Sức mạnh từ khán đài

00:59 Thứ ba 04/02/2014

Sân Thống Nhất chật kín khán giả trong các trận đấu giao hữu U19 quốc tế mới đây. Giải đấu đã qua, thành tích của đội nhà dưới mức kỳ vọng, nhưng những khán đài cuồng nhiệt, không còn chỗ trống có lẽ là hình ảnh đáng nói nhất cho sự kiện thể thao này.

Chỉ là một giải giao hữu của bóng đá trẻ, nhưng phe vé chợ đen ở sân Thống Nhất đã “kiếm ăn được”. Sự nô nức của khán giả luôn luôn là điều đáng thèm cho mọi môn thể thao. Khán giả tạo ra sự khích lệ tinh thần cho các trận đấu. Không chỉ thế, những tràng vỗ tay của họ còn tạo ra sức sống cho đời sống thể thao.


Kéo được khán giả đến sân, thu nhập không chỉ là tiền bán vé. Có những làn sóng cháy bỏng trên khán đài, thu nhập từ tài trợ áo đấu, bản quyền truyền hình, cá cược… sẽ là nguồn nuôi sống các cầu thủ, vận động viên. Không có gì đáng tự hào, nếu các câu lạc bộ chỉ sống được bằng nguồn tiền của các ông bầu “đổi tài trợ lấy lợi ích”.

Câu chuyện mang tên “bóng đá chuyên nghiệp” ở Việt Nam hơn chục năm qua có những dư vị đắng. Nhiều ông chủ đổ tiền vào các đội bóng, phần lớn vẫn như một cú làm ăn dạng “mua tên”. Khi các khoản vay được thực hiện dễ dàng, bóng đá ngợp trong những khoản tiền tỷ. Nhưng ngay khi kinh tế khó khăn, nguồn vay thu hẹp, bóng đá trở thành cục nợ khó nhằn.

Đó là điều đương nhiên, khi ngay cả môn thể thao vua cũng chưa tự nuôi sống được mình. Trong tình thế ấy, bóng đá là cuộc chơi của các ông chủ hơn là của khán giả hâm mộ. Tên in trên áo đấu chỉ phục vụ cho mục đích kinh doanh thuần túy, hẳn nó sẽ không mang ý nghĩa màu cờ sắc áo để tạo nên bản sắc riêng.

Đám đông khán giả là một thước đo sòng phẳng, không ai lừa được họ chỉ bằng những chiêu tiếp thị. Một đội bóng rổ lắm chiêu thức ầm ĩ, cuối cùng cũng xẹp, vì khán giả chẳng có trận đấu hay để coi. Một vài đội bóng đá mời “chân dài” đến sân làm điểm nhấn, cuối cùng cũng giải tán. Gọi là khán giả, nhưng họ luôn là thật, đó luôn luôn không phải là chơi chữ.

Bóng đá đã không vui, các môn thể thao khác ở nước ta trong vài năm qua cũng không là ngoại lệ. Bóng chuyền chỉ có kha khá khán giả, nếu giải đấu có thêm chữ “quốc tế xịn” gắn vào. Bóng bàn không còn hút mắt người hâm mộ như trước. Quần vợt cũng chỉ đông vui, nếu có ngôi sao tầm cỡ thế giới đến đánh biểu diễn. Còn những bơi lội, điền kinh hay cầu lông, thu hút khán giả vẫn còn là bài toán khó. Không thể trách khán giả vô tình, nếu họ quay lưng với thể thao. Không có ngôi sao, tinh thần thi đấu được chăng hay chớ…, mà muốn có đông khán giả, đúng là chuyện “còn khuya”.

Bởi vậy, hãy kỳ vọng vào sự nhạy bén của những người làm thể thao – dù ở cương vị quản lý hay các ông bầu. Chính họ là người khởi đầu cho việc tăng chất lượng của nền thể thao. “Có cái để coi”, khán giả sẽ rủ nhau tới sân xem thi đấu. Và sức mạnh từ khán đài sẽ tạo hiệu ứng lớn cho những kỳ vọng mới.
Vũ Bách | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục