Vì sao FA lại phế John Terry?

17:48 Chủ nhật 05/02/2012

Vụ việc Liên đoàn bóng đá Anh (FA) mới đây đã nhóm họp và đưa ra quyết định tước băng đội trưởng của John Terry gây ra khá nhiều sự ngạc nhiên, ngay cả đối với những người trong cuộc. Vậy vì sao FA lại đưa ra quyết định đột ngột như vậy?

Trong phiên họp bất ngờ của FA vào thứ 6 vừa qua (3/2), cơ quan này đã chính thức thống nhất tước băng đội trưởng của John Terry. Đây là lần thứ hai hậu vệ của Chelsea bị phế khỏi vị trí dẫn đầu “Tam sư”, nhưng khác với lần trước anh bị HLV Capello trừng phạt vì lối sống buông thả, lần này quyết định loại Terry đến từ FA và ngay Capello cũng không can dự.

Capello không hề biết trước thông tin FA sẽ trảm Terry

Chiến lược gia người Italia chỉ biết về thông tin trên khi đích thân Chủ tịch FA, David Bernstein gọi điện thoại thông báo cho ông. Đương nhiên Don Fabio không khỏi sốc trước tin này, mọi vấn đề trước đó đều diễn ra hết sức bình thường nhưng “đùng một cái” cậu học trò ông tin tưởng nhất lại bị FA “trảm”.

FA không ngẫu nhiên phế chiếc băng đội trưởng của Terry, trong bản thông cáo mà cơ quan này phát đi có nói rõ, hậu vệ của Chelsea đã vướng vào vấn đề phân biệt chủng tộc với Anton Ferdinand và điều đó đã làm xấu đi hình ảnh của đội tuyển Anh. Cho nên anh không còn manh trên mình trọng trách làm người đứng đầu đội tuyển.

Lý giải của FA nếu chưa hiểu thật rõ thì thấy có phần chưa thỏa đáng, bởi vụ lùm xùm giữa Terry và em trai Rio Ferdinand diễn ra cách đây tới hơn 3 tháng, nhưng đến bây giờ FA mới xử, trong khi đó cùng thời điểm đó vụ việc tương tự như trên giữa Evra và Luis Suarez đã có phán quyết từ rất lâu rồi (Suarez cũng đã chấp hành xong hình phạt treo giò 8 trận).

Bên cạnh đó, phiên tòa xét xử về vụ việc này chưa diễn ra nên chưa thể kết luận Terry có tội hay vô tội. Vậy đâu là nguyên nhân khiến FA lại đưa ra quyết định như khẳng định hậu vệ của Chelsea đã mắc tội phân biệt chủng tộc? Tất cả những câu hỏi này đều có chung một câu trả lời đó là giới truyền thông của Anh quốc, nơi bắt nguồn cho cuộc chiến chống lại John Terry.

Nguyên nhân của vấn đề đều bắt nguồn từ rắc rối tại trận giữa QPR-Chelsea

Đầu tiên phải bắt nguồn từ phiên tòa xét xử vụ việc giữa Terry và Anton Ferdinand diễn ra vào đầu tháng này. Tuy nhiên, thẩm phán đã bất ngờ trì hoãn phiên tòa đến 9/7, 8 ngày sau khi trận đấu cuối cùng của Euro 2012 khép lại. Khi tòa án Westminster Magistrates chấp nhận rời ngày xét xử, giới truyền thông Anh đã rất tức giận, họ cho rằng Terry tìm mọi cách nhằm đưa vụ việc rơi vào lãng quên.

Để có được ân huệ từ tòa, Terry đã phải cầu viện đến Ron Gourlay, Giám đốc điều hành của Chelsea viết một lá thư đề nghị việc trì hoãn trên, với lý do Terry còn bận phải thi đấu. Lý do đó được xem là không chính đáng. Điều thú vị cũng trong thời gian này HLV của Tottenham, Harry Redknapp phải thường xuyên lui tới tòa án vì dính líu tới một vụ trốn thuế. Redknapp bận rộn hơn rất nhiều so với Terry nhưng vụ việc của ông lại xét xử luôn mà không có sự ưu tiên như hậu vệ của Chelsea.

Đây chính là yếu tố để “kết tội” Terry đã cố tình dìm vụ việc, với mục đích để lâu sẽ làm giảm bớt sức nóng. Ngoài ra nếu Terry được tiếp tục làm được trưởng tuyển Anh và đội bóng này thi đấu thành công tại Euro 2012 thì rất có thể phiên tòa xét xử trên chỉ diễn ra theo dạng hình thức và Terry sẽ chẳng phải đối mặt với án phạt nào cả. Nếu kịch bản đó thành sự thật, đó sẽ là màn thoát tội vô cùng ngoạn mục.

Jason Roberts cựu tiền đạo của Reading và đang là chuyên gia của tờ Sportmail cho rằng để Terry đi cùng tuyển Anh tham dự Euro 2012 chẳng khác nào “thuốc độc”. Rõ ràng quyết định rời ngày xét xử với lý do không thuyết phục trên đã vô tình làm xấu đi vấn đề, nó chỉ chứng minh điều duy nhất là Terry đang cố gắng dùng quyền lực để che lấp đi tội lỗi. Với giới truyền thông Anh, bằng chứng phạm tội (clip ghi lại lời nói của Terry) đã quá rõ ràng và anh cần phải được đem ra xét xử nhanh chóng.

Chiếc băng đội trưởng lần thứ 2 rời xa tay của Terry

Bên cạnh đó, việc Terry không bị đưa ra xét xử ngay cũng khiến cho phong trào phân biệt chủng tộc coi đó là chiến thắng. Ở Euro 2008, trung bình mỗi trận đấu có khoảng 155 triệu người trên khắp thế giới theo dõi còn trận chung kết lên tới 330 triệu người từ 231 quốc gia xem. Sự kiện năm nay còn lớn nhất, sẽ ra sao nếu một cầu thủ da màu nào đó như Ashley Cole, Welbeck, hay bất cứ ai khác của tuyển Anh bị chế giễu về màu da tại Euro 2012?

Trách nhiệm của FA là phải bảo vệ hình ảnh cho tuyển Anh, những vụ việc của Suarez - Evra hay Terry - Ferdinand đã làm cho hình ảnh của bóng đá Anh xấu đi nghiêm trọng. Trong khi đó tôn chỉ của FA lại là xây dựng một nền bóng đá đẹp trong con mắt của tất cả mọi người. Nên việc để Terry tiếp tục mang băng đội trưởng tại Euro 2012, chỉ xét riêng về mặt hình ảnh cũng đủ thấy rủi ro lớn cho FA.

Và đó chỉ mới chỉ là bề ngoài, còn bên trong nội bộ đội tuyển Anh nếu Terry còn làm đội trưởng sẽ rất rối ren. Rio Ferdinand là một cầu thủ lớn, anh cũng có nhiều mối quan hệ với các cầu thủ khác trong đội, việc Terry vẫn ngang nhiên không phải chấp hành hình phạt sẽ khiến cho những người thân cận Rio cảm thấy không hài lòng và điều đó sẽ làm rạn nứt tình đoàn kết, khiến cho sức mạnh của “Tam sư” bị giảm sút.

Với quá nhiều điều chống lại Terry như vậy, FA chẳng thể làm ngơ được. Cơ quan này phải đối mặt với hai lựa chọn, ủng hộ hoặc phế Terry, kết quả thì giờ cũng đã rõ.
Phù Sa | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục