ASIAD 17: Có sao dùng vậy?

13:21 Thứ bảy 04/10/2014

Một kỳ ASIAD có cả thành công và thất bại. Hôm nay 4-10 khép lại và hy vọng sau Đại hội châu Á này, thể thao nước nhà biết nhìn lại mình một cách nghiêm túc, chú trọng đầu tư những môn chính thống để có thể thoát khỏi cảnh… mơ HCV ở sân chơi châu lục! Bốn năm trước, ngay sau khi kết thúc ASIAD 2010 diễn ra tại Quảng Châu (Trung Quốc), đã có cảnh báo nếu như TTVN không có những đầu tư, quy hoạch những môn trọng điểm, rất có thể thành tích chỉ giành được 1 HCV sẽ lặp lại. Lời cảnh báo ấy đã trở thành thực tế ở kỳ ASIAD năm nay, khi đến thời điểm này, đoàn TTVN không hoàn thành mục t

Những tấm HCB của Hà Thanh rất đáng quý  nhưng chúng ta cần làm tốt hơn thế

Trước tiên, cần phải khẳng định đoàn TTVN đã lường trước được những khó khăn ở kỳ ASIAD lần này. Theo các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực thể thao, việc cạnh tranh HCV ở sân chơi Á vận hội ngày càng khốc liệt. ASIAD là nơi quy tụ khoảng 11.000 VĐV của 36 môn thể thao từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á. Trong 11.000 VĐV có khoảng 120 - 140 nhà vô địch Olympic, khoảng 300 nhà vô địch thế giới và châu lục. Châu Á là nơi tập trung đông và có nhiều VĐV ưu tú, các nhà quán quân của một số môn hàng đầu thế giới như cử tạ, bóng bàn, judo, karatedo, taekwondo, thể dục dụng cụ, cầu lông, bắn súng, boxing, một số cự ly của bơi, điền kinh…

Trong khi đó, hãy nhìn vào lực lương của Việt Nam mang tới ASIAD lần này, với gần 200 VĐV nhưng những gương mặt được kỳ vọng giành HCV chỉ đếm trên đầu ngón tay như: Xuân Vinh (bắn súng), Hoàng Ngân (karatedo), Kim Tuấn(cử tạ), Ánh Viên(bơi), Hà Thanh(Thể dục dụng cụ)… Như đã nói ở trên, lãnh đạo đoàn TTVN đã lường trước được những khó khăn, nên chỉ đặt mục tiêu khiêm tốn giành từ 2-3 HCV, đứng thứ 15 đến 17 trên BXH huy chương.

Nhưng mục tiêu đó đã không thể hoàn thành, bởi ngoài trình độ chuyên môn, để có thể bước lên cao nhất tại ASIAD, có quá nhiều yếu tố cần phải có ở các VĐV.

Chúng ta có thể đã thiếu may mắn ở trường hợp của Hoàng Phương (bắn súng) hay Bùi Thị Thu Thảo (nhảy xa), nhưng với phần lớn những tấm HCB, HCĐ còn lại, đều có khoảng cách trình độ khá lớn với các đối thủ. Ngay cả đến niềm hy vọng lớn nhất là nhà cựu vô địch thế giới Nguyễn Hoàng Ngân (karate), cũng phải thua trắng 0-5 trong trận chung kết trước VĐV người Nhật Bản.

Thực tế, TTVN tại ASIAD năm nay đã có những dấu hiệu khởi sắc ở các môn cơ bản của Olympic. Lần đầu tiên chúng ta có huy chương ở môn bơi lội, cử tạ, TDDC, đua thuyền. Ở môn điền kinh, 2 tấm HCB ở nội dung 400m nữ và nhảy xa nữ (điền kinh) mang tính lịch sử. Cũng phải kể đến HCB ở môn đua xe đạp, 2 HCĐ ở môn đấu kiếm, 2 HCĐ ở môn boxing nữ. Ngoài ra, thành tích của 2 đội tuyển bóng đá nam, nữ cũng rất đáng khen ngợi. Đó là những cột mốc mới với TTVN, thể hiện sự hội nhập của chúng ta ở sân chơi số 1 châu Á.

TTVN cho thấy sự tiến bộ nhất định ở các môn Olympic và đó chính là thành công đáng ghi nhận ở ASIAD năm nay, nhưng rõ ràng nếu đánh giá một cách tổng thể, chúng ta lại thất bại.

Xét về thành tích, TTVN luôn đứng tốp 3 ở các kỳ SEA Games nhưng tại ASIAD chúng ta lại đứng thứ 6-7 khu vực Đông Nam Á. Tại ASIAD năm nay, các nước láng giềng của Việt Nam đã khẳng định được vị thế của mình ở sân chơi châu lục. Tính đến ngày hôm qua (3-10), đoàn TTVN đứng ở vị trí 21 trên BXH (1 HCV, 10 HCB, 24 HCĐ). Trong khi đó, Thái Lan đã vươn lên vị trí thứ 7 (11, 7, 27), Malaysia thứ 14 (5, 15, 12), Singapore thứ 15 (5, 6, 11), Indonesia thứ 16 (4, 5, 11). Thậm chí ngay cả Myanmar cũng xếp trên Việt Nam với vị trí thứ 20 (2, 2, 1).

TTVN vẫn chưa khẳng định được vị thế ở sân chơi ASIAD

Điều đáng nói, trong khi Việt Nam chỉ giành được duy nhất 1 tấm HCV ở môn chấm điểm cảm tính như wushu, thì các nước trong khu vực đều có HCV ở môn cơ bản Olympic. Thái Lan có HCV xe đạp, taekwondo, quần vợt; Singapore thành công ở bowling, bơi lội, thuyền buồm; Malaysia có HCV karatedo; Indonesia HCV điền kinh, cầu lông…

Trong thể thao thành tích cao, dù có giành hàng chục HCB, HCĐ nhưng cũng không được đánh giá cao bằng một HCV. Vì thế, nếu tính về thành tích HCV nói riêng, TTVN chỉ ngang với Lào trong khu vực.

Đoàn TTVN không hoàn thành chỉ tiêu 2-3 HCV đã là một thất bại. Chúng ta thua các nước trong khu vực về số lượng và chất lượng HCV, cũng là một thất bại nữa. Và thất bại lớn nhất là sau 4 năm, chúng ta không hề cải thiện được vị trí, thậm chí còn đi thụt lùi. Lãnh đạo đoàn TTVN có thể tự an ủi bằng những tấm HCB, HCĐ ở môn cử tạ, điền kinh, bơi lội, bắn súng… nhưng họ giải thích thế nào về thành tích nghèo nàn của đoàn TTVN trong gần 1 thập kỷ qua?

Nếu có một điều đáng tiếc có ý nghĩa như một bài học kinh nghiệm xương máu đối với TTVN là đã không biết cách (hoặc không thể) "biến” những tấm HCB ASIAD 2010 thành HCV ASIAD 2014. Chúng ta có VĐV tiệm cậm trình độ châu lục, nhưng chưa thể bứt lên hẳn vì phụ thuộc nhiều yếu tố, đặc thù của TTVN.

Nói như ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Tổng cục TDTT, để có thể chắc chắn tin vào một tấm HCV, thì VĐV của ta phải thắng những đối thủ cạnh tranh trực tiếp nhiều lần, tức là ở trình độ hơn hẳn đối thủ. Trong khi nhìn các gương mặt đáng chú ý của thể thao nước nhà, tất cả chỉ là 50-50 hay trông chờ nhiều vào may mắn. Còn nhìn sâu, nhìn xa hơn, tất cả các quốc gia đều bắt đầu việc tìm kiếm tài năng thể thao từ hệ thống các trường học. Đó chính là nền tảng, cần được hoạch định một cách căn cơ, chứ không theo kiểu có sao dùng vậy như hiện nay.

Việt An | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục