Bắn súng Việt Nam dự SEA Games 27: Nỗi lo chỉ tiêu

08:17 Thứ sáu 08/11/2013

Từ chỗ là một “mỏ vàng” của đoàn thể thao Việt Nam và có vị thế số 1 tại SEA Games 26, nhưng 2 năm sau, bắn súng Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thất thu huy chương tại SEA Games 27 bởi tư duy “ao làng” trong công tác tổ chức và sự yếu kém về trang thiết bị tập luyện.

Bắn súng ở SEA Games 27: Tư duy "ao làng"

Chuyện thay đổi về số lượng nội dung thi đấu, loại hình nội dung thi đấu môn bắn súng ở đấu trường SEA Games là chuyện không còn lạ. Rất nhiều người vẫn còn nhớ ban tổ chức của SEA Games 26 từng có ý tưởng đưa cả bắn súng quân dụng – một loại hình chỉ được áp dụng ở các lực lượng vũ trang vào chương trình thi đấu chính thức. Song cho đến thời điểm cuối cùng, do không nhận được sự ủng hộ của các đoàn nên đã bị loại bỏ trong sự “nuối tiếc” của các xạ thủ xứ vạn đảo.

Đến SEA Games 27, Myanmar không có ý tưởng mới, nhưng lại tỏ ra khá chặt chẽ trong việc lựa chọn các nội dung thi đấu. Môn bắn súng SEA Games 27 sẽ chỉ tổ chức đúng 6 nội dung thi đấu cá nhân và đồng đội với 12 bộ huy chương gồm 10m súng ngắn hơi nam, nữ; 50m súng ngắn hơi nam; 25m súng ngắn hơi nữ; 50m súng trường nam, nữ...

Như vậy, so với kỳ SEA Games trước, số nội dung bị cắt giảm và ai cũng hiểu đây là toàn bộ thề mạnh của nước chủ nhà. Tuy nhiên, ngoài việc chỉ “gật đầu” tổ chức các nội dung đủ sức tranh chấp, BTC lại đưa ra cả những quy định chưa từng có tiền lệ trong đăng ký thi đấu. Đó là việc các đoàn buộc phải đăng ký cụ thể 2 xạ thủ tính điểm cá nhân trước khi vào thi đấu đồng đội. Tổng thư ký Liên đoàn Bắn súng Việt Nam Nguyễn Đức Uýnh, từng có thâm niên 40 năm trong vai trò VĐV, HLV lẫn quản lý môn Bắn súng, cho biết: “Tôi chưa từng thấy quy định như thế này từ khi còn là VĐV. Ai cũng biết ở môn bắn súng, sau khi thi đấu đồng đội (gồm 3 người) thì 2 xạ thủ có thành tích cao nhất sẽ được tính điểm xếp hạng cá nhân. Việc phải đăng ký trước sẽ đem lại áp lực rất lớn cho các xạ thủ và rủi ro trong thi đấu”.

Hoàng Xuân Vinh vẫn là niềm hy vọng số 1 của bắn súng Việt Nam tại SEA Games 27

Chuẩn bị khó khăn

Các xạ thủ của đội tuyển bắn súng quốc gia đang phải chịu áp lực rất lớn trước chuyện cắt giảm nội dung và những quy định chưa từng có trong tiền lệ. Tuy nhiên, dẫu sao thì cũng là chuyện “ khó ta thì cũng khó người” và đã tham gia vào cuộc chơi này tất phải tuân thủ luật lệ của nó, kể cả là những quy định chẳng giống ai.

Vấn đề khiến 16 xạ thủ dự SEA Games 27 “lo ngay ngáy” trước giờ lên đường là công tác chuẩn bị, làm quen với điều kiện thi đấu. Bắn súng là một trong những môn thể thao Olympic có bề dày truyền thống của thể thao Việt Nam, nhưng ít ai biết rằng, các xạ thủ Việt Nam bấy lâu nay vẫn tập luyện và thi đấu ở một trường bắn được nhiều người nói đùa "có thể đưa vào… viện bảo tàng".

Trường bắn tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội được xây dựng từ hơn 20 năm trước với hệ thống bia cơ đã quá lạc hậu. Lạc hậu tới mức tất cả các thiết bị chấm điểm, tính điểm và thay bia đều phải làm thủ công bằng tay 100%. Trọng tài quốc tế Nguyễn Thanh Vân từng chia sẻ ở giải các tay súng xuất sắc toàn quốc 2013: “Trong khi luật thi đấu, cách tính điểm của thế giới thay đổi theo từng năm và yêu cầu khắt khe về hệ thống cơ sở vật chất thì chúng ta vẫn dẫm chân tại chỗ. Hệ thống bia trên trường bắn ở Nhổn đã quá cổ điển. Hiện tại, chúng tôi muốn mua mực để đổ vào máy chấm điểm để in kết quả cũng không có, vì lâu lắm rồi nhà sản xuất họ không sản xuất nữa”.

Khó khăn này khiến trước thềm mỗi kỳ thi đấu quốc tế, các nhà chuyên môn đành lựa chọn ra vài gương mặt sáng giá để đưa đi tập huấn nước ngoài. Nói là đi tập huấn nhưng thực chất thầy trò họ đến những nơi có trường bắn hiện đại với hệ thống bia điện tử (ví dụ ở Hàn Quốc) để làm quen với điều kiện thi đấu có tiêu chuẩn quốc tế để tránh… bỡ ngỡ ở SEA Games.

Hy vọng ở Hoàng Xuân Vinh

Khó khăn chủ quan và khách quan khiến cho bắn súng Việt Nam đối diện với nỗi lo thất thu huy chương ở Myanmar vào cuối tháng tới. Từ chỗ có vị thế số 1 ở SEA Games trước với 7 HCV, 3 HCB, 3 HCĐ, thì giờ đây HLV trưởng ĐTQG Nguyễn Thị Nhung tỏ ra dè dặt hơn: “Trước mối kỳ SEA Games chúng tôi luôn vào cuộc với tinh thần cao nhất và thi đấu thì luôn đặt mục tiêu là HCV. Nhưng năm nay, nội dung bị cắt giảm và điều kiện tập luyện thì như thế nên cũng rất lo lắng. Chúng tôi hi vọng sẽ giành tối thiểu 3 HCV”.

Ý kiến của HLV Nguyễn Thị Nhung nhận được sự chia sẻ rất lớn từ phía các xạ thủ trong đội tuyển. Nếu theo tư duy thành tích thì “năm trước nhất, năm sau cũng phải nhất”, nhưng thực tế không cho phép bắn súng Việt Nam lạc quan như vậy.

Trong bối cảnh khó khăn này, mọi hi vọng sẽ được đặt phần nhiều vào những xạ thủ dày dặn kinh nghiệm. Ở tuổi 40, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh là một trong những người như thế, sau những thành tích khá ổn định kể từ đầu năm. “Bản thân tôi cũng chỉ biết nỗ lực ở mức cao nhất. SEA Games 27 chỉ cho phép mỗi xạ thủ đăng ký 2 nội dung nên sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Khó khăn với bắn súng thì nhiều lắm. Mơ ước về một trường bắn đủ tiêu chuẩn không phải của cá nhân tôi mà là của biết bao thế hệ VĐV bắn súng từ chục năm nay, nhưng chưa biết đến bao giờ mới thành hiện thực”, xạ thủ của đoàn Quân đội chia sẻ.

Trong khi các thông tin này đến với độc giả thì một dự án xây dựng trường bắn chung kết với hệ thống bia điện tử tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội đã được triển khai, thậm chí là từ hơn 1 năm trước đây. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau nên dự án này vẫn nằm trên… giấy, trong bối cảnh cả làng bắn súng Việt Nam ngóng chờ mà chưa biết đến bao giờ nó mới được đưa vào triển khai trong thực tế. Cùng với chuyện thiếu đạn dược đã tồn tại bao năm qua, rõ ràng bắn súng Việt Nam chưa nhận được sự quan tâm đúng mức và xứng đáng với vai trò của nó (dù vẫn biết là các nhà chuyên môn đã nỗ lực hết mình). Và nếu tình trạng này cứ mãi kéo dài, chắc chắn bắn súng Việt Nam sẽ mất đi vị thế trên đấu trường quốc tế mà trải qua hàng chục năm chúng ta mới tạo dựng được.

Trúc An | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục