Barca trở nên “bình thường”: Tính tất yếu của lịch sử

14:14 Thứ sáu 17/02/2012

Barca đang gặp rất nhiều khó khăn trong mùa giải năm nay. Đó là sự thực ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy. Đó không chỉ là việc bị đại kình địch bỏ xa trên bảng xếp hạng, mà quan trọng là lối đá tiqui-taca huyền ảo của họ đang trở nên bình thường. Mùa giải vừa mới đi qua được 2/3 chặng đường, nhưng ngay bây giờ có thể khẳng định cơ hội cạnh tranh chức vô địch của thầy trò Pep Guardiola dường như đã không còn và thời kỳ thống trị của họ tại La Liga đang đi đến những ngày cuối cùng.

Nếu tôi nói cái thứ siêu phẩm mà người Catalan đang ngất ngây tự hào trong gần 4 năm qua đã hết thời, hay sâu xa hơn là đế chế mà Pep Guardiola xây dựng tại Barca sắp sụp đổ thì sẽ bị nhiều người cười cho thối mũi. Bởi dù sao mọi chuyện vẫn đang còn ở phía trước, Barca vẫn là đội bóng số 1 của thế giới trong thời điểm hiện tại, và đặc biệt là bóng đá luôn ẩn chứa những bất ngờ. Nhưng sự thật là với những kết quả không mấy tích cực mà Braca đang phải đón nhận trong thời gian gần đây, có thể thấy tiqui-taca đang trở nên bình thường đối với thế giới bóng đá.

Ba năm qua chính là khoảng thời gian đẹp đẽ nhất trong lịch sử bóng đá Tây Ban Nha. Với lối đá tiqui-taca đầy biến ảo, mà hạt nhân là những cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo La Masia, bóng đá xứ sở Đấu bò đã hoàn toàn thống trị thế giới từ phương diện CLB cho tới đội tuyển quốc gia. Trong khi "La Furia Roja" lần lượt lên ngôi ở hai giải đấu lớn nhất là EURO 2008 và World Cup 2010, thì những người Catalan cũng hoàn toàn thống trị thế giới ở cấp CLB với tổng cộng 12 chức vô địch giành được trên mọi đấu trường. Đó là những thành tích “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử của môn túc cầu.

Lối đá tiqui-taca huyền ảo của Barca sẽ trở nên bình thường? - Ảnh: Getty

Ba năm qua là quãng thời gian tiqui-taca trở thành nỗi khiếp sợ với mọi hàng phòng ngự trên thế giới, là cơn ác mộng đối với các thủ môn, là bài toán không có lời giải đối với các HLV hàng đầu. Cho dù là Người đặc biệt Jose Mourinho nổi tiếng tài năng trong cách vận dụng chiến thuật linh hoạt hay tư duy phòng ngự siêu đẳng; hay là Sir Alex Ferguson, người có khối “tài sản khổng lồ” về kinh nghiệm cầm quân, hay Arsene Wenger, Joachim Loew… tất cả đều có cùng một điểm chung. Đó là đều thất bại khi đối đầu với tiqui-taca.

Nhưng ở đời, rõ ràng là không có gì vĩnh cữu, có thể tồn tại mãi mãi, và tiqui-taca cũng không nằm ngoài quy luật đó. Sau nhiều lần liên tiếp thất bại, các đối thủ giờ đây đã tỏ ra thận trọng hơn với lối đá biến ảo này. Cách thông dụng nhất mà các HLV đang sử dụng chính là tổ chức phòng ngự có chiều sâu, tầng tầng lớp lớp. Để đối phó với Barca họ sẵn sàng dựng xe bus trước khung thành của đội nhà… và ngày càng có nhiều hơn những đội bóng thành công với lựa chọn này.

Trong kỷ nguyên của Pep Guardiola chưa bao giờ đội bóng xứ Catalan rơi vào cảnh khó khăn như hiện tại. Với thành tích bết bát trên sân khách kể từ đầu mùa, gã khổng lồ xứ Catalan đã bị Real bỏ xa đến 10 điểm trên bảng xếp hạng. Về lý thuyết, họ vẫn còn cơ hội đuổi kịp đội bóng Hoàng gia, nhưng nếu nghiêm túc nhìn nhận thì cơ hộ dành cho Messi và các đồng đội là không còn. Không chỉ là bởi khoảng cách quá lớn, mà còn bởi Real của Mourinho đang thi đấu cực kỳ ổn định. Với một người như HLV Mourrinho thì thật khó để ông sơ sẩy khi đã bỏ xa đối thủ đến 10 điểm khi mùa giải chỉ còn lại 13 vòng đấu nữa là kết thúc.

Như vậy, có thể xem như thờ kỳ thống trị của Barca tại La Liga đang đi đến hồi kết. Còn đế chế của Pep có thể tiếp tục tồn tại hay không đó là chuyện của tương lai. Nhưng sự chững lại của Barca, của tiqui-taca xét cho cùng cũng là tính tất yếu của lịch sử.

Quay ngược về quá khứ chúng ta có thể dễ dàng nhận ra Barca của Pep chưa phải là đế chế duy nhất rơi vào hoàn cảnh tương tự. Bởi trong lịch sử đã có rất nhiều đội bóng cũng đã phải bước vào thời kỳ thoái trào sau chu kỳ thành công. Đó là Real của huyền thoại Di Stefano trong thập niên 50, đó là bóng đá tổng lực của người Hà Lan trong thập niên 70 hay Bayern Munich của Beckenbauer... gần nhất là AC Milan của Arrigo Sacchi và chính Barca của Johan Cruyff trong thế kỷ trước. Tất cả những đội bóng đó đều là ông vua của Châu Âu, đều là đế chế “bất khả chiến bại” trong một thời gian nhất định. Nhưng theo thời gian nó cũng bước vào thời kỳ suy thoái và bây giờ Barca của Pep cũng không phải là ngoại lệ.

Bóng đá cũng như cuộc đời của mỗi con người, đều có lúc thịnh lúc suy, “không ai có thể nắm tay được cả ngày”. Cái mới vốn dĩ được sinh ra từ cái cũ, lùi một bước để tiến ba bước là quy luật tất yếu của cuộc sống và Barca cũng không phải là ngoại lệ. Nếu cuối mùa giải năm nay, Barca không bảo vệ thành công ngôi vô địch tại La Liga và kể cả có thất bại Champions League thì đó cũng là chuyện bình thường trong bóng đá. Bởi Barca của Pep có hùng mạnh đến mấy, tiqui-taca có huyền ảo đến đâu thì cũng có giới hạn riêng của nó. Sự đi xuống của một đội bóng sau chu kỳ thành công xét cho cùng cũng là điều tất yếu của lịch sử và không sớm thì muộn, nó tất yếu sẽ xẩy ra mà thôi.

(Bạn đọc: Hà Sơn)
 

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@tinthethao.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập TinTheThao.com.vn

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục