Đại hội TDTT toàn quốc 2014: Câu chuyện ở “hội làng”

15:57 Thứ ba 16/12/2014

Hôm nay, đại hội TDTT toàn quốc sẽ kết thúc với lễ bế mạc hoành tráng ở Nam Định. Thêm một kỳ đại hội nữa kết thúc mà những gì đọng lại chỉ là những bức xúc và căn bệnh thành tích kiểu “hội làng”.

Từ câu chuyện bóng đá

Đà Nẵng là một trong số những đội bóng hiếm hoi đang thi đấu ở V.League tham dự kỳ đại hội TDTT lần này. Sở VH, TT&DL TP Đà Nẵng đặt chỉ tiêu vô địch môn bóng đá để cạnh tranh thứ hạng với các địa phương khác.

Nguyễn Thị Ánh Viên thống trị đường đua xanh với 12 tấm HCV, phá 12 kỷ lục quốc gia.

Thế nhưng, khi tham dự giải, HLV Lê Huỳnh Đức mới nhận ra rằng, việc tham gia kỳ đại hội không phải là một quyết định đúng đắn. Ông Đức nói: “Ngay từ ngày đầu tham dự giải đấu, các đội bóng khác sử dụng những cầu thủ trẻ và họ thực hiện kiểu đá thô bạo. Tôi muốn thành tích, nhưng không vì thế mà mạo hiểm với sự nghiệp thi đấu của các em. Thế nên, chúng tôi chấp nhận bị loại sớm khỏi giải đấu này để tập trung cho V.League sắp khởi tranh”.

Cựu danh thủ Việt Nam cũng cho rằng, các kỳ đại hội TDTT thì những VĐV chuyên nghiệp, thành tích cao không nên tham dự vì rủi ro rất lớn, trong khi mục đích phát triển TDTT phong trào không đạt được. “Tôi cho rằng, các kỳ đại hội này những VĐV của ĐTQG không nên tham dự, bởi nếu như chấn thương sẽ ảnh hưởng rất lớn. Trong khi đại hội nên dành để khuyến khích phong trào thể thao của các tỉnh vùng sâu, vùng xa. Tôi thấy, những trung tâm lớn vẫn giành hết các huy chương, những địa phương khác liệu có mất đi động lực”.

“Dao giết trâu mổ gà”

Đó là ví von của nhiều HLV các địa phương vùng sâu, vùng xa khi chứng kiến những “gà nòi” thuộc những địa phương lớn liên tục bước lên bục vinh quang. Chẳng hạn như kình ngư Ánh Viên của đoàn quân đội được đăng ký tham dự 12/12 nội dung môn bơi. Với đẳng cấp châu lục, Ánh Viên nhẹ nhàng mang về 12 HCV cá nhân và lập tới 12 kỷ lục quốc gia. Có một ví von rằng cứ nhảy xuống nước là Ánh Viên mang về huy chương và nhiều người thắc mắc rằng sao một VĐV ở tầm cỡ châu lục và quốc tế lại tham gia một giải đấu ở cấp thấp này làm gì cho... mất công.

Phạm Thị Bình là một ví dụ khác, tuyển thủ quốc gia từng chinh chiến ở nhiều đấu trường nước ngoài thậm chí còn bị xác định là “mang bệnh tim bẩm sinh” này đã dễ dàng đoạt tấm HCV ở nội dung marathon 42 km cho đoàn Quảng Ngãi. Lê Bích Phương, người từng mang tấm HCV duy nhất cho đoàn thể thao Việt Nam tại Asiad 2014 tại Hàn Quốc, cũng dễ dàng đứng đầu ở nội dung kumite hạng 50 kg dù dính chấn thương ở cơ chân.

Như nhiều kỳ đại hội khác, các VĐV thành phố đã xuất sắc giành phần lớn những tấm huy chương. Một con số để so sánh, cho đến 15h ngày 15/12, đoàn Hà Nội giành 86 HCV còn đoàn TPHCM giành 82 HCV, tổng số Vàng mà hai đoàn này giành được đã gấp đôi so với tất cả các đoàn khác cộng lại.

Hội làng?

Ông Bùi Khắc Lâm - HLV môn võ Vovinam của đoàn thể thao tỉnh Hà Tĩnh cho rằng việc quá chú trọng thành tích giữa các đoàn với nhau đã biến đại hội TDTT trở thành sân chơi riêng của một số đoàn có VĐV mạnh.

Thông thường, những VĐV giỏi sẽ đầu quân cho các trung tâm lớn và việc sử dụng các VĐV này để tranh tài với các VĐV từ những đoàn khác sẽ dẫn đến sự mất công bằng khi các VĐV quốc gia thể hiện đẳng cấp vượt trội. Tôi cho rằng, ở mỗi môn đều có tổ chức giải quốc gia hằng năm, thế nên việc tổ chức đại hội nên trao cơ hội cho những VĐV khác”.

Căn bệnh thành tích tiếp tục khiến cho các cuộc tranh tài của kỳ đại hội TDTT vừa qua chứng kiến những câu chuyện khó có thể diễn tả được thành lời. “Chuyện chia chác huy chương” có lẽ không nói tới vì chẳng đủ bằng chứng nhưng việc các đoàn “lớn” thu gom huy chương vì lực lượng mạnh đã diễn ra “như cơm bữa”.

Bức tranh của ngày hội thể thao được tổ chức với kinh phí lên tới “hàng nghìn tỷ” diễn ra một cách khá ảm đạm dù rằng ở đó có tới 54 kỷ lục đại hội, quốc gia và thậm chí 1 kỷ lục thế giới (môn bắn súng) đã được phá.

Hà Thành | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục