Vì sao C45 không điều tra việc đội tuyển Việt Nam bán độ hay không?

06:33 Thứ ba 22/07/2014

Hàng loạt CLB V-League bán độ khiến báo chí và người hâm mộ đặt câu hỏi cho sự “trong sạch” của đội tuyển Việt Nam-nơi tập trung những cầu thủ tinh tú nhất của bóng đá VN.

Như thông tin chúng tôi đã đưa, trong cuộc họp báo chiều 21/7 tại trụ sở C45 (Cục cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội),

Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng C45 (Bộ Công an) đã đưa ra những con số đáng sợ về vấn nạn cá độ bóng đá.

Theo ông Tiến, kết quả đấu tranh, có 53/63 tỉnh thành bắt giữ xử lý các đối tượng liên quan đến tổ chức và đánh bạc. Tổng số tiền thu được là 14 tỷ 244 triệu, gần 82.000 USD. Phương tiện gồm có: 10 xe ô tô, 285 máy tính, điện thoại di động... C45 đã phong tỏa hàng trăm tài khoản khác nhau. Hiện nay với trách nhiệm của mình C45 chỉ đạo các địa phương bắt giữ nhiều đối tượng, với hơn 600 vụ, gần 4.000 đối tượng, tài sản rất lớn.

Ông Hồ Sỹ Tiến nói rằng các trận đấu của đội tuyển Việt Nam được giám sát hết sức gắt gao

Việc phải xử lý ngày càng nhiều vụ cá độ, có nhiều ý kiến cho rằng bóng đá Việt Nam đã mất kiểm soát với vấn nạn này. Ông Tiến thừa nhận, bóng đá Việt Nam thuộc top các nền bóng đá tai tiếng về dàn xếp tỷ số, lừa dối khán giả dẫn đến những trận đấu phi thể thao. Quan điểm của Tổng cục Cảnh sát hình sự và Bộ Công an là tiếp tục điều tra mở rộng chuyên án này. "Chúng ta có thái độ dứt khoát, không khoan nhượng với đội bóng và cầu thủ vi phạm đạo đức nghề nghiệp, dẫn đến ảnh hưởng đến nền bóng đá nước nhà"- ông Tiến nói.

Trước câu hỏi của báo chí: “Vụ dàn xếp tỷ số ở Đồng Nai là vụ tiêu cực lớn thứ hai của bóng đá Việt ở mùa giải này. Ông có cho rằng vụ việc tương tự cũng xảy ra với đội tuyển Việt Nam?”, ông Tiến tự tin trả lời: “Tất cả các trận của đội tuyển quốc gia, với trách nhiệm của mình, được cục cảnh sát hình sự cũng phối hợp với Liên đoàn, kiểm tra các cầu thủ và thường xuyên cử cán bộ cục cảnh sát hình sự đi theo đội tuyển. Vì thế, chúng ta tin rằng các cầu thủ tuyển quốc gia trong những năm vừa qua đã chơi hết mình vì màu cờ sắc áo, vì danh dự của nước nhà. Còn ở các CLB, phạm vi rộng hơn vì các cầu thủ đến từ nhiều địa phương nên việc quản lý cũng tương đối khó khăn và đã xảy ra nhiều việc đáng tiếc”.

Thực tế, ở đội tuyển Việt Nam hay U23 mới chỉ dừng lại ở mức “có biểu hiện tiêu cực”. VFF cũng chỉ đưa một số cầu thủ vào “danh sách đen”, nhưng chưa bao giờ khẳng định có chuyện bán độ ở các đội tuyển.

Tuy nhiên, với việc ngày càng nhiều tuyển thủ U23 và đội tuyển Việt Nam dính bán độ ở CLB, mà trường hợp gần nhất là ở Ninh Bình và Đồng Nai, liệu những tuyên bố về sự trong sạch của đội tuyển Việt Nam có quá sớm?
Song Ngư | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục