Tự truyện Alex Ferguson (Chương 13): Ronaldo

12:47 Thứ tư 06/11/2013

Cristiano Ronaldo là cầu thủ tài năng nhất trong nhiệm kỳ của tôi ở United. Cậu ấy giỏi hơn tất cả những cái tên vĩ đại khác mà tôi từng huấn luyện, và nên nhớ rằng ở M.U có rất nhiều gương mặt xuất chúng. Có lẽ chỉ có Paul Scholes và Ryan Giggs là có thể xếp gần ngang hàng với Ronaldo, bởi họ đã cống hiến một cách không thể tin nổi cho Manchester United trong suốt hai thập niên. Sự ổn định và bền bỉ của Scholes và Giggs quả là phi thường.

Bài viết cung cấp độc quyền bởi

 

 

 

Ronaldo là giỏi nhất

Cuối cùng thì chúng tôi đã đánh mất vũ khí ma thuật của mình, Cristiano, vào tay Real Madrid, nhưng chúng tôi có thể tự hào về quãng thời gian của cậu ấy ở đây. Sau 6 mùa giải từ năm 2003 tới 2009, cậu ấy đã ghi 118 bàn sau 292 trận đấu và giành 1 chức VĐ Champions League, 3 chức VĐ Premier League, 1 Cúp FA và 2 Cúp Liên đoàn. Trong giai đoạn đó, chúng tôi đã được chứng kiến sự bùng nổ của một tài năng đặc biệt trên sân tập và trong đội hình chính, chúng tôi đã giúp Ronaldo trở thành cầu thủ xuất sắc nhất thế giới và cậu ấy đã giúp chúng tôi lấy lại tầm vóc và cảm hứng mà Manchester United nên có.

Ronaldo và hành trình đầy vinh quang tại Manchester United

Madrid đã trả 80 triệu cho Ronaldo, và bạn biết vì sao không? Đó là một cách để Florentino Perez, Chủ tịch của họ, nói với thế giới rằng “Chúng tôi là Real Madrid, là CLB vĩ đại nhất”. Theo đuổi những cầu thủ nổi tiếng nhất là một chiến lược thông minh của Real. Ramon Calderon, người tiền nhiệm của Perez, từng nói rằng một ngày nào đó Cristiano sẽ là người của Real. Tôi biết rõ rằng nếu họ trả đủ 80 triệu bảng thì cậu ấy sẽ ra đi. Chúng tôi không thể ngăn cản cậu ấy thực hiện mong ước trở về bán đảo Iberia và khoác chiếc áo trắng huyền thoại của Di Stefano hay Zidane.

Trở về Iberia

Khi Ronaldo bắt đầu trở thành một siêu sao, tôi đã hỏi Carlos Queiroz: “Chúng ta có thể giữ chân Cristiano Ronaldo trong bao lâu?”. Carlos nói: “Alex, nếu ông có thể khai thác cậu ấy trong 5 năm thì đó đã là một mỏ vàng. Chưa bao giờ có tiền lệ về một cầu thủ BĐN ra nước ngoài thi đấu từ khi 17 tuổi và ở đó 5 năm”. Việc chúng tôi sở hữu được Cristiano 6 năm đã là thành công ngoài dự kiến.

Sự trưởng thành từ một tài năng trẻ đến siêu sao đắt giá nhất hành tinh

Khi khả năng cậu ấy ra đi ngày càng trở nên rõ ràng, tôi đã đạt được một thỏa thuận giữa những người đàn ông với Cristiano. Tôi đến nhà của Carlos ở BĐN, nơi cậu ấy khẳng định mong muốn được sang Real, và nói rằng: “Cậu không thể đi vào năm nay, sau cái cách mà Calderon đặt vấn đề chuyển nhượng. Tôi thà bắn cậu còn hơn bán cậu cho gã đó. Nếu tôi đồng ý bán, tôi sẽ mất hết danh dự. Cứ ở đây, đá cho tốt và tôi sẽ để cậu đi nếu ai đó đưa ra một lời đề nghị kỷ lục thế giới”. Tôi tìm cách truyền tải thông điệp ấy đến cho Jorge Mendes, David Gill (người sẽ thông báo lại với nhà Glazers) và tôi chắc chắn rằng sớm muộn gì thì Real cũng sẽ biết điều đó. Tuy nhiên phải nói rằng Mendes là người đại diện tốt nhất mà tôi từng làm việc cùng: anh ta rất có trách nhiệm, sòng phẳng và luôn quan tâm đến các cầu thủ.

Trong những năm đầu tiên ở đây, đúng là Ronaldo đã ăn vạ hơi quá mức. Người ta không thực sự sai khi cho rằng cậu ấy là một “kịch sĩ”, nhưng cần phải thấy rằng Ronaldo luôn di chuyển rất nhanh: ở tốc độ cao như vậy, chỉ cần ai đó chạm nhẹ vào cơ thể bạn thì bạn cũng sẽ mất thăng bằng và ngã. Và dần dần cậu ấy đã thay đổi. Cho dù phải hứng chịu bao nhiêu cú xoạc bóng hay pha phạm lỗi, cậu ấy luôn luôn thể hiện một niềm tin sắt đá rằng: “Mày sẽ không thể làm tao nản chí. Tao là Ronaldo”. Ban đầu, ở trung tâm tập luyện Carrington, cậu ấy sẽ thét lên ầm ĩ mỗi khi bị xoạc bóng, nhưng Cristiano rất nhanh chóng nhận ra rằng các đồng đội không muốn đóng vai trò khán giả cho những pha diễn xuất nghiệp dư của mình và cậu ấy dừng lại. Trong mùa giải cuối cùng tại M.U, cậu ấy không hề ăn vạ nhiều hơn những người khác.

Quá nhanh, quá phấn khích

Cho dù tất cả mọi người (bao gồm Real Madrid và Arsenal) đều nói rằng họ đã có cơ hội ký HĐ với Ronaldo, chúng tôi mới là đội bóng có quan hệ hợp tác với Sporting Lisbon, CLB đầu tiên của cậu ấy. Từ năm 2002, Carlos đã nhắc tôi phải lưu ý đến Ronaldo, khi ấy đang chơi ở vị trí trung phong. Chúng tôi bắt đầu thảo luận với Sporting, và họ muốn giữ cậu ấy lại thêm hai năm. Đến mùa hè năm 2004, chúng tôi đá giao hữu với Sporting và Ronaldo đã khiến John O’Shea, người chơi hậu vệ phải ở trận đó, trải qua một phen vô cùng khốn khổ (sau này, khi Ronaldo đến Old Trafford thì tất cả mọi người trong phòng thay đồ, từ Giggs, Ferdinand, Scholes đến Neville đều biết cậu ấy giỏi thế nào và tôi nghĩ đó là một lợi thế lớn cho Cristiano). Ngay lập tức tôi bảo trợ lý trang phục Albert Morgan đi gọi Peter Kenyon đến và nói với ông ấy: “Chúng ta sẽ không rời khỏi sân bóng này cho đến khi ký được HĐ với cậu ta”. Kenyon nói chuyện với phía Sporting và đề nghị được trao đổi trực tiếp với Cristiano. Khi biết rằng Real Madrid đã đề nghị trả 8 triệu bảng cho Ronaldo, tôi bảo Kenyon: “Cứ trả họ 9 triệu”.

Giá chuyển nhượng của CR7 cũng tăng nhanh như tốc độ đi bóng của anh

Tốc độ của thương vụ đó quả là khủng khiếp. Ngày hôm sau chúng tôi thuê một chiếc chuyên cơ để đưa Ronaldo, mẹ và chị cậu ấy, Jorge Mendes và luật sư riêng đến Manchester để thực hiện thủ tục ký hợp đồng. Tôi có cảm giác y như lúc đọc cuốn tiểu thuyết “Nanh Trắng” của Jack London, khi người ta đổ xô đi tìm vàng vào cuối thế kỷ 19. Sự sung sướng khi phát hiện ra một George Best, một Ryan Giggs, một Bobby Charlton hay một Cristiano Ronaldo cũng tương tự như vậy. Vụ chuyển nhượng Ronaldo chắc chắn đã mang lại sự phấn khích lớn nhất trong sự nghiệp huấn luyện của tôi, nhất là sau khi tôi đã bỏ lỡ thương vụ Paul Gascoigne vào năm 1988.

Tuy nhiên không như vụ Gascoigne, Kenyon đã hoàn tất các cuộc đàm phán với Sporting. Tôi cảm thấy họ không muốn bán Ronaldo cho một CLB của TBN, và phí chuyển nhượng được chốt ở mức 12 triệu bảng kèm theo điều kiện duy nhất là Sporting sẽ có quyền ưu tiên mua lại Ronaldo khi chúng tôi bán cậu ấy. Vài ngày trước khi bán Ronaldo cho Real, chúng tôi thông báo với Sporting là họ có thể đưa Ronaldo trở lại, nhưng với cái giá là 80 triệu bảng. Tất nhiên là không có tấm séc nào được gửi đến cả.

Như chưa hề có cuộc chia ly

Tại World Cup 2006, chúng tôi từng vướng vào một vụ rắc rối lớn cùng Ronaldo vì cậu ấy nháy mắt với những người trên băng ghế kỹ thuật của BĐN sau khi Wayne Rooney bị đuổi. Người ta từng cho rằng mối quan hệ giữa Rooney và Ronaldo sẽ tan vỡ, và họ sẽ không bao giờ còn có thể chơi bóng cùng nhau. Tuy nhiên Rooney đã cứu Ronaldo: khi tôi nói chuyện điện thoại với cậu ta, Rooney đề nghị hai người bọn họ thực hiện một cuộc phỏng vấn cùng nhau để khẳng định rằng mối quan hệ vẫn tốt đẹp. Sau đó Rooney còn gọi điện cho Ronaldo để trấn an người đồng đội và Ronaldo đã cảm thấy thoải mái hơn. Cuối cùng tôi đến dùng bữa trưa cùng Ronaldo tại một biệt thự ở BĐN và bảo cậu ấy rằng: “Cậu là một trong những cầu thủ dũng cảm nhất từng đến M.U, và trốn chạy không phải là một giải pháp. Năm 1998 các CĐV ở London từng dọa giết David Beckham nhưng cậu ta vẫn vượt qua được sức ép”.

Mùa hè năm 2012, tôi tham dự một cuộc phỏng vấn của BBC cùng với Peter Schmeichel và Sam Allardyce. Khi có người hỏi giữa Ronaldo và Messi ai là người giỏi hơn, Schmeichel nói Ronaldo có thể thi đấu trong một đội bóng dở (và vẫn tỏa sáng) còn Messi thì không. Peter cho rằng Messi phụ thuộc vào các đường chuyền từ Xavi và Iniesta, nhưng thực ra Ronaldo cũng cần các đồng đội cung cấp bóng liên tục. Trong tất cả các lần được hỏi, tôi không thể khẳng định ai giỏi hơn ai bởi xếp một trong hai người ở vị trí thứ hai đều sẽ là một sai lầm. Tuy nhiên điều quan trọng là tôi và Ronaldo vẫn duy trì được quan hệ tốt dù cậu ấy đã ra đi: một cái kết đẹp trong một trò chơi mà các mối quan hệ luôn không ngừng thay đổi.
Quang Hải | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục