, V.League vẫn đang là giải đấu thu hút đã được thừa nhận không chỉ bởi người Việt Nam mà còn bởi chính đối thủ trong khu vực, bởi những nhà môi giới, HLV, cầu thủ từ Thái Lan, Malaysia… Song, những lợi ích từ giải đấu này có thể giúp Việt Nam đứng vững trước sự tấn công từ các đối thủ khác?

Chúng ta tiến, nhưng đối thủ đâu có đứng lại. Từ Thái Lan, Indonesia, Malaysia, thậm chí bây giờ là Myanmar, Campuchia… cũng có những động thái, bước đi quan trọng để thúc đẩy bóng đá chuyên nghiệp. V.League được khởi động sớm nhưng chắc chắn chúng ta sẽ vấp phải sự cạnh tranh không nhỏ từ những nước láng giềng.

Ở đây tại sao người viết nhắc đến những Malaysia, Thái Lan, Indonesia… mà không phải những đội mạnh hơn. Thực tế ĐTQG năm 2012 có 2 nhiệm vụ quan trọng là vòng loại giải châu Á (tháng 8) và giải vô địch Đông Nam Á (tháng 12) và chúng ta sẽ phải đọ sức với những đối thủ gần nhất về mặt địa lý để chứng minh năng lực của mình, trước khi nghĩ đến những mục tiêu cao hơn.

Tìm nguồn ngoại lực

Trào lưu cầu thủ nhập tịch đang diễn ra ở Đông Nam Á cũng đang là một thử thách đáng kể đối với Việt Nam. Bản đồ bóng đá Đông Nam Á đã được vẽ lại với việc bóng đá Thái Lan xuống dốc nhưng Malaysia, Indonesia, Philippines và thậm chí cả Đông Timor lại có những bước phát triển nhảy vọt. Trong thất bại của chúng ta trước Philippines (2010) và Indonesia (2011), người ta nhìn thấy những yếu tố nhập tịch đã đóng vai trò quan trọng với đối thủ.

Chính vì vậy, chúng ta buộc phải có những biện pháp để giải bài toán khó. Đó là lý do thời gian vừa qua, Việt Nam đặc biệt chú trọng đến nguồn cầu thủ Việt kiều. Chúng ta không làm bóng đá theo kiểu hớt ngọn lấy ngoại binh nhập tịch vào ĐTQG, đến khi họ lớn tuổi, xuống phong độ là cả vùng trắng ở phía sau (như Singapore là điển hình). Nhưng, chúng ta có thể tận dụng nguồn lực 3 triệu Việt kiều trên toàn thế giới. Chúng ta cần tìm được những mẫu cầu thủ như Lee Nguyễn để làm mới mình.

Sự phân cực về trình độ bóng đá Đông Nam Á đang được thu hẹp lại gần nhau và chúng ta không thể bỏ qua bất cứ yếu tố nào để có thể tìm đến thành công. Sự thành công ĐTVN của năm 2012 hay không còn bởi chúng ta rút kinh nghiệm thế nào sau khi đã để tuột dốc kể từ chiến thắng lịch sử hồi 2008.
Nam Phương | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục