Hoàng Quý Phước về cuối cùng ở nội dung 200m tự do nam. Ảnh chụp màn hình. |
Chiều 3.8, Hoàng Quý Phước đã về đích cuối cùng (thứ 9) ở lượt đấu loại thứ 5 và đứng thứ 63/79 VĐV tham dự nội dung 200 m tự do nam với thành tích 1 phút 54 giây 31 - còn kém xa thành tích 1 phút 48 giây 96 đã từng đưa Phước đến với chức vô địch SEA Games 28 (đồng thời phá kỷ lục SEA Games của chính anh là 1 phút 50 giây 64 tại SEA Games 27).
Việc Phước không có mặt ở bán kết không có gì đáng ngạc nhiên vì ở nội dung anh tham dự toàn những hảo thủ hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, không thể không buồn và không lo lắng khi Phước đã không thể duy trì được thành tích của chính mình. Mà nguyên nhân sâu xa đến từ chủ quan lẫn khách quan.
Ngay tại SEA Games 28 vào tháng 6, Phước đã kêu đau lưng do tái phát chấn thương mà anh bị dai dẳng từ nhiều năm nay. Trước khi quay lại Nhật Bản tập huấn (anh sang Nhật từ hồi tháng 1 năm nay), Phước đã báo cáo rõ với Hiệp hội thể thao dưới nước Việt Nam về tình hình chấn thương nhưng lãnh đạo Tổng cục TDTT hoàn toàn bị bưng bít thông tin. Cho đến cuộc họp gần đây để bàn hướng đi tiếp theo cho Phước, Tổng cục TDTT mới ngã ngửa người khi cơ quan chủ quản của Phước là Đà Nẵng thông báo Phước bị đau khá nặng.
Ngành thể thao và Đà Nẵng đã cùng chung chi khoản tiền đầu tư 1,6 tỉ đồng để đưa Phước sang Nhật tập huấn trong năm 2015. Nhưng chẳng hiểu Hiệp hội bơi dưới nước Việt Nam tính toán kiểu gì mà Phước cứ như bị “vứt” ở đất khách quê người. Hành trình của Phước trên đất Nhật gắn liền với chữ “cô đơn” bởi anh phải lo liệu từ việc đi chợ, nấu nướng mà chẳng có HLV người Việt nào bên cạnh để chăm sóc.
Thành tích của Quý Phước nội dung 200m tự do nam chiều nay còn kém xa thành tích 1 phút 48 giây 96 đã từng đưa Phước đến với chức vô địch SEA Games 28. Ảnh chụp màn hình. |
Có người nói, phải tự nấu ăn khi ra nước ngoài là rất bình thường vì cũng như đi du học. Quan điểm đó là sai lầm bởi việc đào tạo một VĐV đỉnh cao hoàn toàn khác. Trên thế giới, chưa một VĐV nào phải tự thân vận động như trường hợp của Phước.
Điều đáng nói nữa là CLB mà Phước đang tập luyện trực thuộc công ty Renaissance (kinh doanh cả tập thể hình, yoga), không phải địa chỉ tập luyện của đội tuyển quốc gia Nhật cũng không phải điểm đến của nhiều đội tuyển các nước (Những CLB mà Ánh Viên đang tập huấn tại Mỹ là nơi đã và đang đào tạo những VĐV thượng thặng của Mỹ và thế giới, chuyên gia của Viên từng huấn luyện cả Michael Phelps).
Công ty Renaissance có hàng trăm CLB nhưng CLB mà Phước tập không phải tốt nhất. HLV của Phước gần như “vô danh”, chưa huấn luyện VĐV đỉnh cao, mới chỉ đào tạo 2… VĐV nữ trước khi biết Phước. Phương pháp huấn luyện của CLB chưa phù hợp bởi suốt 6 tháng qua, Phước chỉ được tập kỹ thuật và tập tĩnh.
Gần như không được chú trọng những bài tập tăng cường sức mạnh (như tập tạ), ít có bài tập phát triển sức bền tốc độ. Ở CLB, Phước tập với những VĐV nhỏ tuổi, trình độ chênh lệch quá nhiều so với anh. Phước không được cọ xát, thi đấu với những người tài giỏi hơn mình.
Hiện Quý Phước đã đạt chuẩn B dự Olympic 2016 nhưng để có vé chính thức thì phải đạt chuẩn A. Ảnh: Khả Hòa. |
Tại SEA Games 28, ngoại trừ nội dung 200 m tự do thi đấu ngày đầu tiên, Phước đã bung hết tiềm lực và năng lượng được tích lũy cả quá trình dài từ trước đến nay nên giành HCV. Ở những ngày sau, Phước không giành thêm một tấm huy chương nào. Nội dung 100 m tự do, Phước chỉ đạt 50 giây 60 (năm 2014, Phước đạt 50 giây 06). Một số nội dung khác cũng đều thấp hơn chỉ số của chính anh.
Hơn một tháng qua, vì đau lưng nên việc tập tành tại Nhật của anh bị ảnh hưởng quá nhiều. Và dĩ nhiên, điều kiện tập luyện không như mong muốn cộng với trở ngại từ chấn thương, Phước không chiến thắng được chính mình ở giải thế giới là điều dễ hiểu.
Điều khó hiểu ở đây là, dù Phước đã trình bày mọi khó khăn cũng như từng xin về Việt Nam để điều trị nhưng Hiệp hội thể thao dưới nước Việt Nam nhất quyết không đồng ý. Hiệp hội cũng không có những báo cáo trung thực với lãnh đạo ngành.
Được biết, vào ngày 4.8, Sở Văn hóa Thể thao Du Lịch Đà Nẵng sẽ chính thức có công văn đề nghị với Tổng cục TDTT về việc dừng tập huấn tại Nhật.
Nếu được sự chấp thuận, vào ngày 11.8 tới đây, Phước từ Nga về Hà Nội rồi sẽ di chuyển về Đà Nẵng chứ không quay lại Nhật vào ngày 22.8 như lịch sắp sẵn của Hiệp hội thể thao dưới nước.
Sẽ có một cuộc họp khác giữa Tổng cục TDTT và Đà Nẵng để bàn tính kỹ hơn về tương lai của Hoàng Quý Phước, không chỉ là điều trị chấn thương cho dứt điểm. Theo một lãnh đạo ngành, Phước năm nay còn rất trẻ, mới 22 tuổi nên còn có thể giành thành tích tốt thêm 2 kỳ SEA Games nữa. Hiện anh đã đạt chuẩn B dự Olympic 2016 nhưng để có vé chính thức thì phải đạt chuẩn A. Mà muốn đạt được những ước vọng đó, đòi hỏi nhiều thứ lắm.