Nước mắt SEA Games (bài 4): Lê Thị Huệ và chỉ đạo của phó thủ tướng

14:09 Thứ hai 30/09/2013

Bắt đầu từ một bài viết về trường hợp đô vật nữ Lê Thị Huệ bị bỏ rơi, Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi Bộ VHTTDL về việc xây dựng chính sách đối với VĐV chấn thương, gặp tai nạn...

Bao giờ thể thao Việt Nam hết những cảnh đời như Lê Thị Huệ (trái) và Trương Thị Yến (phải)?

Bước ngoặt trong đời Lê Thị Huệ

Tháng 5.2013, tờ báo đầu tiên viết về trường hợp Lê Thị Huệ sau 10 năm gặp chấn thương trong quá trình chuẩn bị SEA Games 22 - 2003.

Trong 10 năm đằng đẵng ấy, với sự giúp đỡ của mẹ già, Huệ chống chọi với những cơn đau về thể xác và nỗi đau về tinh thần khi thấy mình bị bỏ rơi. 10 năm gần như không có một chế độ đãi ngộ. Hằng ngày, Huệ ngồi xe lăn với chứng thoái hóa cơ, rất khó khăn trong mọi hoạt động. Niềm hy vọng SEA Games một thời tưởng chừng như hoàn toàn bị lãng quên, âm thầm sống trong căn nhà xơ xác ở đội 4, thôn Châu Chính, xã Quảng Châu, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa).

Sau khi Báo Lao Động lên tiếng, tất cả đều ngỡ ngàng về trường hợp của Huệ. Sau đó, báo chí đồng loạt đưa tin. Câu chuyện về đô vật bị lãng quên gây xúc động mạnh và Huệ nhận được rất nhiều sự giúp đỡ về vật chất từ các cơ quan, đoàn thể, những HLV, VĐV từ mọi miền đất nước và từ cả những người nổi tiếng.

Đời sống vật chất của Huệ đã khá hơn, nhưng Huệ vẫn phải tích cực chữa trị. Hiện nay, Huệ đang được điều trị miễn phí hoàn toàn tại Bệnh viện Thể thao VN. Ngành thể thao cũng hỗ trợ tiền ăn hằng ngày cho Huệ.

Lay động đến phó thủ tướng

Chuyện của Huệ đã lay động đến Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân. Ông Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Bộ VHTTDL báo cáo ngay về trường hợp Lê Thị Huệ.

Trung tuần tháng 8.2013, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 6482/VPCP-KGVX gửi Bộ VHTTDL. Công văn nêu: “Xét báo cáo một số thông tin về VĐV Lê Thị Huệ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân có ý kiến như sau: ... Đối với các VĐV quốc gia gặp tai nạn, chấn thương trong tập luyện và thi đấu, Bộ VHTTDL chủ động phối hợp với các địa phương, cơ quan, tổ chức liên quan trên cơ sở các quy định hiện hành, quan tâm đầy đủ và kịp thời, tổ chức, vận động các hình thức hỗ trợ VĐV và gia đình VĐV một cách phù hợp, hiệu quả; đề xuất ban hành các chính sách cần thiết với các VĐV này”.

Cần chính sách hơn cần tiền từ thiện, hỗ trợ…

Lê Thị Huệ được ủng hộ những khoản tiền, cũng có thể nói là lớn, đủ để cô không còn quá khó khăn khi đối mặt với cuộc sống trong tương lai; nhưng còn nhiều VĐV từng đoạt thành tích cao, hiện vẫn đang ở trong hoàn cảnh bất hạnh.

Mới nhất là câu chuyện về tuyển thủ quốc gia, VĐV bóng chuyền bãi biển số 1 Việt Nam Trương Thị Yến (Báo Lao Động đưa tin hôm 26.9.2013). Trương Thị Yến và Nguyễn Thị Mãi của Hải Phòng từng 3 lần liên tiếp khoác áo đội tuyển dự SEA Games 24, 25, 26. Giữa tháng 9, Yến bị phát hiện căn bệnh “dị dạng mạch máu não”, phải tiến hành can thiệp phẫu thuật. Hiện nay, Yến đang nằm điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội với chi phí hàng trăm triệu đồng. Quá trình điều trị sẽ rất dài và di chứng là Yến buộc phải giải nghệ ở tuổi sung sức nhất. Trong khi đó, thu nhập toàn bộ của Yến trước đây chỉ là 3,5 triệu đồng, mẹ già không có lương hưu...

Liệu rồi Trương Thị Yến có bị bỏ rơi như Lê Thị Huệ, bị bỏ rơi như tay bơi lừng lẫy một thời Trần Xuân Hiền bị tai nạn giao thông mà gom cả nhà không đủ tiền đưa thi thể từ TPHCM về quê Quảng Bình an táng? Còn rất, rất nhiều trường hợp khác.

Được biết, trên tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Tổng cục TDTT hứa sẽ xây dựng cơ chế đãi ngộ cho VĐV thể thao đỉnh cao. Trong đó, có những vấn đề như trách nhiệm của Tổng cục TDTT, của địa phương khi VĐV gặp tai nạn. Đồng thời, Tổng cục TDTT cũng sẽ xin khoản kinh phí để hỗ trợ những trường hợp khó khăn hậu thi đấu...

Nhưng đến bao giờ chính sách mới ra đời và được thực hiện, để các VĐV yên tâm thi đấu, cống hiến hết sức mình, để khỏi phải rơi những giọt nước mắt - nhất là SEA Games 27 đang cận kề?

Thành An - Cường Đặng | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục