VFF tự “nã đại bác” vào mình

14:07 Thứ năm 05/01/2012

Hôm qua, lần đầu tiên kể từ thời điểm bầu Kiên “nổ bom” hồi tháng 9-2011 đến nay, VFF mới có một văn bản thể hiện quyền lực của mình qua công văn số 06 gởi VPF để một lần nữa khẳng định quyền cao nhất của mình về bóng đá Việt Nam. Khổ nỗi, “viên đạn đại bác” mà VFF “bắn” về phía VPF lại chính là đòn đau nhất mà tổ chức này có thể gánh chịu.

Theo công văn của VFF thì hiện VPF chưa đủ tính pháp lý để trở thành “đại diện của VFF” và VFF chưa hề ủy quyền cho VPF chuyện gì. Thứ nhất, VPF chưa phải là “thành viên VFF”, thứ hai, chưa hề ký hợp đồng ủy quyền. Tóm lại: VPF chỉ là một công ty đơn thuần, chưa có quyền gì để điều hành 4 giải đấu mà VFF đã từng cho nghị quyết chuyển giao.

Cuộc “tình duyên” giữa VFF và VPF mới chớm đã bị rạn nứt. Ảnh: Quang Thắng

Phải thấy rằng, động thái này cho thấy VFF rất quyết liệt về thái độ đồng thời đẩy VPF đến tình trạng “vô thừa nhận”. Nói cách khác, VFF muốn “hạ gục” VPF bằng một “phát đại bác”.

Nhưng, luôn có một chữ nhưng, nếu VPF chưa có bất cứ quyền hạn gì thì tại sao chính VPF lại đang điều hành các giải đấu bằng các văn bản pháp quy. VFF là người cho phép hoặc để cho điều đó xảy ra như một thực tế không thể phủ nhận. Nếu VFF không công nhận tính hợp pháp của VPF thì chính họ là người chịu toàn bộ trách nhiệm chứ không phải VPF.

Bằng văn bản, VFF cho rằng VPF chưa phải là thành viên, chưa ký hợp đồng ủy quyền mà vẫn giao cho công ty này quyền tổ chức thì chính VFF đã sai nghiêm trọng chức năng quản lý Nhà nước về bóng đá. Bằng văn bản đó, rõ ràng VFF đã biết VPF chưa đủ tính pháp lý mà vẫn để cho công ty này làm việc thì phải chăng, đấy là “buông lỏng quản lý” hoặc “cố ý làm trái”. Tội nào thì cũng đều nặng cả!

Như chúng tôi đã nhiều lần đề cập, “bầu” Kiên và VFF quá khôn ngoan khi tuyệt đối đứng trên quan điểm của mình mà phản bác hợp đồng AVG-VFF. Chính vì VFF đã để cho họ quyền điều hành giải đấu thì đương nhiên, họ phải có các quyền còn lại bao gồm sở hữu bản quyền truyền hình. VPF có sai đi nữa, thì chính VFF phải sai trước.

VPF quá khôn ngoan khi không trực tiếp vi phạm hợp đồng khi vẫn tuyên bố, không xem hợp đồng ấy có hiệu lực. Họ đứng ở góc độ các CLB chứ không đứng ở tư cách “thành viên VFF”. Rõ ràng, VPF biết rất rõ quyền và trách nhiệm của mình, còn VFF thì không. Giống như chuyện tranh tụng tại tòa án, ở đây VPF luôn sử dụng cái quyền “phản đối” mọi kết luận của phía bên kia cho dù đúng hay sai thì chưa được phân xử. Xét ở khía cạnh đó, AVG lẫn VFF chẳng có cơ sở gì để bảo VPF là vi phạm hợp đồng. Ở “cuộc chơi luật lệ” thì VPF luôn cao hơn VFF một nước đi.

Trong khi đó, VFF hiện đang giữ quyền phủ quyết ở đại hội đồng cổ đông và có đến 3 thành viên trong HĐQT nhưng lại không sử dụng “công cụ pháp lý” đó trước, lại dùng văn bản để trao đổi, vô tình chính họ tạo nên chứng cớ mình đã sai khi để mặc cho VPF điều hành các giải đấu khi chưa đủ thủ tục pháp lý.

Một lần nữa, “mặt bằng VFF” so với “mặt bằng xã hội” như thế nào, chắc ai cũng rõ. Đáng tiếc là dù cũng nắm trong tay không ít lý lẽ thuyết phục nhưng VFF đã tự “nã đại bác” vào mình dù “đối phương” chưa hề “tấn công” trực diện họ.
Hồ Việt | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục