5 điều rút ra cho V-League 2013

13:28 Thứ tư 04/09/2013

V-League mùa giải 2013 đã chính thức khép lại với chiếc Cúp vô địch thuộc về Hà Nội T&T, đội bóng do HLV Phan Thanh Hùng dẫn dắt. Tuy nhiên, giải đấu cao nhất Việt Nam vẫn còn nhiều điều đáng nói trong những niềm vui và nỗi buồn. Và sau đây là 5 điều rút ra sau khi giải đấu này kết thúc.

Xuất sắc chân sút nội

Mùa bóng 2013 thật sự bùng nổ với tổng cộng 357 bàn thắng được ghi khi mùa giải khép lại. Thực tế nó ít hơn ở 2012 nhưng mùa trước có tới 14 đội tham dự còn hiện tại con số này là 11, hiệu suất đạt 3,57 bàn/trận cao hơn hẳn mức 2,84 bàn/trận mùa trước. Đáng chú ý, các chân sút nội đóng góp tới 148 bàn.

Công Vinh là một trong những chân sút nội tốt nhất V-League. Ảnh: Internet.

Hiệu suất của ngôi sao bóng đá Việt Nam chiếm 41,46% cao hơn mùa trước rất nhiều. Mùa giải 2012, họ chỉ đạt hiệu suất 37,89%, ghi được 196 trong tổng 516 bàn, một con số biết nói. Điều đó chứng tỏ các chân sút nội đang ngày càng thể hiện được đẳng cấp của mình. Trong số đó phải kể tới Công Vinh, Anh Đức, Việt Thắng, Quag Hải,… những tiền đạo đã tạo ra một diện mạo mới cho bóng đá nước nhà.

Ấn tượng "cầu thủ thứ 12"

Trước thềm mùa giải 2013, nhiều giới chuyên gia lo ngại người hâm mộ sẽ quay lưng lại với bóng đã Việt Nam bởi những câu chuyện chuyên môn. Nhưng không, cầu thủ “thứ 12” vẫn còn đó, họ luôn theo sát các cầu thủ con cưng của mình trong từng trận đấu.

Đáng chú ý, trận B.BD – SLNA cũng trên sân Gò Đậu (vòng 18) đã phá kỷ lục khi có tới 30.000 CĐV đến sân. Chưa hết, bên ngoài sân có khoảng 20.000 CĐV đã phải ra về vì không thể chen chân vào SVĐ, cũng như tìm được chỗ gửi xe… Không chỉ có SLNA, mà còn Hải Phòng, SHB Đà Nẵng, Thanh Hóa…luôn có nguồn cổ động viên hùng mạnh. Theo thông kê, sau 22 vòng đấu V-League đã thu hút gần 1.220.000 khán giả đến sân (trung bình gần 9.300 người/trận). Trong đó, vòng 7 có số lượng khán giả cao nhất với 268.500 người (trung bình: 9.945 người/trận). Rõ ràng, đây là tín hiệu không thể tuyệt vời hơn cho những người làm bóng đá chuyên nghiệp.

V-League 2013 - Gánh nặng kinh tế

Nền kinh tế nước nhà đang gặp khó khăn khiến V-League 2013 cũng có phần lắng xuống. Nhiều đội bóng “nghèo” như K. Kiên Giang, ĐTLA, SLNA hay Đồng Nai,… không tài nào có được nguồn kinh phí để tăng cường lực lượng. Vì thế, tính căng thẳng trên thị trường chuyển nhượng V-League cũng giảm.

Kiên Giang không có tiền để trả lương cho cầu thủ. Ảnh: Internet.

Mùa giải 2013 vẫn là những ngôi sao thuộc hàng cũ đến quen mặt, không nhiều tên tuổi được đưa về từ nước ngoài. Nó khác xa so với những năm trước kia của bóng đá Việt Nam với những cuộc mua sắm “khủng”. Và việc K. Kiên Giang xuống hạng cũng giống nhu một cái kết đã được dự báo từ trước. Đơn giản, họ vừa thi đấu mà vừa lo, lo cho chén cơm manh áo của mình khi chuyện tương lai và tiền lương ở phía trước. Thực tế, Kiên Giang chỉ là một ví dụ điển hình cho tình hình hình kinh tế chung của làng bóng đá. Nhìn đâu xa, nhưng đội bóng mệnh danh đại gia như B. Bình Dương, SHB Đà Nẵng hay XMXT Sài Gòn,… cũng phải chấp nhận dùng hàng cũ.

XMXT Sài Gòn - Cái kết buồn cho V-League 2013

Rõ ràng việc đội bóng của bầu Thụy bỏ giải đã tạo ra một vết đen cho nền bóng đá nước nhà trên đường chuyên nghiệp. Thực tế, nếu đội bóng XMXT Sài Gòn không bỏ giải ở những vòng đấu cuối cùng thì V-League 2013 sẽ kết thúc có hậu đẹp cho người hâm mộ.

XMXT Sài Gòn giải thể là điều đáng tiếc nhất của V-League 2013. Ảnh: Internet.

Sự ra đi của đội bóng này đã chỉ ra những khuyết điểm cố hữu của bóng đá nước nhà trong nhiều năm qua. Chuyện tiền lương, cá độ, công tác trọng tài và sự chuẩn bị cho thời kỳ lên chuyên vẫn còn là nhiều dấu hỏi lớn. Câu chuyện XMXT Sài Gòn rất dài, ở đó người hâm mộ có thể thấy được nhiều vấn đề đặt ra cho bóng đá sân chơi lớn này. Đặc biệt, công tác tổ chức giải vẫn chưa được đảm bảo và thiếu gắn kết giữa VFF và VPF trong giải quyết khó khăn. Đúng là cái kết buồn cho V- League 2013. Nhưng có lẽ người hâm mộ phải chấp nhận điều đó, bởi bóng đá Việt Nam đang phải đối mặt với chuyện đó dài dài.

V-League 2013 - Khép lại để mở ra

Người đời thường nói: “Sau cơn mưa trời lại sáng”, hy vọng mọi chuyện đối với bóng đá nước nhà sẽ đi theo đúng con đường đã vạch ra. Các nhà làm bóng đá, cầu thủ và HLV cần hướng về người hâm mộ, nơi niềm tin luôn cháy bỏng. Chỉ cần nhìn lên khán đài, người ta có thể dễ dàng nhận thấy sức nóng của tình yêu bóng đá là như thế nào.

V-League 2013 đã trải qua nhiều giông bão, nhưng không phải vì thế mà nó kém hấp dẫn. Thực tế, xét về tính chuyên môn thì giải đấu đã đáp ứng được như cầu người hâm mộ. Đồng thời, chưa khi nào, sân cỏ V-League lại được truyền hình trực tiếp nhiều như mùa giải năm nay. Đặc biệt ở V-League, khoảng 95% các trận đấu được Đài truyền hình Trung ương tới địa phương cũng như các kênh truyền hình trả tiền tường thuật đầy đủ. Bên cạnh đó, hơi thở V-League sau mỗi vòng đấu thường xuyên được cập nhật, càng lôi kéo khán giả đến sân đông hơn.

Rõ ràng, V-League 2013 khép lại dù nó không được đẹp như nhiều người mơ ước nhưng sẽ không khó để nhận diện những thay đổi tích cực. Và người hâm mộ sẽ chờ đợi mùa giải tiếp theo với nhiều điều hấp dẫn hơn.

Tấn Việt | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục