Bóng đá Nhật Bản: Nhà muốn chắc, móng phải chắc

23:29 Thứ bảy 21/04/2012

Nước Nhật vốn được cả thế giới khâm phục vì khả năng tái thiết, phục hồi nền kinh tế thần kỳ sau Thế chiến II. Họ trở thành cường quốc kinh tế chỉ trong vòng vài thập kỷ. Trong môn thể thao vua, Nhật Bản cũng nhận được sự kính nể của thế giới trong việc phát triển môn thể thao ở một đất nước mà bóng chày từng là môn thể thao số 1.

Gieo mầm tình yêu bóng đá

Vì sao Nhật Bản đi sau nhưng lại có thể về trước? Vì sao nhiều quốc gia khác cũng có nguồn tài chính hùng mạnh (các nước Ả rập), dân số đông (Trung Quốc, Ấn Độ), hâm mộ bóng đá cuồng nhiệt (Việt Nam) lại chưa thể thành công?

Ngay từ khi đề ra chiến lược phát triển môn bóng đá, người Nhật đã có kế hoạch rất bài bản và vững chắc. Họ không đi tắt đón đầu mà quyết định hướng đến việc xây dựng ngôi nhà bóng đá từ móng. Kể từ đầu thập kỷ 1980, bóng đá đã được đưa vào trường học trên khắp cả nước. Nhưng trước hết, làm thế nào để các cậu bé tập luyện bóng đá một cách say mê?

Nhật Bản đã rất thành công trong việc xây dựng hình ảnh môn thể thao vua thông qua một thế mạnh khác của người Nhật: truyện tranh "manga". Năm 1981, bộ truyện tranh "Đội trưởng Subasa" gây cơn sốt trong hầu khắp các em nhỏ trên toàn nước Nhật. Cần biết rằng ở thời điểm đó, bóng chày mới là môn thể thao thống trị ở "cường quốc" về thiên tai này.

Bóng đá Nhật Bản đang ngày càng hùng mạnh như ước muốn được gửi gắm trong bộ truyện tranh Subasa

Từ một cậu học sinh ham thích bóng đá, Tsubasa tham gia đội tuyển trường, thi đấu giải giữa các trường cho đến khi trở thành cầu thủ chuyên nghiệp rồi đại diện cho đất nước thi đấu ở World Cup dành cho đội tuyển trẻ, khoác áo các CLB danh tiếng như Sao Paulo, Barcelona… Tất cả các cậu bé khi đọc truyện này đều có ước mơ một ngày được cầm Cúp Vàng như Subasa, trong những độc giả đó có cả những danh thủ nổi tiếng thế giới như Zidane, Del Piero, Totti, Torres v.v…

Bài bản, rộng khắp và chuyên nghiệp

Khi đã gieo mầm tình yêu trong các em nhỏ nhờ cách làm truyền thông cực kỳ khéo léo, mọi vấn đề khác chỉ còn là thứ yếu đối với người Nhật, giống như họ làm kinh tế vậy. LĐBĐ Nhật có chính sách hỗ trợ các tỉnh thành trên toàn quốc thông qua nhiều hình thức. Họ khuyến khích các giáo viên thể chất học lớp bóng đá và lấy bằng HLV. Chỉ khi nào người dạy có kiến thức chuẩn thì quá trình đào tạo mới hiệu quả.

Bên cạnh đó, LĐBĐ Nhật ban hành tài liệu chuẩn thống nhất quy trình đào tạo bóng đá trẻ để giúp một em nhỏ có thể tham gia học bóng đá ở bất kỳ đâu cho dù có phải thay đổi địa điểm. Mỗi tuần, các học sinh tập 6 buổi, mỗi buổi kéo dài 2 tiếng sau giờ học văn hóa. Một chuyên gia bóng đá của Nhật chia sẻ rằng sở dĩ bóng đá trường học phát triển mạnh là bởi sự cạnh tranh ở đây rất cao.

Nếu như ở các CLB, họ chỉ có thể chọn 15 cầu thủ từ 30 người để đi đấu giải thì ở trường học, tỷ lệ chọi sẽ gắt gao hơn gấp cả chục lần! Chính những ngôi sao như Nakata, Nakamura, Kagawa, Honda hay Hasebe đều có xuất phát điểm từ bóng đá trường học. Năm 1993, LĐBĐ Nhật khai sinh giải bóng đá chuyên nghiệp J.League để tạo môi trường thử sức cho các cầu thủ trẻ.

Sau 2 thập kỷ, Nhật Bản giờ đây đã là khách quen ở các giải World Cup. Họ đặt mục tiêu tổ chức giải và vô địch vào năm 2050 nhưng có thể thời điểm họ nâng cao Cúp Vàng, như hình ảnh Subasa trong bộ truyện tranh, không còn bao xa nữa.

Phong Vân | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục