Thấy khả thi, mới đăng cai Asiad

08:20 Thứ tư 02/04/2014

Đó là phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về đề án đăng cai Asiad 2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), đang nhận được nhiều ý kiến phản biện thời gian qua.

Sáng 1/4, phát biểu kết luận phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Bộ trưởng VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh trong tuần tới phải báo cáo Thủ tướng phương án, kế hoạch cụ thể về tổ chức Đại hội Thể thao châu Á 2019 - Asiad 18.

“Cái này chưa báo cáo, Thủ tướng chưa nghe. Bây giờ phải báo cáo cụ thể xem phương án, kế hoạch ra sao, chi những nội dung gì, được hay không được để Thủ tướng có ý kiến. Việc này phải được làm chặt chẽ. Nếu nhân dân không đủ thông tin sẽ nói Chính phủ sao mà làm hời hợt thế”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ. Ảnh: Đức Tám

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Chính phủ làm rất nghiêm túc. “Người ta mong muốn Việt Nam đăng cai Asiad, chủ trương thì chúng ta đồng ý nhưng phải có kế hoạch, phương án cụ thể. Thấy khả thi, đảm bảo thì mới làm, Thủ tướng mới đồng ý cho làm, còn không thì chúng ta không làm”, Thủ tướng nêu rõ.

Để có thể đưa ra quyết định có đăng cai Asiad 2019 hay không, Thủ tướng yêu cầu Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nghe kỹ lại đề án và tuần tới báo cáo Thủ tướng quyết định.

Buổi chiều cùng ngày, tại buổi họp báo tại Văn phòng Chính phủ, để làm rõ hơn quy trình để một cơ quan của Chính phủ đăng cai một sự kiện thể thao, văn hóa như Asiad 18, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên cho biết từ năm 2010 Bộ VHTT&DL đã nắm thông tin, báo cáo với Thường trực Chính phủ để bàn bạc thống nhất chủ trương, bắt đầu chuẩn bị việc đăng cai tổ chức Asiad 18.

Sau khi được sự đồng ý về chủ trương, Bộ VHTT&DL phối hợp các ngành, địa phương tiến hành rà soát lại các công việc cần và đủ để tổ chức Asiad 18. Sau khi được Ủy ban Olympic châu Á (OCA) trao quyền đăng cai, chúng ta bước vào giai đoạn hai là bắt đầu chuẩn bị.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận phiên họp. ảnh: Đức Tám

Nhiệm vụ của Bộ VHTT&DL cùng các bộ, ngành có liên quan, cùng Hà Nội và các địa phương lân cận khảo sát lại xem khả năng chúng ta có làm được không. Lúc đó Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nắm kỹ, lắng nghe các ý kiến, sau đó báo cáo Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rồi mới quyết định có đăng cai chính thức hay không.

Những ngày qua, chúng ta nghe rất nhiều ý kiến của nhân dân, các chuyên gia, những người tâm huyết, có trách nhiệm với đất nước… băn khoăn và đưa ra những hình ảnh minh họa về việc nên hay không nên đăng cai Asiad. Trong đó, vai trò báo chí cực kỳ quan trọng, góp ý Chính phủ trước khi quyết định.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết: “Sáng 1/4, Thủ tướng có giao nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ VHTT&DL tuần sau báo cáo để Thủ tướng nghe và quyết định. Chúng ta tin tưởng rằng, từ những thông tin, luận cứ, góp ý… chắc chắn Thủ tướng sẽ có kết luận, quyết định có tình, có lý trên cơ sở lắng nghe từ nhiều phía”.

Chưa đặt cọc tiền tổ chức Asiad 18

Về câu hỏi khi đăng cai tổ chức Asiad 18, Việt Nam đã phải chi khoản tiền đặt cọc, vậy Nhà nước đã chi một khoản ngân sách nào cho việc này? Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên khẳng định “đến giờ này theo tôi biết chúng ta chưa đặt cọc đồng nào cả. Tuy nhiên, khi đăng cai chúng ta đã đăng ký số tiền là 150 triệu USD (vào năm 2010). Chúng ta dự định vào năm 2019 đủ sức đăng cai, tuy nhiên hiện nay lộ trình phát triển không như dự định”.

Về việc trả lại quyền đăng cai, Bộ trưởng Nên khẳng định, không có gì ràng buộc lớn, vì thực tế đã có tiền lệ nhiều nước trả lại không đăng cai. Tất nhiên việc trả lại cũng phải đưa ra những lý do cụ thể, như không đủ điều kiện tổ chức.

“Tôi có hỏi thông tin, tinh thần có thể hiểu là chưa có chế tài phạt nào nếu dừng đăng cai cả”, Bộ trưởng Nên cho biết.

“Người ta mong muốn Việt Nam đăng cai Asiad, chủ trương thì chúng ta đồng ý nhưng phải có kế hoạch, phương án cụ thể. Thấy khả thi, đảm bảo thì mới làm”

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

“Cái này chưa báo cáo, Thủ tướng chưa nghe. Bây giờ phải báo cáo cụ thể xem phương án, kế hoạch ra sao, chi những nội dung gì, được hay không được để Thủ tướng có ý kiến. Việc này phải được làm chặt chẽ. Nếu nhân dân không đủ thông tin sẽ nói Chính phủ sao mà làm hời hợt thế”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Hà Nhân - Công Khanh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục