Asiad gần mà vẫn xa

11:03 Chủ nhật 17/08/2014

Đoàn thể thao Việt Nam sẽ dự Asiad 17 tại Incheon - Hàn Quốc với 298 thành viên, trong đó có 199 VĐV.

1. Đoàn thể thao Việt Nam sẽ dự Asiad 17 tại Incheon - Hàn Quốc với 298 thành viên, trong đó có 199 VĐV. Đoàn chỉ đặt mục tiêu khiêm tốn là 2-3 HCV nhắm vào những môn như thể dục, bắn súng, cử tạ vốn đang có những nhà vô địch thế giới trong tay.

So với các kỳ tham dự Asiad gần đây, mục tiêu của thể thao Việt Nam đã giảm nhiều để phù hợp với thực tế là các môn võ thế mạnh đều sa sút. Xét về chuyên môn, dù lần này đăng ký chỉ tiêu thấp nhưng đó đều là những môn Olympic, có tính tranh đua cao chứ không nặng về cảm tính. Đơn cử như lần đầu tiên thể thao Việt Nam đặt mục tiêu có huy chương ở môn bơi, tập trung vào kình ngư Ánh Viên đang đứng trong tốp 10 các tay bơi trẻ thế giới.

Tuy nhiên, ở một góc độ khác, lại có cảm giác thể thao Việt Nam vẫn tiếp tục thói quen tham dự Asiad với những gì mình có hơn là phải hướng đến một sự phát triển mang tính toàn diện hơn, như tinh thần của chiến lược thành tích vốn được đề ra sau khi giành quyền đăng cai Asiad 18 - lúc đó, dự định sẽ dùng Asiad 17 làm bài kiểm tra năng lực cho kỳ đại hội kế tiếp. Sau khi rút lui không đăng cai Asiad 18, mục tiêu cũng thay đổi.

Võ sĩ Lê Bích Phương giành HCV karatedo tại Asiad 2010 (Quảng Châu - Trung Quốc). Ảnh: BÁCH NHẬT

2. Thể thao Việt Nam trở lại với Asiad từ đại hội ở New Dehli năm 1982, tính đến nay đã có 10 HCV, 27 HCB và 25 HVĐ. Vấn đề là 3/4 số huy chương đó do các môn võ (Taekwondo, Karate, Vật) đem lại. Kỳ Asiad gần nhất, chiếc HCV duy nhất của Việt Nam cũng đến từ Karate. Nhưng chỉ 4 năm sau, cơ cấu mục tiêu huy chương lại thay đổi rất lớn, thay vì vẫn giữ được phong độ tại các môn sở trường, tăng thêm chất lượng ở các môn cơ bản thì trên thực tế, chỉ thay môn này bằng môn khác.

Ởû môn bắn súng, mục tiêu HCV được đặt vào xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, người chinh chiến 6 kỳ SEA Games và năm nay đã 40 tuổi. Mặc dù bắn súng là môn thế mạnh, từng đoạt các huy chương cho thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế, nhưng thực tế thì ngoài Hoàng Xuân Vinh ra cũng chẳng còn ai khác để tranh đoạt huy chương ở cấp độ châu Á. Tương tự là ở nội dung cử tạ, khi chúng ta chỉ có lợi thế nhờ thi đấu ở hạng cân thấp do yếu tố hình thể. Hoặc như môn thể dục với niềm hy vọng Phan Thị Hà Thanh, một trường hợp đặc biệt ở môn thể thao mà tại Việt Nam đang thiếu trầm trọng nhân lực lẫn cơ sở vật chất. Như vậy, thể thao Việt Nam đặt chỉ tiêu thành tích chủ yếu dựa trên sự xuất sắc mang tính cá nhân.

Nói cách khác, ngoài tài năng trẻ Nguyễn Thị Ánh Viên trên đường đua xanh, những mục tiêu huy chương của thể thao Việt Nam tại Asiad 17 đều không nói lên nhiều điều cho tương lai, trong khi môn võ vốn là thế mạnh lại đang sa sút.

3. Nói Asiad gần mà vẫn xa với thể thao Việt Nam là vì vậy. Gần là vì chúng ta hoàn toàn có thể mở rộng khả năng đạt thành tích cao ở nhiều môn khác nhau. Xa là vì dù duy trì thứ hạng trong tốp 3 khu vực suốt từ SEA Games 2003 đến nay, nhưng quá trình phát triển từ đẳng cấp Đông Nam Á đến châu Á lại quá chậm, có dấu hiệu thụt lùi về chất lẫn lượng. Nó phản ảnh cái tư duy thích giành nhiều huy chương ở “ao làng” hơn là tập trung nguồn lực cho đẳng cấp châu Á.

Trong đề án đăng cai Asiad 18, thể thao Việt Nam đã đề cập đến việc “bỏ qua” sân chơi SEA Games để xây dựng thế hệ VĐV “tấn công” vào đấu trường Asiad. Nhưng nay thì không biết chiến lược có tính cách mạng ấy còn được thực thi hay không?

Yến Phương | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục