Vẫn chỉ là mơ ước

08:42 Thứ năm 30/10/2014 | 9

Thành tích vượt 3 lần chỉ tiêu đề ra tại Asian Para Games 2014 vừa kết thúc cho thấy nỗ lực phi thường của các VĐV khuyết tật. Nhưng ẩn trong đó còn có nhiều nỗi niềm khó nói.

Sự quan tâm, đãi ngộ với các VĐV khuyết tật chưa xứng với đóng góp của họ

Suốt 6 ngày tranh tài tại Hàn Quốc, các VĐV phải vật lộn với thời tiết khắc nghiệt, gió lốc, mưa dông thường xuyên xuất hiện. Đoàn có 45 VĐV thì có tới 10 người bị ốm, 5 người phải uống kháng sinh. VĐV bị đau nhức cơ sau tập luyện, thi đấu cũng khoảng 6-7 người. HLV tuyển điền kinh Đặng Văn Phúc mắc bệnh xoang mãn tính, song vẫn cắn răng dầm mưa gió nhiều giờ để làm điểm tựa cho các học trò cũng ốm như mình đang cố gắng tập luyện mong đoạt huy chương. Cạnh điểm đóng quân của đoàn Việt Nam là Singapore, với một phòng y tế chuyên dụng có bác sỹ, kỹ thuật viên túc trực, thuốc men đầy đủ. Nhìn VĐV đội bạn được chăm sóc tỉ mỉ, trong khi VĐV đội nhà chỉ uống thuốc giảm đau hoặc dán cao tạm bợ, cánh phóng viên Việt Nam tác nghiệp theo đoàn không khỏi chạnh lòng thương cảm.

Sau kỳ tích tại giải châu Á 2014 cùng những lời chúc tụng, ngợi ca như gió thoảng qua, các VĐV khuyết tật trở về với mối lo cơm áo gạo tiền. Với họ, thi đấu thể thao chỉ để được cháy với niềm đam mê chứ khó có thể nuôi sống bản thân, gia đình. Nếu như các VĐV bình thường được hưởng chế độ trợ cấp, tiền ăn, tiền công đều đặn mỗi tháng thì những đồng nghiệp khuyết tật chỉ được hưởng trợ cấp mỗi khi thi đấu giải. Cụ thể, tiền công tập luyện cho VĐV khuyết tật là 200.000 đồng/người/ngày và được nâng lên 300.000 đồng/người/ngày trong thời gian dự giải. Giải Đông Nam Á hay châu Á cũng “đóng khung” ở mức này. Hết giải, tiền trợ cấp lại trở về con số 0.

Tổng Thư ký Hiệp hội Paralympic Vũ Thế Phiệt chia sẻ: “Có một thực tế là thể thao khuyết tật chưa được quan tâm, đãi ngộ đúng mức trong khi sự cố gắng, nỗ lực và đóng góp của họ không thua kém, thậm chí hơn hẳn VĐV bình thường. Chúng tôi đã đề xuất tăng tiền ăn (400.000 đồng/người/ngày) và tiền công (400.000 đồng/người/ngày) cho VĐV khuyết tật trong thời gian dự các giải quốc tế lớn, song dự kiến phải tới đầu năm 2015 mới được duyệt và chỉ duyệt cho các VĐV trọng điểm có cơ hội giành huy chương. Hết giải các VĐV lại về địa phương và nếu địa phương trợ cấp đồng nào thì hay đồng ấy thôi. Mơ ước các VĐV khuyết tật được tiền trợ cấp hàng tháng vẫn chỉ là mơ ước”.

Bên cạnh thiệt thòi vật chất, các VĐV khuyết tật cũng phải chịu thiệt cả về mặt tinh thần. Có một thực tế đáng buồn là những tấm gương nghị lực vượt khó của VĐV khuyết tật cần được biểu dương, phổ biến, tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội nhưng lại rất ít được truyền thông nhắc tới, có chăng chỉ là những mẩu tin ngắn ngủn về thành tích của đoàn tại các giải đấu. Tại Asian Para Games 2014 vừa rồi, đoàn lên đường trong sự lặng lẽ và khi trở về với kỳ tích 9 HCV (gấp 3 lần chỉ tiêu đề ra), 1 kỷ lục thế giới, 2 kỷ lục châu Á thì cũng chỉ có vài người thân và quan chức ra đón đoàn.

Những con người giàu nghị lực vẫn ngày ngày nỗ lực cống hiến cho xã hội, cho Tổ quốc. Đến bao giờ, họ mới thoát cảnh “vô địch thiệt thòi”?

Thuần Thư | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục