Tây Ban Nha - Barcelona: Đừng đánh đồng hai thể loại Tiki-taka

15:28 Thứ tư 20/03/2013

Còn nhớ World Cup 2010, khi Tây Ban Nha bất ngờ xảy chân trong trận đấu ra quân trước Thụy Sĩ, người ta đã đồn thổi về một “Tiki-taka bị bắt bài”. Thế nhưng mạch sáu trận thắng liên tiếp rồi sau đó đăng quang đã chứng minh sức mạnh thực sự của những đấu sĩ bò tót, đưa bóng đá tấn công lên ngôi, lật đổ ngôi vương của bức tường thép Italia.


Thành công đó không thể không nhắc đến sự tỏa sáng của David Villa với 5 bàn thắng. Barca cũng có Villa, nhưng sự khác biệt trong lối chơi của hai đội hình lại xuất phát từ chính vị trí của cầu thủ này. Tại sao không phải là Casillas, khi mà Valdes chưa bao giờ đủ tầm để trở thành người gác đền giữ vị trí an lòng người hâm mộ? Tại sao không phải là Ramos, một thống lĩnh đặc biệt mang sự pha trộn hài hòa giữa Puyol và Pique? Và tại sao không phải là Alonso, người hoàn thiện miếng ghép “công thủ toàn diện”, con thoi đặc lực giúp Xavi lẫn Innesta toàn tâm phô diễn tài năng trên mặt trận tấn công?

Không phải một ai đến từ Real, mà chính David Villa xuất hiện trên hàng công Tây Ban Nha để khẳng định vị trí của một trung phong đích thực trong bộ khung đội hình.

Khác biệt lớn nhất giữa Tiki-taka Barca và Tây Ban Nha chính là David Villa. Ảnh: Internet.

Barcelona sử dụng Tiki-taka với sơ đồ 4-3-3. Sự cơ động ở hai cánh khoét sâu với tốc độ của Messi hay Pedro hay thậm chí là Alba là món đánh sở trường của gã khổng lồ xứ Catalan. Giống như Di Mateo từng nói: “Barca chỉ thực hiện những đường chuyền ngang sau khi thực hiện một đường chuyền thẳng”. Tất cả những pha ban bật tưởng như bóng ma qua đó đều là để tạo thời gian cho những cầu thủ tốc độ và di chuyển thông minh tự tạo khoảng trống, cũng như thu hút sự chú ý của hàng phong ngự đối phương. Nhờ đòn đánh khó chịu này mà Barca không cần đến một trung phong đúng nghĩa. Bản thân cây săn bàn số 1 của Barca là Messi cũng xuất phát từ vị trí chạy cánh. Villa vào lối chơi chung của Barca cũng phải hy sinh cho lối đá này. Anh thường phải lùi về để phối hợp nhóm, hoặc dạt sang bên phải để kéo dãn hàng thủ đối phương. Villa chỉ tiếp cận khung thành như “kẻ xuất hiện đúng lúc” để đặt lòng kết liễu; hoặc chăng là một tính huống hiếm hoi phá bẫy việt vị lao lên.

Ta không bao giờ có thể tìm thấy hình ảnh của một Villa xông xáo, một Villa cá tính, một con sói độc bước trên hàng công Valencia thuở nào trong màu Barcelona. Cá tính như “Bad boy” Imbrahimovic cũng còn phải ngậm ngùi “ra rìa”, huống chi là với một lối đá ban bật hoàn toàn khác, một lối đá cần vị trí tiền đạo cắm đích thực.

Điểm khác biệt lớn nhất giữa hai bộ khung Tây Ban Nha và Barcalona không đến từ con người, nó đến từ sơ đồ chiến thuật, rõ ràng là thế. Tây Ban Nha khi dùng đến Tiki-taka, họ chọn cho mình con số 5 ở hàng tiền vệ, chứ không phải 3 như Barcelona. Với sơ đồ 4-1-4-1, HLV Del Bosque hướng đến sự hài hòa giữa những pha bóng tầm gần và tầm trung, từ đó tận dụng tối đa khả năng phân phôi bóng của Alonso, sự nhịp nhàng và thông minh của Xavi và Innesta, cũng như mang đến hơi thở mới từ hai cánh tốc độ và kỹ thuật.

Các miếng đánh của tuyển thủ Tây Ban Nhacũng vô cùng phong phú. Khi những pha ban bật từ bộ 5 tiền vệ chưa thể xuyên phá hàng phòng ngự số đông, họ ngay lập tức có thể mở bóng ra hai biên cho Silva hay thậm chí là Cazorla hoặc Mata băng xuống. Với sự đột biến từ hai cánh, cộng với khả năng sút xa từ tuyến hai cũng như việc di chuyển và chọn vị trí từ tiền đạo bên trong vòng cấm, các cầu thủ có nhiều sự lựa chọn để tiếp cận khung thành.

Khi bóng đã đưa đến gần vòng cấm địa, Tây Ban Nha ít khi chọn cho mình giải pháp giữ bóng chờ khoảng trống như Barca. Họ ngay lập tức đưa ra quyết định tạt bóng hay chọc khe hoặc dứt điểm. Điều này thể hiện ngay trong tỷ lệ kiểm soát bóng. Tây Ban Nha không cầm bóng nhiều như Barcelona, nhưng số lần dứt điểm thì nhiều hơn hẳn. Không dừng lại ở đó, Tây Ban Nha không sở hữu Messi. Có lẽ điều này có lợi nhiều hơn có hại. Không phải vì Messi không hay, mà ngược lại, bởi lẽ Messi quá xuất sắc, là cầu thủ không thể thay thế trong đội hình, khiến cho lối đá của Barca hoàn toàn phục vụ Messi, tạo đất diễn tối đa cho cầu thủ này. Vì thế mà Barca sẽ không còn là Barca nếu không có Messi.

Barca phụ thuộc nhiều vào Messi nhưng ở Tây Ban Nha ai cũng có thể "làm nên chuyện". Ảnh: Internet.

Nhưng Tây Ban Nha thì hoàn toàn ngược lại. Họ sở hữu rất nhiều hảo thủ ở mọi vị trí. Sự đồng đều ở mọi tuyến, mọi cầu thủ khiến cho tất cả như một cỗ máy hoạt động bởi các bánh răng đồng cỡ. Việc thiếu hụt, khiếm khuyết ở một vị trí đều có thể thay thế, khỏa lấp nhanh chóng. Nếu như Villa cần nghỉ ngơi, ngay lập tức Torres hay Lorrente được trao cơ hội. Khi mà hai cánh có dấu hiệu bế tắc, Silva sẽ được thay ra và bổ xung vào đó là Cazorla hay Jesus Navas. Ở Barca, Xavi là chân chuyền số 1, thì đến với tuyển quốc gia, gánh nặng trên vai anh được san sẻ cho Mata, cho Alonso. Dường như không có con bài chủ nào lại khiến cho Tây Ban nha có bộ bài trong mơ. Hãy tưởng tượng giống như khi bạn đánh bài tiến lên vậy, HLV Del Bousque không cầm trên tay bất kỳ một con hai nào, nhưng họ lại có một bộ tứ quý hàng tiền vệ, thậm chí là bộ dây năm, dây sáu toàn hàng công.

Người ta có thể nói lối đá của Barca gây buồn ngủ, vì họ cầm bóng quá nhiều mà sự đột biến thì không phải lúc nào cũng thấy. Thế nhưng điều đó không bao giờ tái hiện ở tuyển Tây Ban Nha. Và thậm chí là khi xét đến sự hiệu quả, rõ ràng Tây Ban Nha chưa thể hiện khuyết điểm hay chí ít là chưa bị bắt bài.

Khi mà Messi chưa tỏa sáng, khi mà hàng phòng ngự ba lớp của đối phương chưa bị phá giải, Barca phải đối mặt với những đòn phản công sắc lẹm. Trái lại, việc cần bằng trong thời lượng kiếm soát bóng và cầm nhịp trận đấu khiến Tây Ban Nha không bị bó buộc vào việc phải dâng đôi hình quá cao. Để làm được điều này, Tây Ban Nha luôn cần một mũi nhọn sẵn sàng băng lên, một tiền đạo cắm có khả năng hoạt động độc lập, và hơn hết là một con sói “lởn vởn trong vòng cấm địa”. David đã làm quá tốt công việc đó. Bằng chứng là 5 bàn thắng trong kỳ World Cup 2010, chỉ xếp sau “vua phá lưới” về khả năng kiến tạo.

Tiki-taka vốn chỉ là một ý tưởng. Nó hiện diện như một trường phái riêng biệt trong bóng đá tấn công hiện đại. Nhiều người nói Tây Ban Nha lấy bộ khung là Barca, những con người trưởng thành từ lò La Masia, điều đó đúng nhưng không phải là tất cả. Con người làm nên chiến thuật nhưng chính chiến thuật cũng quyết định con người. David Villa ở Barca và Tây Ban Nha hoàn toàn khác nhau. Tiki-taka ở hai đội hình này cũng hoàn toàn khác nhau. Đừng đánh đồng tất cả chỉ vì một cái tên, cái tên chi đại diện, còn phong cách mới là điều cốt lõi.

(Bạn đọc: Đức Dương)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@tinthethao.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập TinTheThao.com.vn

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục