Cựu SV Harvard liệt tứ chi & niềm khát khao tại Paralympic

13:24 Thứ hai 03/09/2012

Không có nhiều người coi việc bị liệt tứ chi là một món quà, nhưng cũng không có ai giống như Paul Callahan.

Paul Callahan, bị liệt tứ chi, và chỉ sử dụng được hai cánh tay và phần nào đó bàn tay của mình.

Là một sinh viên Harvard 21 tuổi đầy hoài bão và ước mơ, cuộc sống của Paul vốn là niềm mơ ước của hàng triệu người bình thường khác. Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi hoàn toàn sau một vụ tai nạn hy hữu. Paul trượt ngã trên sàn nhà ẩm ướt, một điều tưởng chừng khá đơn giản và quen thuộc, nhưng nó lại khiến anh gãy cổ và liệt từ ngực trở xuống. Bác sĩ rất cố gắng để giúp Paul có thể sử dụng được cánh tay của mình, nhưng bàn tay của anh thì không, nó vẫn liệt.

Callahan mất 5 năm sau đó để đến hầu hết các trung tâm phục hồi chức năng lớn nhỏ của Mỹ, trong nỗ lực khôi phục cảm giác cho đôi chân của mình. Nhưng đến cuối cùng, anh gặp một người bác sĩ khuyên anh rằng, hãy dành thời gian cho việc sống thế nào thay vì cố gắng làm cho đôi chân bị liệt kia có thể hoạt động trở lại. Và Paul đã làm chính xác điều đó.

"Tất cả mọi người đều có khả năng làm được nhiều hơn những việc họ nghĩ họ có thể."

Gần 30 năm sau, Paul giờ đã là cha của hai đứa con, và trở thành một vận động viên đua thuyền buồm của đội tuyển Mỹ tại Paralympic 2012.


“Đây là một quá trình tiến hóa, nó khiến bạn chuyển đổi từ một cuộc sống này sang một cuộc sống khác.” Paul tâm sự.

“Tôi không bao giờ bỏ cuộc và luôn tiến về phía trước. Bạn có thể lựa chọn việc cố gắng đi đứng bình thường trở lại, hoặc sống có ích cho xã hội. Ở tuổi 26, tôi đã chọn vế sau.”

Nụ cười luôn nở trên khuôn mặt phúc hậu của ông.

Hiện tại, Paul và hai đồng đội của mình, những người tàn tật, đang tranh tài ở nội dung đua thuyền buồm 3 người, tại vùng biển phía nam nước Anh, anh là lái trưởng. Paul lái thuyền bằng cách đeo găng tay có con trượt gắn liền với một bàn đạp xe đạp. Bàn đạp này được nối liền và tương tác với một hệ thống ròng rọc để lái tàu (như hình).

"Bạn không có nhiều thời gian để sống trên cuộc đời này. Vì vậy, đừng lãng phí nó bằng những suy nghĩ, việc làm tiêu cực, hãy cố gắng chọn lựa những giấc mơ tốt đẹp và nỗ lực thực hiện chúng, một cách tích cực nhất."

Đây mới là kỳ Paralympic thứ hai của Paul, sau lần đầu tiên ra mắt từ Sydney 2000. Khi đó, tuyển Mỹ không thể giành được huy chương, nhưng với Paul, đua thuyền buồm đã giúp anh yêu cuộc sống hơn bao giờ hết.

Năm ngoái, Paul về thứ 5 trong cuộc đua thuyền buồm thế giới giành cho người khuyết tật, và điều đó giúp ông lại tiếp tục được đại diện cho nước Mỹ ở tuổi 55 tại London 2012.

Paul - ngoài cùng bên trái - tại Paralympics Sydney 2000.

Với nhiều người, đó hẳn nhiên là một kỳ tích, một điều tuyệt vời, nhưng với Paul thì không, cuộc đời ông đã gắn liền với những điều đó từ rất lâu rồi. Paul trở lại Harvard năm 1983, 5 năm sau vụ tai nạn, và trở thành sinh viên đầu tiên bị liệt tứ chi tốt nghiệp trường đại học danh tiếng này.

Sau đó, ông làm việc tại Goldman Sachs trong vòng 15 năm với vai trò một nhà quản lý tài sản hàng đầu.

“Tất cả mọi người đều có khả năng làm được nhiều hơn những việc họ nghĩ họ có thể thực hiện.” Paul chia sẻ. “Một khi họ nhận ra chân lý đó, thế giới muôn sắc màu sẽ chờ đón họ phía trước.”

Dạy những đứa nhỏ không may mắn như mình lái thuyền buồm là niềm hạnh phúc với Paul.

Paul Callahan bắt đầu đến với thuyền buồm vào năm 1995 và từ đó đến nay, tình yêu ông dành cho môn thể thao này chưa bao giờ phai nhạt.

“Tôi được lên một chiếc thuyền buồm, điều khiển nó và nhìn lại chiếc xe lăn trống trơn trên bến tàu”, ông nhớ lại. “Đó là lần đầu tiên sau 15 năm, tôi có thể tự làm một điều gì đó một mình. Một khoảnh khắc không thể tin nổi.”

Paul từ bỏ công việc đáng mơ ước ở Phố Wall, để dồn thế sức lực và tâm trí cho thuyền buồm. Ông nhanh chóng trở thành thành viên sáng lập của Sail to Prevail, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên hỗ trợ và dạy các trẻ em tật nguyền cách lái thuyền trên sóng nước. Bắt đầu với chỉ 8 đứa trẻ mỗi năm, đến nay tổ chức từ thiện đặt ở Newport, Rhode Island này hàng năm đã có thể giúp đỡ hơn 1000 thanh thiếu niên khuyết tật.

Paul và những đứa trẻ ở trung tâm của mình.

Thêm một minh chứng nữa cho sức mạnh tinh thần tuyệt vời của Paul, khi ông xem những khuyết tật trên cơ thể mình như là một cơ hội đặc biệt trong cuộc sống.

“Đó là một món quà đặc biệt, nó giúp tôi có thể gây ảnh hưởng lên cuộc sống của nhiều người trên con đường khác biệt mà những người khác không thể. Điều đó giờ là trách nhiệm của tôi.”

Paul cũng thừa nhận, ông đã có rất nhiều khoảnh khắc đen tối kể từ sau khi gặp nạn. Nhưng với vợ mình, bà Alisa, hai đứa con trai sinh đôi mới tròn 9 tuổi, và khoảnh khắc tỏa sáng tại Paralympic đang chờ đón, cuối cùng thì điều gì đã xảy ra khi ông trượt ngã trên sàn nhà ẩm ướt năm xưa?
“Tôi đã rất may mắn” Paul nói. “Bạn không có nhiều thời gian để sống trên cuộc đời này. Vì vậy, đừng lãng phí nó bằng những suy nghĩ, việc làm tiêu cực, hãy cố gắng chọn lựa những giấc mơ tốt đẹp và nỗ lực thực hiện nó, một cách tích cực nhất. Dù thế nào đi nữa, hãy sống thật tốt.”

Tiểu Phi | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục