Bi hài những số phận “đào tẩu”

14:51 Chủ nhật 25/03/2012

Bỏ tất cả chỉ mong đổi đời, con đường làm giàu với các VĐV luôn là những câu chuyện bi hài kịch chẳng biết nên khóc hay cười. Đường đường là một VĐV tuyển quốc gia, nhưng họ phải sống cuộc đời chui lủi, nay đây, mai đó. Có người kiếm tiền tỷ, nhưng cũng có người bị trục xuất về nước, rơi vào cảnh thất nghiệp. Mất trắng VĐV đào tạo bao năm trời đã đành, đau đớn nhất với thể thao nước nhà chính là hình ảnh quốc gia đang trở nên rất xấu với bạn bè quốc tế.

Đằng sau việc các VĐV bỏ trốn còn rất nhiều câu chuyện

Kẻ tiền tỷ, người trắng tay

Phải thừa nhận một thực tế buồn, hầu như các vụ bỏ trốn đều vì mơ ước đổi đời. Theo nghiệp thể thao hàng chục năm nhưng nhìn lại, tay trắng vẫn hoàn tay trắng, chẳng đủ lo cho bản thân chứ chưa nói là giúp gia đình. Chính vì thế, khi có cơ hội thuận lợi, hầu hết các VĐV đều có sự so sánh và ai không thực sự bản lĩnh, ý thức chính trị cao, họ sẽ làm liều.

Cho đến giờ, thể thao Việt Nam đã chứng kiến tất cả 13 vụ đào tẩu (tính cả trường hợp gần nhất của 2 VĐV rowing). Trong số này, 100% các VĐV bỏ trốn là vì muốn đổi đời nơi xứ người. Thế nhưng, cũng như hành trình bỏ trốn của họ, việc kiếm tiền trong hoàn cảnh phải sống chui lủi trước sự truy lùng gắt gao của cánh sát nước sở tại, không phải chuyện dễ dàng. Thường thì các VĐV sau khi trốn, đều có người đỡ đầu ở bên nước ngoài và họ cũng đã có sẵn kế hoạch đi làm thuê tại đây. Thế nhưng những công việc thường chủ yếu là nghề cửu vạn vất vả và không phải VĐV nào cũng trụ lại được, dù họ có lợi thế về sức vóc và quyết tâm làm giàu.

Tạ Đình Đức và Phí Hữu Sơn là hai đô vật bỏ trốn tại Hàn Quốc trong chuyến tập huấn chuẩn bị cho Asiad 2002. Sau 3 năm làm bốc vác tại Hàn Quốc, năm 2005 người ta thấy Tạ Đình Đức bất ngờ có mặt ở Việt Nam với 2 bàn tay trắng. Mấy năm lang thang thất nghiệp, đùng một cái, đô vật này tái xuất giang hồ tại giải vật dân tộc toàn quốc và đoạt luôn tấm HCV năm đó.

Câu chuyện về 3 đô vật Dương Đình Nam, Nguyễn Doãn Dũng và Nguyễn Văn Phong khiến giới VĐV phải khâm phục về khả năng "bùng” cũng như nỗ lực vượt khó để mong đổi đời. Có ai ngờ được rằng ngay trước giờ lên máy bay, các đô vật xin đi vệ sinh rồi "chuồn” luôn trước mắt HLV, người đã đi kè kè bên họ suốt tháng trời. Nghe một số đồng đội của 3 đô vật này kể lại, họ làm đủ thứ nghề ở bên Hàn Quốc, thậm chí là cả... nuôi lợn. Công việc vất vả đến mấy, họ cũng cố dành dụm được vài chục triệu đồng mỗi tháng. Chỉ sau một năm, cả 3 đã ổn định được cuộc sống và bắt đầu gửi tiền về nhà đều đặn.

Còn 2 trường hợp mới nhất ở môn rowing, nếu cuộc bỏ trốn trót lọt, họ sẽ có cơ hội làm giàu rất nhanh bởi Úc là quốc gia phát triển. Thế nhưng đây cũng chính là canh bạc đỏ đen mà các "tiền bối” của họ từng chơi, nếu bị cảnh sát bắt, sẽ mất trắng.

Nỗi niềm gia đình có con bỏ trốn

Bỏ trốn tuyển đã có tiền lệ và nó làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh màu cờ sắc áo. Thế nhưng đằng sau câu chuyện này, dù có trách VĐV nhưng bất cứ ai tìm hiểu sâu đến từng ngóc ngách, cũng đều thông cảm cho họ. Đa số các gia đình có con em làm VĐV bỏ trốn, đều có cuộc sống cực kỳ nghèo khổ. Có được tận mắt chứng kiến ngôi nhà tồi tàn nhất xóm của đô vật Nguyễn Văn Phong mới thấy thông cảm cho họ dù biết như thế là không phải với các thầy trên tuyển, hay nặng hơn là bán rẻ danh dự tổ quốc.

Có một sự trùng hợp trong tất cả 13 vụ đào tẩu, các gia đình đều chia sẻ cùng con em mình. Ông bà Bang, bố mẹ của đô vật đào tẩu Nguyễn Văn Phong đã nguôi ngoai phần nào sau 3 năm con họ bỏ trốn khỏi đội tuyển. Sự bù đắp về vật chất giúp thoát nghèo đã khiến những bậc cha mẹ lấy đó để tự thanh minh hành động sai lầm của con em mình. Căn nhà tồi tàn nhất xóm đang chuẩn bị được khởi công. Hàng xóm ai cũng mừng cho ông bà Bang, đã 70 tuổi rồi giờ mới được ở trong ngôi nhà khang trang.

"Khi đói đầu gối cũng phải bò”, chính là căn nguyên của các vụ bỏ trốn. Thậm chí giờ đây, ngành thể thao đã cải thiện rất nhiều về chế độ, lương thưởng nhưng so với mặt bằng chung của xã hội, các VĐV vẫn chịu thiệt thòi hơn rất nhiều. "Con không chê cha mẹ nghèo” là cái lẽ ở đời, nhưng quả thực với thực tế của nghiệp thể thao, ít VĐV thông cảm cho điều đó. Thực tế này cũng xuất phát từ việc nhận thức yếu kém và sai lệch của VĐV, nhưng nếu thực sự đời sống của các VĐV được quan tâm hơn nữa, có lẽ sẽ ít trường hợp phải bỏ trốn. Để tránh tình trạng bỏ trốn lại tái diễn, biện pháp hiệu quả nhất, vẫn là nâng cao việc giáo dục ý thức, bản lĩnh chính trị cho các VĐV. Làm sao giải quyết được lỗi của cả một hệ thống tuyển chọn, đào tạo VĐV rồi có chế độ tương xứng với những gì họ bỏ ra. Nếu không làm tốt khâu này, có lẽ sẽ còn rất nhiều những câu chuyện bi hài kịch về các VĐV đào tẩu trong tương lai.
 

An Chi | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục